Đức Thánh cha gặp gỡ chính quyền Indonesia

Đức Thánh cha Phanxicô ca ngợi và khích lệ sự hòa hợp gắn kết của Indonesia giữa các chủng tộc, tôn giáo và các thành phần xã hội tại nước này, đồng thời kêu gọi chống lại trào lưu cực đoan và chiến thắng lầm than.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Ngài bày tỏ lập trường trên đây, trong cuộc gặp gỡ với chính quyền, các đại diện xã hội và ngoại giao đoàn, vào sáng ngày 04 tháng Chín vừa qua, tại Phủ Tổng thống Indonesia ở thủ đô Jakarta.

Lúc 7 giờ sáng, thứ Tư vừa qua, Đức Thánh cha đã dâng thánh lễ riêng tại nguyện đường Tòa Sứ thần Tòa Thánh, rồi lúc 9 giờ 30, ngài đến dinh Tổng thống Istana Merdeka, cách Tòa Sứ thần gần ba cây số. Tại đây đã diễn ra nghi thức đón tiếp chính thức, với quốc thiều hai nước, hàng quân danh dự, và phần giới thiệu hai phái đoàn.

Sau đó, Đức Thánh cha đã gặp Tổng thống mãn nhiệm Joko Widodo, có sự hiện diện của Ngoại trưởng Indonesia và Đức Tổng giám mục Ngoại trưởng Paul Gallagher của Tòa Thánh.

Tổng thống Widodo năm nay 63 tuổi (1961), thuộc đảng dân chủ đấu tranh, đắc cử lần đầu năm 2014, rồi được tái cử. Ngày 20 tháng Mười sắp tới, ông sẽ mãn nhiệm kỳ thứ hai, và người kế nhiệm ông là Prabowo Subianto, thuộc đảng Phong trào Đại Indonesia, đắc cử ngày 14 tháng Hai năm nay.

Sau cuộc hội kiến trên đây, trong nửa tiếng đồng hồ, Đức Thánh cha và Tổng thống Indonesia đã tiến đến Hội trường Istana Negara, cách đó 300 mét, để gặp gỡ các giới chức chính quyền, đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn, tất cả khoảng 300 người.

Diễn văn của Đức Thánh cha

Sau lời chào mừng của Tổng thống Widodo, Đức Thánh cha đã ngỏ lời với mọi người. Ngài bắt đầu với một nhận xét bằng hình ảnh “Indonesia như một quần đảo mênh mông với hàng chục ngàn đảo được tắm bằng biển, nối liền Á và Úc châu. Hầu như người ta có thể khẳng định rằng, cũng như đại dương là yếu tố tự nhiên liên kết tất cả các hải đảo Indonesia, thì sự tôn trọng lẫn nhau đối với những đặc tính riêng biệt về văn hóa, chủng tộc, ngôn ngữ và tôn giáo của mọi nhóm người họp thành Indonesia, là những mô gắn kết không thể thiếu được, làm cho nhân dân Indonesia được thống nhất và hãnh diện.”

Đức Thánh cha nói: “Khẩu hiệu quốc gia của quí vị là “Bhinneka tunggal ika”, Hiệp nhất trong những khác biệt, hay nghĩa đen có nghĩa là “Nhiều, nhưng là một”, biểu lộ rõ ràng thực tại nhiều hình dạng của các sắc dân khác nhau, liên kết vững chắc trong một quốc gia duy nhất... Chúng ta đạt được hòa hợp trong sự tôn trọng những khác biệt, khi mỗi quan điểm riêng để ý đến, cùng với những nhu cầu chung và khi mỗi nhóm chủng tộc và tôn giáo hành động trong tinh thần huynh đệ, theo đuổi mục đích cao thượng là phục vụ thiện ích của tất cả mọi người”.

“Sự quân bình khôn ngoan và tế nhị này, trong sự đa nguyên văn hóa, những quan điểm ý thức hệ và những lý do thắt chặt sự hiệp nhất cần liên tục được bảo vệ chống lại mọi thứ lệch lạc. Đây là một công việc công phu được ủy thác cho tất cả mọi người, đặc biệt cho các hoạt động trong lãnh vực chính trị, khi những hoạt động này nhắm mục tiêu là sự hòa hợp, công chính, tôn trọng các quyền căn bản của con người, sự phát triển dài hạn, liên đới và theo đuổi hòa bình, trong xã hội cũng như với các dân tộc và quốc gia khác”.

