Đức Thánh cha gặp gỡ các giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo lý viên Indonesia

Đức Thánh cha Phanxicô khuyến khích các thành phần dân Chúa ở Indonesia thực thi ba nhân đức: tin, tình huynh đệ và lòng cảm thương, là những đức tính rất cần thiết tại một nước có nhiều bộ tộc, và văn hóa khác nhau.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đức Thánh cha đưa ra lời nhắn nhủ trên đây, trong cuộc gặp gỡ lúc 4 giờ 30 chiều, ngày thứ Tư, mùng 04 tháng Chín vừa qua, tại nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Lên Trời, ở thủ đô Jakarta, với các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên Indonesia. Đây là hoạt động thứ hai của ngài trong ngày thứ hai viếng thăm tại nước này.

Nhà thờ ở trung tâm thủ đô, chỉ cách Tòa Sứ thần Tòa Thánh một cây số rưỡi, được xây theo kiểu gô-tích và được thánh hiến hồi năm 1901, thay thế cho nhà thờ cũ bị sụp đổ hơn 10 năm trước đó. Thánh đường cũng tọa lạc đối diện với Đền thờ Hồi giáo lớn nhất của Indonesia và của Đông nam Á.

Đến nhà thờ, Đức Thánh cha đã được Đức Hồng y Tổng giám mục Jakarta, Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Indonesia và cha sở nhà thờ chính tòa, đón tiếp, và có hai em tặng hoa cho Đức Thánh cha, rồi cùng tiến lên bàn thờ, giữa tiếng hát của ca đoàn và cộng đồng.

Cuộc gặp gỡ bắt đầu với lời chào mừng của Đức cha Bunjamin, Giám mục Bandung, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Indonesia. Đức cha nói: “Sự hiện diện của Đức Thánh cha mang lại hy vọng, không những cho cộng đoàn Công giáo Indonesia, gồm 37 giáo phận và một Giám hạt quân đội, nhưng còn cho quốc dân tại đây, gồm khoảng 1.300 sắc tộc khác nhau. Sự hiện diện của Đức Thánh cha nơi đây củng cố niềm tin của chúng con trong việc sống theo các giới răn của Chúa và các giáo huấn của Giáo hội, để xây dựng tình huynh đệ được biểu lộ qua một thái độ cảm thương, đặc biệt đối với những người ở bên lề xã hội”.

Tiếp lời Đức cha Chủ tịch, lần lượt cha Chủ tịch Liên đoàn các Linh mục giáo phận Indonesia, rồi một nữ tu, hai giáo lý viên nam nữ lần lượt ngỏ lời chào mừng Đức Thánh cha. Đặc biệt, nữ tu Rina Rosalina, thuộc Dòng Thừa sai Thánh Clara nghèo của Thánh Thể chí thánh (Poor Claire Missionaries of the Most Holy Sacrament) kể rằng:

“Thưa Đức Thánh cha, chúng con luôn cố gắng học hỏi từ ngài. Rất tiếc là vì xa cách và những hàng rào ngôn ngữ, đôi khi chúng con gặp khó khăn trong việc học hỏi những văn kiện từ Roma. Mặc dù có những cố gắng từ phía các giám mục của chúng con, nhưng các bản dịch mất một thời gian dài mới hoàn thành, và cả sau khi dịch xong, việc phê chuẩn từ Roma cũng mất thời gian. Chúng con vẫn đang chờ đợi để có thể đọc nhiều giáo huấn của Đức Thánh cha bằng tiếng Bahasa Indonesia của chúng con. Chúng con trình bày những điều ấy để tại đất nước xa xăm này, chúng con có thể được liên kết chặt chẽ hơn và hòa hợp hơn với Giáo hội hoàn vũ, cùng tiến bước trong tinh thần hiệp hành”.

