Đức Thánh cha cử hành thánh lễ tại Marseille
Ban chiều, lúc quá 3 giờ, ngày thứ Bảy, 23 tháng Chín vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã rời Tòa Tổng giám mục để đến sân vận động Orange Vélodrome để cử hành thánh lễ cho các tín hữu.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Dọc đường đến gần thao trường, có hàng chục ngàn người đứng hai bên đường chào đón ngài, vì trong Sân vận động đã kín chỗ, với khoảng 67.000 người. Trong đó cũng có Tổng thống Pháp và phu nhân, bà Thủ tướng và nhiều nhân vật trong chính quyền.
Sân vận động này rất tối tân, được dùng cho nhiều bộ môn thể thao và có mái che.
Đồng tế với Đức Thánh cha, có các giám mục đến từ 25 nước ven Địa Trung Hải, cùng với hơn 60 giám mục Pháp, và khoảng 500 linh mục.
Thánh lễ Đức Thánh cha cử hành là lễ kính Đức Mẹ Canh Giữ, Bổn mạng của thành Marseille.
Bài giảng của Đức Thánh cha
Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh cha đã diễn giải ý nghĩa cuộc viếng thăm của Đức Trinh Nữ Maria nơi bà chị họ Elisabeth, gợi lại hình ảnh Vua Đavít đưa Hòm Bia Giao Ước về Jerusalem, và chính nhà vua cùng với dân chúng nhảy mừng trước Hòm Bia vì sự hiện diện của Chúa (Xc 2 Sam 6,1-15). Cả Mẹ Maria cũng lên đường tiến về Jerusalem, và khi vào nhà bà Elisabeth, hài nhi trong lòng bà nhảy mừng cò nhận ra Đức Messia đến thăm, như vua Đavit trước Hòm Bia (Xc Lc 1,39-45. Vì vậy, Mẹ Maria được trình bày như Hòm Bia Giao Ước đích thực, đưa Chúa nhập thể vào trần thế.
Chúa đến viếng thăm nhân loại
Đức Thánh cha nói: “Trong hai phụ nữ này, Maria và Elisabeth, có biểu lộ cuộc viếng thăm của Thiên Chúa nơi nhân loại: một người trẻ và một người già, một trinh nữ và một người son sẻ, nhưng cả hai đều có thai ‘một cách không có thể’. Đó là hoạt động của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta: Chúa làm cho điều có vẻ là bất khả trở thành điều có thể, sinh ra sự sống cả trong sự son sẻ”.
“Anh chị em thân mến, chúng ta hãy thành tâm tự hỏi: chúng ta có tin rằng Thiên Chúa đang hoạt động trong đời sống chúng ta hay không? Chúng ta có tin rằng, một cách âm thầm và nhiều khi không lường trước được, Chúa hành động trong lịch sử, thực hiện những kỳ công và hoạt động cả trong các xã hội chúng ta, bị nạn tục hóa và dửng dưng đối với tôn giáo hay không?”
Kiểm chứng lòng tín thác nơi Chúa
Đức Thánh cha nhận xét rằng có một cách để xem chúng ta có thực sự tín thác nơi Chúa hay không. “Tin mừng nói rằng vừa khi nghe lời chào của Đức Maria, hài nhi nhảy mừng trong lòng bà Elisabeth” (v.41). Đó là dấu chỉ: nhảy mừng. Ai tin, cầu nguyện, đón nhận Chúa thì nhảy mừng trong Thánh Linh, cảm thấy có một cái gì đó chuyển động trong tâm hồn, “nhảy mừng”.
Đức tin đánh động tâm hồn
Đức Thánh cha giải thích rằng “kinh nghiệm đức tin trước tiên tạo nên một “cú sốc” đối với cuộc sống, được đánh động trong nội tâm, rung động, cảm thấy có một cái gì đó chuyển động trong tâm hồn. Nó trái ngược với một con tim phẳng lặng, lạnh lẽo, sống lặng lẽ, khép mình trong sự lãnh đạm, thờ ơ và trở nên không nhạy cảm, cứng nhắc với mọi sự và mọi người, thậm chí loại bỏ cả sự sống con người, sự sống bị loại bỏ nơi bao nhiêu người di dân, cũng như bao nhiêu trẻ em không được sinh ra và những người già bị bỏ rơi. Một con tim lãnh đạm và phẳng lì kéo lê cuộc sống một cách máy móc, không say mê, không xung động, không ước muốn. Đó là điều làm cho xã hội Âu châu chúng ta bệnh hoạn: sống chết mặc bay, không hứng khởi, cam chịu, bấp bênh, nói chung là buồn chán. Có người gọi đó là những “đam mê buồn”: một cuộc sống không có rung động”.
