Đức Thánh cha tiếp Ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh

Sáng thứ Hai, ngày 08 tháng Giêng vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến Ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh. Trong dịp này, Đức Thánh cha trình bày mối quan tâm và lập trường của Tòa Thánh trước những điểm nóng trên thế giới, đồng thời đề nghị những hướng đi để xây dựng hòa bình và xã hội.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Buổi tiếp kiến diễn ra tại Hội trường Phép lành, ở lầu trên, phía cuối Đền thờ thánh Phêrô, giống như năm trước đây.

Hiện diện trong buổi tiếp kiến, lúc 10 giờ, có đại diện của 184 quốc gia và một số tổ chức quốc tế có quan hệ với Tòa Thánh trên cấp đại sứ, cùng với đại diện của chính quyền Palestine. Ngoài ra cũng có đại diện của Liên Hiệp Âu châu và Hội Hiệp sĩ Malta. Trong số các vị hiện diện, có 92 vị đại sứ thường trú. Ngoài ra, 92 vị đại sứ khác từ các nhiệm sở ở Âu châu cũng đến Vatican trong dịp này.

Về phía Tòa Thánh, có Đức Hồng y Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cùng với ba vị Tổng giám mục trưởng ba phân bộ: Tổng vụ, Ngoại giao và các nhân viên ngoại giao, cùng với các vị phó tổng thư ký của mỗi phân bộ.

Mở đầu cuộc gặp gỡ, Đại sứ Cộng hòa Cipro cạnh Tòa Thánh, ông George Poulides, Niên trưởng đoàn ngoại giao, đã đại diện mọi người chúc mừng Đức Thánh cha nhân dịp đầu năm mới và nhắc đến những hoạt động của ngài đã mang lại những hướng đi cho cộng đồng các dân nước.

Diễn văn của Đức Thánh cha

Trong diễn văn dài, Đức Thánh cha đã đề cập đến những thách đố lớn đang đề ra cho cộng đồng thế giới: chiến tranh tại nhiều nơi, nạn sản xuất và buôn bán võ khí, vấn đề môi trường và Hội nghị Thượng đỉnh COP28, vấn đề bảo vệ sự sống, nạn mang thai mướn, v.v.

Sau những lời chào thăm và chúc mừng các vị đại sứ hiện diện, Đức Thánh cha nhắc đến những phát triển trong các quan hệ ngoại giao của Tòa Thánh trong năm qua với các nước, đặc biệt là sự thiết lập quan hệ ngoại giao với Vương quốc Hồi giáo Oman và bổ nhiệm đại sứ đầu tiên.

Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Đồng thời, tôi cũng nhắc đến việc Tòa Thánh đã tiến hành việc bổ nhiệm một vị đại diện Tòa Thánh thường trú tại Hà Nội, Việt Nam, sau khi đã ký kết với Việt Nam hồi tháng Bảy năm vừa qua Thỏa Thuận về quy chế Đại diện Tòa Thánh. Điều này nhắm mục đích cùng nhau tiếp tục con đường đã trải qua cho đến nay, trong sự tôn trọng và tín nhiệm nhau, nhờ những liên lạc thường xuyên giữa hai bên ở cấp độ cơ chế và sự cộng tác của Giáo hội địa phương”.

Hòa bình bị đe dọa

Vấn đề nóng bỏng và cấp thiết đầu tiên được Đức Thánh cha nói tới là hòa bình thế giới đang bị đe dọa nặng nề vì chiến tranh tại nhiều nơi. Ngài nhắc đến quyết tâm của thế giới từ năm 1944, vào cuối Thế chiến thứ II, để bài trừ chiến tranh và đổi mới thế giới. Nhưng nay, Đức Thánh cha nhận xét rằng:

“80 năm sau nỗ lực mới mẻ và sâu rộng ấy, dường như đà cố gắng đó đã cạn kiệt và thế giới đang gặp phải sự gia tăng các cuộc xung đột dần dần biến đổi điều mà tôi đã nhiều lần gọi là ‘Thế chiến thứ III từng mảnh” thành một cuộc xung đột toàn cầu thực sự”.

