Đức Thánh cha gặp các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và các nhân viên mục vụ tại Bỉ

Đức Thánh cha Phanxicô mời gọi các giáo sĩ, tu sĩ và nhân viên mục vụ của Giáo hội Công giáo tại Bỉ hãy coi cuộc khủng hoảng của Giáo hội địa phương như một cơ hội thúc đẩy hoán cải, canh tân và dấn thân hơn trong sứ mạng loan báo Tin mừng.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đức Thánh cha nhắn nhủ như trên, trong cuộc gặp gỡ sáng thứ Bảy, ngày 28 tháng Chín vừa qua, ngày áp chót trong chuyến tông du của ngài tại Luxemburg và Bỉ.

Lúc 7 giờ sáng, Đức Thánh cha đã dâng thánh lễ riêng tại nguyện đường Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở thủ đô Bruxelles, rồi chào thăm một số quan chức thuộc Liên hiệp Âu châu, có trụ sở chính tại thủ đô Bỉ, và lúc khoảng 9 giờ 30, ngài lên đường đến Vương cung thánh đường Thánh Tâm, ở Koekelberg cách đó gần 10 cây số.

Thánh đường

Thánh đường này được coi là nhà thờ lớn thứ năm trên thế giới, tọa lạc tại thị trấn Koekelberg, ở cao độ 50 mét, với 22.000 dân cư ở ngoại ô Bruxelles. Thánh đường được kiến thiết do sáng kiến của Vua Leopoldo II để kỷ niệm 75 năm độc lập của Bỉ. Tuy khởi công vào năm 1905, nhưng bị đình trệ vì hai thế chiến và chỉ được hoàn thành 66 năm sau đó, tức là năm 1971. Trước đó, vào năm 1952, thánh đường dở dang này đã được Đức Giáo hoàng Piô XII nâng lên hàng Tiểu vương cung thánh đường.

Nhà thờ hùng vĩ này cao 89 mét và dài 167 mét, có hai tháp cao 65 mét và có mái vòm khổng lồ cao khoảng 100 mét, với đường kính 33 mét. Bên trong thánh đường có những kính màu tuyệt đẹp.

Khi đến nơi vào lúc 10 giờ, Đức Thánh cha đã được Đức cha Terlinden, Tổng giám mục Giáo phận Bruxelles sở tại, kiêm Chủ tịch Hội đồng Giám mục Bỉ, cùng với cha quản đốc thánh đường, chào đón. Có hai em bé tặng hoa cho ngài, rồi cùng tiến về bàn thờ giữa tiếng hát của ca đoàn.

Tất cả các giám mục thuộc Hội đồng Giám mục Bỉ, gồm tám giáo phận, đều hiện diện, cùng với đông đảo các linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và các nhân viên mục vụ.

Sau lời chào mừng của Đức Tổng giám mục Terlinden, lần lượt một cha sở, một nữ nhân viên mục vụ, một thần học giáo dân, một nữ tu và vị tuyên úy nhà tù, đặc biệt có một nữ đại diện của các trung tâm đón tiếp các nạn nhân bị lạm dụng đã trình bày chứng từ trước Đức Thánh cha và mọi người. Đó là bà Mevr Mia De Schampelaere, nguyên là đại biểu quốc hội của miền Flamand, rồi của quốc hội liên bang, đã nhắc đến cuộc khủng hoảng các vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên bùng lên ở Bỉ, hồi năm 2010, sau khi một giám mục thú nhận tội lạm dụng, tạo nên một sự đảo lộn lớn trong xã hội Bỉ. Sau đó là một loạt những vụ tố giác của các nạn nhân chống lại các linh mục và tu sĩ.

Bà Mia nói: “Cả các tín hữu chúng con cũng cảm thấy bị sốc và tủi hổ. Nhưng chúng con coi đó là cơ hội để biến giận dữ và đau buồn thành trợ lực cụ thể cho các nạn nhân. Cùng với những người thiện nguyện có khả năng và chuyên môn, chúng con tổ chức việc trợ giúp cho các nạn nhân. Chúng con cung cấp cho họ một nơi an toàn để họ kể những lạm dụng họ đã chịu. Chúng con lắng nghe họ với con tim cởi mở và hướng dẫn họ phục hồi. Trong dấn thân này, ban đầu con nghĩ mình phải cứu vãn Giáo hội của Chúa Kitô. Nhưng con đã gặp Chúa nơi những nơi những người rốt cùng của Ngài, bị thương tổn trong thân xác và tâm hồn. Làm sao Giáo hội có thể thấy, nhìn nhận và học hỏi từ vết thương của những người sống sót? Làm sao chúng con có thể xây dựng một nền văn hóa Giáo hội, trong đó tất cả mọi người, già trẻ, nam nữ, cảm thấy an toàn, được bảo vệ, trong sự cởi mở, tôn trọng nhau?”

