Đức Thánh cha chủ sự Đại lễ Chúa Hiển Linh
Lúc 10 giờ sáng, ngày 06 tháng Giêng năm 2024, Đại lễ Chúa Hiển Linh, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ trọng thể tại Đền thờ thánh Phêrô. Trong bài giảng lễ, Đức Thánh cha mời gọi các tín hữu noi gương các Đạo sĩ hướng thượng, bước đi trong hành trình tìm kiếm Chúa và thờ lạy Người.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Đồng tế với Đức Thánh cha, có hơn 12 hồng y, 20 giám mục và trên 120 linh mục. Đức Hồng y Antonio Luis Tagle, người Philippines, Quyền Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin mừng, phụ giúp Đức Thánh cha cử hành thánh lễ với nghi thức tại bàn thờ, trong khi ngài ở ghế chủ tọa. Và trong số hơn gần 7.000 người hiện diện, có một số đại chủng sinh trường truyền giáo. Một số thầy cũng đảm nhận việc giúp lễ.
Bài giảng của Đức Thánh cha
Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh cha đã phân tích hoạt động của các Đạo sĩ như được thuật lại trong bài Tin mừng, và nhấn mạnh ba động thái của các vị để rút ra những bài học cho các tín hữu. Đức Thánh cha nói:
“Các Đạo sĩ là hình ảnh những dân tộc đang tìm kiếm Thiên Chúa: họ ngẩng mặt nhìn trời, bước đi trên mặt đất và sau cùng là phủ phục thờ lạy Chúa Hài Đồng”:
Nhìn lên cao
Trước tiên, các Đạo sĩ ngước mắt lên trời cao. Vốn là những nhà thiên văn, cái nhìn của họ bị các sao trời thu hút. “Họ không sống chỉ cúi nhìn những đầu ngón chân của mình, co cụm vào mình, trở thành tù nhân của một chân trời trần thế, lê bước trong thái độ cam chịu hoặc than vãn. Trái lại, họ ngẩng đầu lên để chờ đợi một luồng sáng soi chiếu ý nghĩa cuộc sống của họ, một ơn cứu độ đến từ trên cao. Và thế là họ thấy xuất hiện một vì sao sáng láng hơn mọi sao khác, thu hút và thúc đẩy họ lên đường. Đó chính là chìa khóa mở ra ý nghĩa đích thực của cuộc sống chúng ta. Nếu chúng ta sống khép kín trong khuôn khổ những sự trần thế, nếu chúng ta cúi đầu bước đi, làm con tin cho những thất bại và nuối tiếc của chúng ta, nếu chúng ta ham hố của cải và những an ủi trần tục thay vì tìm kiếm ánh sáng và tình thương, thì cuộc sống chúng ta tắt lịm”.
Đức Thánh cha nói: “Anh chị em thân mến, chúng ta cần có cái nhìn hướng thượng, ngẩng lên để nhìn những thực tại từ trên cao. Chúng ta cần làm như thế trong hành trình cuộc sống, để được tình bạn với Chúa đồng hành, được tình thương của Chúa nâng đỡ, ánh sáng của Lời Chúa hướng dẫn chúng ta như vì sao trong đêm. Chúng ta cần làm như vậy trong hành trình đức tin để không thu hẹp vào một mớ những thực hành tôn giáo hoặc cái áo bề ngoài, nhưng trở thành một ngọn lửa nung nấu bên trong và làm cho chúng ta trở thành những người say mê tìm kiếm nhan thánh Chúa và chứng nhân của Tin mừng. Chúng ta cần làm như vậy trong Giáo hội, nơi mà thay vì chia rẽ vì những ý tưởng của chúng ta, chúng ta được kêu gọi đặt Chúa ở trung tâm... Chúng ta hãy tái khởi hành từ Thiên Chúa, tìm kiếm nơi Chúa niềm can đảm không dừng lại trước những khó khăn, tìm sức mạnh vượt thắng những chướng ngại, tìm niềm vui sống trong sự hiệp thông và hòa thuận”.
Bước đi trên mặt đất
Tiếp đến, các Đạo sĩ chân bước đi trên mặt đất: “Khi ngẩng đầu lên trời, họ được thúc đẩy bước đi, khi tìm kiếm Thiên Chúa, họ được mời gọi tìm thấy Ngài trong con người, nơi một hài nhi nằm trong máng cỏ, vì Thiên Chúa cao cả vô biên tỏ mình ra trong sự bé nhỏ, vô cùng bé nhỏ như thế”.
Đức Thánh cha nói: “Anh chị em thân mến, chân bước đi trên mặt đất! Hồng ân đức tin không được ban cho chúng ta để tiếp tục cắm nhìn trời (Xc Cv 1,11), nhưng để bước đi trên những nẻo đường trần thế, làm chứng cho Tin mừng; ánh sáng soi chiếu cuộc sống chúng ta là Chúa Giêsu, không được ban cho chúng ta chỉ để an ủi chúng ta trong những đêm đen, nhưng để mở ra những cánh cửa ánh sáng trong đêm đen bao trùm bao nhiêu thực tại xã hội; Thiên Chúa đến viếng thăm chúng ta, chúng ta không tìm thấy thấy Ngài nếu đứng yên trong vài lý thuyết tôn giáo đẹp đẽ, nhưng chỉ khi chúng ta bước đi, tìm kiếm những dấu hiệu sự hiện diện của Ngài trong những thực tại hằng ngày, và nhất là khi gặp gỡ và tiếp xúc với anh chị em. Các Đạo sĩ tìm kiếm và gặp thấy một hài nhi bằng xương bằng thịt. Đây là điều quan trọng: gặp gỡ Thiên Chúa bằng xương bằng thịt, nơi những khuôn mặt mà hằng ngày chúng ta gặp gỡ, nhất là những người nghèo túng nhất”.
Phủ phục thờ lạy
Sau cùng, các Đạo sĩ có một tâm hồn phủ phục thờ lạy... Họ đến Bethlehem và khi thấy Hài Nhi, “họ phủ phục thờ lạy Ngài” (Mt 2,11). Rồi mở hòm dâng Ngài vàng, nhũ hương và mộc dược. “Qua những lễ vật huyền bí này, họ nhìn nhận ai là Đấng họ thờ lạy... Một vị Vua đã đến để phục vụ, một vì Thiên Chúa làm người, có lòng cảm thương chúng ta, đau khổ với chúng ta và chết cho chúng ta. Đứng trước mầu nhiệm này, chúng ta được kêu gọi cúi đầu và quì gối để thờ lạy: Thờ lạy Thiên Chúa, Đấng đến trong sự bé nhỏ, ngự trong cuộc sống bình thường trong các gia đình chúng ta, Đấng chết vì tình yêu”. Chúng ta hãy tái khám phá sở thích cầu nguyện thờ lạy. Hãy nhìn nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa chúng ta và là Chúa, dâng kính Ngài những lễ vật chúng ta có, nhất là hiến dâng bản thân chúng ta”.
Thánh lễ kết thúc lúc gần 11 giờ 30 cùng ngày.