Chiến tranh giữa Israel và Palestine

Đức Thánh cha nói: “Tại đây, tôi không thể không tái bày tỏ lo âu vì những gì đang xảy ra tại Israel và Palestine. Tất cả chúng ta đều bị sốc vì cuộc tấn công khủng bố ngày 07 tháng Mười năm vừa qua, chống lại dân chúng Israel, trong đó có những người bị thương, bị tra tấn và bao nhiêu người vô tội bị giết thảm khốc và bị bắt làm con tin. Tôi tái lên án những hành động như thế và mọi hình thức khủng bố và cực đoan: với cách thức đó, người ta không giải quyết các vấn đề giữa các dân tộc. Trái lại, chúng càng trở nên khó khăn hơn, tạo nên đau khổ cho tất cả mọi người. Thực vậy, điều đã tạo nên phản ứng quân sự mạnh mẽ của Israel ở Gaza đã gây ra chết chóc cho hàng chục ngàn người Palestine, phần lớn là thường dân, trong đó có bao nhiêu trẻ em, thiếu niên và người trẻ, và đã gây ra một tình trạng nhân đạo rất trầm trọng với những đau khổ không thể tượng tượng được”.

“Tôi tái kêu gọi các phe liên hệ hãy ngưng bắn trên mọi mặt trận, kể cả Liban, và trả tự do ngay cho tất cả các con tin ở Gaza. Tôi yêu cầu để cho nhân dân Palestine nhận được những trợ giúp nhân đạo và các nhà thương, trường học, nơi thờ phượng được bảo vệ cần thiết”.

“Tôi cầu mong cộng đồng quốc tế quyết liệt tiến hành giải pháp hai quốc gia, một nước Israel và một nước Palestine, cũng như một quy chế đặc biệt được quốc tế bảo đảm cho thành Jerusalem, để người Israel và Palestine, sau cùng có thể sống trong hòa bình và an ninh”.

Nhân dân Syria

“Cuộc xung đột hiện nay tại Gaza càng làm cho vùng Trung Đông, vốn đã mong manh và đầy căng thẳng, càng lâm vào tình trạng mất ổn định. Đặc biệt, ta không thể quên nhân dân Syria, đang sống trong sự bấp bênh về kinh tế và chính trị, sự bất ổn này càng trở nên trầm trọng hơn vì trận động đất hồi tháng Hai năm ngoái. Cộng đồng quốc tế cần khích lệ các phe liên hệ khởi sự đối thoại xây dựng và nghiêm túc tìm kiếm những giải pháp mới, để nhân nhân Syria không còn phải chịu đau khổ vì những biện pháp cấm vận của quốc tế nữa. Ngoài ra, tôi bày tỏ đau buồn vì hàng triệu người Syria tị nạn còn ở các nước láng giềng như Giordani và Liban”.

Liban

“Tôi đặc biệt nghĩ đến quốc gia Liban, bày tỏ lo âu vì tình trạng xã hội và chính trị mà nhân dân Liban đang gặp phải, và cầu mong tình trạng bế tắc về cơ chế đang làm cho đất nước này càng ngã quỵ được giải quyết và đất nước Liban có một vị Tổng thống.”

Myanmar

Vẫn liên quan đến Á châu, tôi muốn lưu ý cộng đồng quốc tế về Myanmar, kêu gọi hết sức nỗ lực để mang lại hy vọng cho phần đất này và một tương lai xứng đáng cho các thế hệ trẻ, không quên tình trạng khẩn cấp nhân đạo mà những người Rohingya còn phải chịu”.

