Đức Thánh cha cử hành thánh lễ cầu nguyện cho các hồng y, giám mục qua đời trong năm qua
Lúc gần 11 giờ, sáng ngày 03 tháng Mười Một năm 2023, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tại Đền thờ thánh Phêrô để cầu nguyện cho Đức Cố Giáo hoàng Biển Đức XVI và 6 hồng y và 147 giám mục đã qua đời trong vòng 12 tháng qua.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Đức Biển Đức qua đời ngày 31 tháng Mười Hai năm ngoái, hưởng thọ 95 tuổi (1927-2022). Tiếp đến, có 6 hồng y qua đời, trong đó có Đức Hồng y George Pell người Úc, cựu Bộ trưởng Kinh tế của Tòa Thánh, và một vị Á châu là Đức Hồng y Telesphore Toppo, nguyên Tổng giám mục Giáo phận Ranchi bên Ấn Độ.
Trong số 147 giám mục qua đời, có một vị Việt Nam là Đức cha Phêrô Trần Thanh Chung, nguyên Giám mục Giáo phận Kontum, qua đời ngày 10 tháng Chín năm 2023, hưởng thọ 96 tuổi, trong đó có 42 năm làm giám mục. Tại Hoa Lục, cũng có 3 giám mục qua đời: Đức cha Giuse Cao Hoành Hiếu (Gao Hongxiao), Giám mục Khai Phong (Kaifeng) tỉnh Thiểm Tây (Shaanxi), 77 tuổi, Đức cha Gioan Hoắc Thành (Hou Cheng), 97 tuổi, Giám mục Giáo phận Phần Dương (Fenyang) tỉnh Sơn Tây, và Đức cha Phêrô Lâm Gia Thiện (Lin Jiashan), 86 tuổi, Tổng giám mục Giáo phận Phúc Châu (Fuzhou) tỉnh Phúc Kiến Fujian). Ba giám mục qua đời, nhưng không có giám mục mới nào được bổ nhiệm, mặc dù có hiệp định giữa Tòa Thánh và Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục.
Đồng tế với Đức Thánh cha, có hơn 30 hồng y và gần 20 giám mục, trước sự tham dự của gần 1.000 tín hữu tại bàn thờ Ngai tòa ở phần đầu Đền thờ.
Bài giảng của Đức Thánh cha
Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh cha đã diễn giải bài Tin mừng thuật lại việc Chúa Giêsu cảm thương bà góa thành Naim, đang khóc người con trai duy nhất qua đời: “Khi nhìn thấy bà, Chúa động lòng cảm thương bà” (Lc 7,13).
Đức Thánh cha nhắc lại Đức Cố Giáo hoàng Biển Đức XVI, trong thông điệp đầu tiên “Deus caritas est” (31), đã viết rằng chương trình của Chúa Giêsu là “một con tim nhìn thấy”: “Bao nhiêu lần Người nhắc nhở chúng ta rằng đức tin trước tiên không phải là một ý tưởng cần hiểu hoặc một luân lý cần theo, nhưng là một Nhân Vật cần gặp gỡ, là Chúa Giêsu Kitô: con tim Chúa đập mạnh vì chúng ta, cái nhìn của Chúa cảm thương trước đau khổ của chúng ta”.
“Thực vậy, như Tin mừng hôm nay cho thấy, Chúa dừng lại trước đau khổ của bà góa vì cái chết ấy... Lòng cảm thương của Chúa Giêsu có một đặc tính là cụ thể. Chúa lại gần, động chạm đến quan tài (Xc Lc 7,14). Động chạm quan tài của một người chết là điều vô ích; ngoài ra, thời đó, cử chỉ ấy bị coi là điều ô uế, khi cho rằng người làm như vậy bị ô uế. Nhưng Chúa Giêsu không quan tâm tới điều đó, lòng cảm thương của Chúa Giêsu xóa bỏ khoảng cách và đưa Ngài đến gần. Đó là lối sống của Thiên Chúa, trở nên gần gũi, cảm thương và dịu dàng”.
Đức Thánh cha cũng nhấn mạnh bài học thứ hai từ Tin mừng, được cô đọng trong từ “khiêm hạ”. Cô nhi và quả phụ là những người rốt cùng, những người đặt hy vọng nơi Chúa chứ không nơi bản thân. Họ đặt trung tâm cuộc sống nơi Thiên Chúa; không cậy dựa vào sức riêng của mình, nhưng dựa vào Chúa, Đấng chăm sóc họ”.
Trong ý hướng này, Đức Thánh cha nhắc lại những lời đầu tiên của Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI, như “một công nhân khiêm hạ trong vườn nho của Chúa”, đồng thời nói rằng “Đúng vậy, Kitô hữu, nhất là Giáo hoàng, các hồng y, các giám mục, được kêu gọi trở thành những công nhân khiêm hạ: phục vụ, chứ không phải để được phục vụ; nghĩ đến những hoa trái vườn nho của Chúa, trước khi nghĩ đến hoa trái của riêng mình. Và thật là đẹp khi từ bỏ bản thân vì tình yêu của Chúa Giêsu!”
(Rei 3-11-2023)