Vai trò của Giáo hội Công giáo

Từ các nguyên tắc tổng quát trên đây, Đức Thánh cha cũng đề cập đến vai trò của Giáo hội Công giáo. Ngài nói: “Giáo hội mong muốn tăng cường đối thoại liên tôn. Theo cách thức này, ta có thể loại trừ những thành kiến và làm gia tăng một bầu không khí tôn trọng và tín nhiệm nhau, vốn là điều không thể thiếu để đương đầu với những thách đố chung, trong đó có thách đố chống lại trào lưu cực đoan và bất bao dung, vốn bóp méo tôn giáo và toan tính áp đặt bằng lừa đảo và bạo lực.

Giáo hội Công giáo đặt mình phục vụ công ích và mong muốn củng cố sự cộng tác với các tổ chức công quyền cũng như những chủ thể khác của xã hội dân sự, để khuyến khích hình thành một tầng lớp xã hội quân bình hơn và để đảm bảo một sự phân phối trợ giúp xã hội một cách hữu hiệu và công bằng hơn”.

Những bóng đêm trên thế giới

Đức Thánh cha nhắc đến khẩu hiệu chuyến viếng thăm của ngài ở Indonesia hiện nay, là: “Đức tin, tình huynh đệ, và lòng cảm thương” và ngài nhận xét rằng: rất tiếc, hiện nay trên thế giới, một số xu hướng đang cản trở tình huynh đệ đại đồng (Xc Fratelli tutti, 9). Tại một số miền, chúng ta thấy nổi lên những xung đột bạo lực, thường là kết quả của một sự thiếu tôn trọng nhau, ý chí bất bao dung, đòi hỏi quyền lợi của mình với bất kỳ giá nào, hoặc quan niệm thiên lệch về lịch sử của mình, cả khi điều này đưa tới những đau khổ khôn cùng đối với cả một tập thể và đưa tới những cuộc chiến tranh đẫm máu thực sự”.

Rồi nhiều nơi xảy ra những căng thẳng bạo lực giữa lòng các quốc gia, vì người cầm quyền muốn đồng nhất tất cả, áp đặt quan điểm của mình cả trong những vấn đề có thể để cho sự tự trị của các cá nhân và các nhóm”.

Đàng khác, mặc dù những tuyên bố về chương trình có vẻ thuyết phục, nhưng có nhiều tình trạng, trong đó thực sự thiếu sự dấn thân sáng suốt để xây dựng công bằng xã hội. Từ đó, một phần lớn nhân loại bị gạt ra ngoài lề, không có phương tiện sinh sống xứng đáng và không phương tự vệ trước những chênh lệch xã hội trầm trọng và gia tăng, dẫn tới những xung đột trầm trọng...

Đứng trước những tình trạng đó, Đức Thánh cha nhắc lại điều Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói trong cuộc viếng thăm hồi năm 1989, tại Indonesia: “Trong sự nhìn nhận một sự khác biệt hợp pháp, tôn trọng nhân quyền và quyền chính trị của mọi công dân và thăng tiến sự tăng trưởng tình đoàn kết quốc gia, dựa trên bao dung và tôn trọng tha nhân, quý vị đặt nền tảng cho một xã hội công chính và an bình mà mọi người Indonesia mong ước cho bản thân và muốn thông truyền cho con cái mình”.

Sau cuộc gặp gỡ trên đây với chính quyền Indonesia, Đức Thánh cha đã về Tòa Sứ thần Tòa Thánh, lúc quá 11 giờ 15 phút. Tại đây, ngài đã gặp gỡ các tu sĩ Dòng Tên đang hoạt động tại nước này. Hiện diện trong dịp này, cũng có cha Spadaro, Dòng Tên người Ý, hiện là Phó tổng thư ký Bộ Văn hóa và Giáo dục Công giáo. Trong những chuyến tông du trước đây của Đức Thánh cha, cha vẫn tham dự và sau đó viết bài tường thuật nội dung cuộc gặp gỡ và phổ biến trên Tạp chí Civiltà Cattolica, Văn minh Công giáo, của Dòng Tên ở Ý.