Những dấu chỉ hy vọng

“Bên cạnh những tình cảnh phức tạp ấy, cũng không thiếu những dấu chỉ hy vọng, như tôi đã có thể trải nghiệm trong chuyến viếng thăm Mông Cổ. Tôi muốn tái bày tỏ lòng biết ơn đối với chính quyền nước này vì sự tiếp đón đã dành cho tôi. Cũng vậy, tôi muốn cám ơn chính quyền Hungary vì sự tiếp đón trong cuộc viếng thăm của tôi tại nước này hồi tháng Tư năm ngoái. Đó là một cuộc viếng thăm ở trung tâm Âu châu, nơi người ta hít thở lịch sử và văn hóa và tôi đã nếm được tâm tình nồng hậu của nhiều người, đó cũng là nơi người ta cảm thấy sự gần kề một cuộc xung đột mà có lẽ chúng ta không nghĩ là có thể xảy ra tại Âu châu trong thế kỷ XXI”.

Về chiến tranh giữa Nga và Ucraina, Đức Thánh cha nhận định rằng: “Rất tiếc sau gần hai năm chiến tranh rộng lớn của Liên bang Nga chống Ucraina, hòa bình rất được mong ước vẫn chưa tìm được chỗ trong tâm trí, mặc dù đã có rất nhiều nạn nhân và những tàn phá kinh khủng. Ta không thể để cho cuộc xung đột này kéo dài, ngày càng khốc liệt, tiếp tục gây thiệt hại cho hàng triệu người, nhưng cần phải chấm dứt thảm trạng hiện nay nhờ thương thuyết, trong sự tôn trọng tôn trọng công pháp quốc tế”.

Miền Caucase, Phi châu, Nam Mỹ

Tiếp tục diễn văn trước Ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, Đức Thánh cha cầu mong giữa Armeni và Azerbaijan sớm ký kết một hiệp ước hòa bình, giải quyết thảm trạng nhân đạo của người dân trong vùng và tạo điều kiện cho những người tản cư được hồi hương, tôn trọng các nơi thờ thượng của các tôn giáo.

Sang đến Phi châu, Đức Thánh cha nói đến thảm trạng nhân đạo tại nhiều nước ở miền nam sa mạc Sahara, do nạn khủng bố quốc tế, các vấn đề chính trị xã hội phức tạp. Ngài cầu mong hiệp định ký kết tại Pretoria, Nam Phi, hồi tháng Mười Một năm 2022 chấm dứt chiến tranh tại vùng Tigray bên Ethiopia được tôn trọng, tái lập hòa bình ở vùng Sừng của Phi châu.

Đức Thánh cha không quên đề cập đến tình trạng nội chiến ở Sudan, Cameroon, Mozambique, Cộng hòa dân chủ Congo, Nam Sudan.

Sang tới Nam Mỹ, Đức Thánh cha nhắc đến những căng thẳng giữa Venezuela và Guyana, tình trạng cực hóa tại Peru làm thương tổn hòa hợp xã hội và làm suy yếu các cơ cấu dân chủ.

Đặc biệt, mô tả tình trạng tại Nicaragua là đáng lo âu. Ngài nói: “Cuộc khủng hoảng tại nước này đã kéo dài từ lâu với những hậu quả đau thương cho toàn thể xã hội Nicaragua, và đặc biệt cho Giáo hội Công giáo. Tòa Thánh không ngừng mời gọi đối thoại ngoại giao, tôn trọng đối với thiện ích của các tín hữu Công giáo và toàn dân.”

Tình hình chung của thế giới

Đức Thánh cha đặc biệt lưu ý về tình trạng thế giới ngày càng bị xâu xé, nhất là có hàng triệu người bị lãng quên. Ngài kêu gọi tôn trọng công pháp quốc tế về nhân đạo và nói rằng:

Những cuộc chiến tranh hiện đại không chỉ diễn ra trên những chiến trường có xác định, và cũng không phải chỉ liên hệ tới các quân nhân. “Trong một bối cảnh, trong đó dường như người ta không còn phân biệt giữa các mục tiêu quân sự và thường dân, không có cuộc xung đột nào mà không đưa tới sự gây thiệt hại bừa bãi cho các thường dân. Những biến cố tại Ucraina và Gaza là bằng chứng tỏ tường. Chúng ta không được quên rằng những vi phạm trầm trọng chống công pháp quốc tế về nhân đạo là những tội ác chiến tranh, và không phải chỉ tố giác chúng, nhưng còn cần phòng ngừa. Vì thế, cần có sự dấn thân hơn của cộng đồng quốc tế để bảo tồn và áp dụng công pháp quốc tế về nhân đạo, dường như nó là con đường duy nhất để bảo vệ phẩm giá con người trong tình trạng những cuộc xung đột chiến tranh”.