Huấn dụ của Đức Thánh cha

Trong bài huấn dụ tiếp đó, Đức Thánh cha đã quảng diễn ý nghĩa khẩu hiệu được chọn cho chuyến viếng thăm của ngài ở Indonesia, đó là: “Đức tin, tình huynh đệ và cảm thương”. Đức Thánh cha nói:

Trước hết về đức tin: Indonesia là một nước lớn, với rất nhiều tài nguyên phong phú về mặt cây cối, sinh vật, tài nguyên về năng lượng và nguyên liệu thô, v.v. Sự phong phú lớn lao như thế, xét một cách hời hợt, có thể dễ biến thành lý do để kiêu hãnh và tự phụ, nhưng nếu được xét với một tâm trí cởi mở, thì có thể đó là một nhắc nhở về Thiên Chúa, sự hiện diện của Chúa trong vũ trụ và trong đời sống chúng ta... Chính Chúa ban cho chúng ta tất cả những điều đó.. Và khi nhìn tất cả những điều ấy với đôi mắt khiêm tốn của những người con, chúng ta có thể được nâng đỡ để tin tưởng, nhìn nhận mình bé nhỏ và được yêu thương (Xc Tv 8) và vun trồng tâm tình biết ơn và tinh thần trách nhiệm”.

Sau đức tin là tình huynh đệ... Sống tình huynh đệ có nghĩa là đón nhận nhau, nhìn nhận nhau là giống nhau, bình đẳng với nhau trong sự khác biệt. Đây cũng là một giá trị quý giá đối với truyền thống của Giáo hội tại Indonesia, được biểu lộ qua sự cởi mở đối với những thực tại cấu thành đất nước này và bao quanh mình, về phương diện văn hóa, chủng tộc, xã hội và tôn giáo, đề cao sự đóng góp của tất cả mọi ngời và quảng đại trao tặng phần của mình trong mọi hoàn cảnh. Đây là điều quan trọng, vì loan báo Tin mừng không có nghĩa là áp đặt hoặc đặt đức tin của mình đối nghịch với niềm tin của người khác, nhưng là trao ban và chia sẻ niềm vui được gặp gỡ Chúa Kitô (Xc 1Pr 3,15-17), luôn luôn trong sự tôn trọng chân thành và yêu thương huynh đệ đối với mọi người”.

Sang đến lòng cảm thương, Đức Thánh cha khẳng định rằng “lòng cảm thương không hệ tại làm phúc cho các anh chị em túng thiếu, nhìn họ từ trên cao, từ cái tháp an ninh và những đặc ân của mình. Trái lại là trở nên gần gũi nhau, cởi bỏ tất cả những gì có thể cản trở chúng ta thực sự tiếp xúc với người đang nằm dưới đất, nâng họ dậy và trả lại hy vọng cho họ” (Fratelli tutti, 70). Nhưng không phải chỉ có thế, cảm thương cũng có nghĩa là đón nhận những mơ ước được cứu thoát và được công bình, chăm sóc, trở nên người cổ võ và cộng tác, giúp những người khác tham gia, mở rộng các mạng lưới và biên cương trong một năng động của tình bác ái được lan rộng” (Fratelli tutti, 203).

Đức Thánh cha cũng nhận xét rằng “có người sợ cảm thương, vì coi đó là một sự yếu đuối, và trái lại họ đề cao, coi như một nhân đức, sự xảo quyệt của người theo đuổi những tư lợi, giữ thái độ xa cách mọi người, không để mình bị cái gì hoặc người nào khác động đến, và họ nghĩ như thế là sáng suốt hơn và tự do hơn để đạt tới những mục tiêu của mình. Nhưng đó là một cách thức sai lầm để nhìn thực tại. Điều làm cho thế giới được tiến triển không phải là những tính toán lợi lộc, dẫn đến cuộc tàn phá thiên nhiên và chia rẽ các cộng đoàn, nhưng là đức bác ái được trao ban. Lòng cảm thương không làm lu mờ cái nhìn đích thực về cuộc đời, trái lại làm cho ta thấy rõ hơn sự việc, dưới ánh sáng của tình thương”.

Cuộc gặp gỡ của Đức Thánh cha kéo dài một tiếng đồng hồ và kết thúc với kinh Kính mừng và phép lành của ngài. Sau đó, Đức Thánh cha còn tiến ra quảng trường Mẹ Maria bên ngoài để chúc lành cho đông đảo các tín hữu chờ đợi tại đó, trước khi đến nhà giới trẻ để gặp gỡ các bạn trẻ thuộc tổ chức liên trường Scholas Occurentes, cùng với 100 trẻ em thuộc Tổng giáo phận Jakarta, trước khi trở về Tòa Sứ thần Tòa Thánh để dùng bữa tối và qua đêm.