Huấn dụ của Đức Thánh cha

Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh cha nói đến những biến chuyển trong Giáo hội tại Bỉ, từ lâu Giáo hội đang đẩy mạnh việc huấn luyện giáo dân, nhất là cố gắng để trở thành cộng đoàn gần gũi dân chúng, đồng hành với con người và làm chứng bằng những cử chỉ từ bi thương xót.

Và Đức Thánh cha đề nghị ba con đường.

Loan báo Tin mừng

Đức Thánh cha nói: “Những thay đổi thời nay và cuộc khủng hoảng đức tin chúng ta đang trải nghiệm ở tây phương, thúc đẩy chúng ta trở về với điều cốt yếu là Tin mừng, để tin vui Chúa Giêsu đã mang cho thế giới được tái loan báo cho tất cả mọi người, làm cho tất cả vẻ đẹp của Tin mừng được sáng ngời. Mỗi cuộc khủng hoảng là một thời điểm được ban cho chúng ta để đánh động chúng ta, để chúng ta xét mình và thay đổi. Đó là một dịp quý giá, là kairos, thời điểm thuận tiện, theo từ của Kinh thánh, để tỉnh dậy khỏi tình trạng ngái ngủ và tìm lại những con đường của Chúa Thánh Linh, như đã xảy ra cho tổ phụ Abraham, Môsê và các ngôn sứ, Thực vậy, khi chúng ta cảm thấy sầu muộn, chúng ta phải luôn tự hỏi đâu là sứ điệp Chúa muốn thông truyền cho chúng ta?...”

Con đường thứ hai là niềm vui.

Đây không phải là những niềm vui gắn liền với những gì chóng qua, nhất thời. Đây là một niềm vui lớn hơn, đồng hành và nâng đỡ cuộc sống trong những lúc đen tối và đau khổ, và đó là một hồng ân đến từ trên cao, từ Thiên Chúa. Đó là niềm vui của tâm hồn do Tin mừng khơi lên: đó là biết rằng dọc theo hành trình, chúng ta không lẻ loi và cả trong những tình cảnh nghèo khổ, tội lỗi, sầu muộn, Thiên Chúa ở gần kề, chăm, sóc chúng ta và không để cho sự chết có tiếng nói cuối cùng”.

Con đường thứ ba là lòng thương xót

Tin mừng giúp chúng ta khám phá Thiên Chúa là Cha thương xót. Chúa cảm động vì chúng ta, nâng chúng ta lên từ những sa ngã. Chúa không bao giờ ngưng yêu thương chúng ta. Chúng ta hãy ghi tạc điều này trong tâm hồn: không bao giờ chúng ta từ bỏ tình thương của Chúa đối với chúng ta.

Đức Thánh cha đặc biệt cám ơn bà Mia vì công việc to lớn đang làm để biến sự thịnh nộ và đau khổ thành trợ giúp, gần gũi và cảm thương. Những lạm dụng gây nên những đau khổ dữ dằn và vết thương, làm thương tổn cả hành trình đức tin. Và cần rất nhiều lòng thương xót để khỏi tiếp tục có con tim chai đá trước đau khổ của các nạn nhân, để làm cho họ cảm thấy sự gần gũi của chúng ta và cống hiến tất cả trợ giúp của chúng ta, để học hỏi từ họ để trở thành một Giáo hội là người phục vụ tất cả mà không thống trị ai. Đúng vậy, một trong những căn cội của bạo lực hệ tại lạm dụng quyền bính, khi chúng ta lạm dụng những vai trò của mình để đè bẹp và lèo lái họ”.

Kết thúc bài huấn dụ, Đức Thánh cha và mọi người cùng hát kinh Lạy Nữ Vương, trước khi Đức Thánh cha ban phép lành cho mọi người. Sau đó, ngài trở về Tòa Sứ thần để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi.

Tags