Tố giác sản xuất, buôn bán và sở hữu võ khí

Đức Thánh cha cũng nhận xét rằng: “Các cuộc chiến tranh không thể theo đuổi nếu không có rất nhiều võ khí. Cần theo đuổi một chính sách giải trừ võ trang, vì thật là một ảo tưởng khi nghĩ rằng các võ khí có công hiệu làm cho người ta nể sợ không dám tấn công. Đúng ra, ngược lại mới là đúng: việc có sẵn võ khí càng kích thích sử dụng và gia tăng sản xuất. Các võ khí tạo nên sự nghi kỵ, bất tín nhiệm và làm tiêu hao tài nguyên. Bao nhiêu sinh mạng có thể được cứu vãn nhờ những tài nguyên được dành cho võ khí? Đầu tư chúng vào việc tạo điều kiện để có một nền an ninh đích thực trên hoàn cầu, đó chẳng phải là điều tốt hơn sao? Những thách đố thời nay vượt lên trên các biên giới, như các cuộc khủng hoảng chứng tỏ, về lương thực, môi trường, kinh tế và y tế, như từ đầu thế kỷ XXI này. Tại đây, tôi tái đề nghị thành lập một Quỹ thế giới để loại trừ nạn đói, và thăng tiến một sự phát triển bền vững trong toàn trái đất”.

Trong chiều hướng này, Đức Thánh cha tái lên án việc chế tạo, sở hữu các võ khí hạt nhân như một điều vô luân.

Ngoài ra, ngài nhấn mạnh rằng: để theo đuổi hòa bình, còn cần phải nhổ bỏ các căn cội gây ra chiến tranh, trước hết là nạn đói, nạn phí phạm lương thực, khai thác các tài nguyên thiên nhiên để làm giàu cho một thiểu số người, trong khi để cho bao nhiêu người ở trong tình trạng lầm than, đói khổ. Trong số những nguyên nhân gây ra xung đột cũng như những thảm họa thiên nhiên và môi trường, như những vụ động đất gần đây tại Maroc và Trung Quốc...

Bảo vệ sự sống

Đức Thánh cha không quên đề cập đến việc tôn trọng sự sống, bắt đầu từ các thai nhi trong lòng mẹ, không thể bị hủy bỏ, và cũng không thể trở thành một món hàng buôn bán. Về vấn đề này, Đức Thánh cha lên án nạn mang thai mướn, vi phạm trầm trọng phẩm giá của phụ nữ và đứa con. “Nó dựa trên sự khai thác một tình trạng thiếu thốn vật chất của một bà mẹ. Một hài nhi luôn là một món quà và không bao giờ trở thành đối tượng một hợp đồng. Vì thế, tôi cầu mong cộng đồng quốc tế cấm trên bình diện hoàn vũ việc mang thai mướn.

Năm Thánh

Sau cùng, Đức Thánh cha nhắc đến Năm Thánh 2025 mà Giáo hội Công giáo chuẩn bị cử hành và ngài cám ơn chính phủ Ý, trên cấp quốc gia và miền vì sự dấn thân sâu rộng để chuẩn bị thành Roma đón tiếp đông đảo các tín hữu hành hương và để họ rút được những thành quả thiêng liêng từ hành trình Năm Thánh”.

Sau bài diễn văn dài 50 phút trên đây, Đức Thánh cha bắt tay chào thăm tất cả các vị đại sứ cùng với phu nhân hoặc phu quân của họ.

(Rei 8-1-2024)

Tags