Trái lại, ai được sinh ra cho đức tin thì nhận ra sự hiện diện của Chúa, như hài nhi trong lòng bà Elisabeth. Họ nhận ra hoạt động của Chúa mỗi ngày và nhận được những cái nhìn mới về thực tại; tuy ở giữa những cơ cực, với vấn đề và đau khổ, nhưng hằng ngày họ nhận ra cuộc viếng thăm của Thiên Chúa, cảm thấy được Chúa đồng hành và nâng đỡ... Họ biết Chúa hiện diện trong mọi sự, kêu mời làm chứng về Tin mừng để xây dựng một thế giới mới trong sự dịu dàng, qua những hồng ân và đoàn sủng đã lãnh nhận.
Nhạy cảm đối với tha nhân
Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Kinh nghiệm đức tin cũng tạo nên một sự nhạy cảm đối với tha nhân, như chúng ta thấy trong cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria và Elisabet, trong sự đơn sơ của cuộc gặp gỡ, chứ không qua nhưng biến cố ngoại thường. Chúng ta hãy luôn nhớ rằng cả trong Giáo hội, Thiên Chúa là tương quan và thường viếng thăm chúng ta qua những cuộc gặp gỡ giữa con người, khi chúng ta biết cởi mở đối với tha nhân, khi có một sự nhạy cảm đối với cuộc sống thường nhật, khi chúng ta không dửng dưng và không thiếu nhạy cảm đối với vết thương của những người mong manh nhất.
Trong chiều hướng đó, Đức Thánh cha nhận xét rằng “đời sống tại các thành thị lớn và bao nhiêu nước Âu châu, như Pháp, với những văn hóa và tôn giáo sống chung với nhau, đó là một thách đố lớn chống lại những cực đoan của chủ nghĩa cá nhân, chống lại sự gia tăng ích kỷ và khép kín tạo nên cô đơn và đau khổ... Chúng ta hãy học từ Chúa Giêsu có những nhạy cảm đối với những người sống bên cạnh, có những nhạy cảm thương xót trước những người bị thương tổn mà chúng ta gặp gỡ. Như một vị đại thánh của Anh chị em, thánh Vinh Sơn Phaolô, đã quả quyết: “Cần tìm cách làm cho tâm hồn chúng ta mủi lòng, nhạy cảm đối với những cơ cực và lầm than của tha nhân, cầu xin Chúa ban cho chúng ta tinh thần thương xót đích thực, là chính tinh thần của Chúa, đến độ nhận ra những người nghèo là “những người chủ của chúng ta” (Correspondance, Entretiens, documents, Paris, 1920-25, 341; 392-393)
Và Đức Thánh cha nói thêm rằng: Anh chị em thân mến, ngày nay, đời sống của chúng ta, của Giáo hội, nước Pháp và Âu châu đang cần điều này: đó là ơn nhạy cảm, một nhạy cảm mới về đức tin, đức bác ái và niềm vui. Chúng ta cần tìm lại niềm hăng say và phấn khởi, tái khám phá niềm vui dấn thân cho tình huynh đệ, chấp nhận yêu thương dù có những rủi ro nguy hiểm trong gia đình, đối với những người yếu thế, và tái khám phá trong Tin mừng một ơn biến đổi và làm đẹp cuộc sống”.
Thánh lễ được tiếp tục với phần lời nguyện phổ quát bằng các thứ tiếng: Tây Ban Nha, Armeni, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Arập, và Croát.
Cuối thánh lễ, Đức Hồng y Aveline đã ngỏ lời cám ơn Đức Thánh cha và Đức Thánh cha tặng cho Tổng giáo phận Marseille một chén lễ quý giá.
Sau thánh lễ, lúc quá 6 giờ chiều, Đức Thánh cha đã ra phi trường để đáp máy bay trở về Roma. Tổng thống Pháp đã có mặt để tiễn biệt ngài.
Chuyến bay chỉ dài khoảng một tiếng rưỡi, vượt qua 715 cây số và ngài đến phi trường Fiumicino lúc gần 9 giờ tối, kết thúc tốt đẹp chuyến tông du thứ 44 tại nước ngoài.