Đức Thánh cha bắt đầu chuyến tông du lần thứ 45

Photo: Vatican Media
Lúc gần 5 giờ chiều, ngày 02 tháng Chín, Đức Thánh cha Phanxicô đã lên đường thực hiện chuyến tông du lần thứ 45, tại bốn quốc gia: Indonesia, Papua New Guinea, Đông Timor và sau cùng tại Singapore.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Chuyến đi 13 ngày này cũng là chuyến viếng thăm dài nhất của ngài tại nước ngoài và nâng tổng số các quốc gia được ngài viếng thăm là 65 quốc gia.

Ra tới phi trường quốc tế Fiumicino, sau nghi thức tiễn biệt đơn sơ, Đức Thánh cha đã đáp máy bay Airbus 330 của hãng ITA Airways, lúc 5 giờ 15 và tiến về chặng dừng đầu tiên là thủ đô Jakarta của Indonesia.

Vài nét về đất nước và Giáo hội tại Indonesia

Indonesia là quần đảo lớn nhất trên thế giới, gồm 17.504 hải đảo, trong đó có hơn 6.000 đảo có dân cư, và nước này được chia thành 33 tỉnh, trong số này 5 tỉnh được quy chế đặc biệt.

Indonesia là một cựu thuộc địa của Hòa Lan, trở thành một Cộng hòa năm 1945, nhưng chỉ đạt được nền độc lập vào năm 1949.

Với hơn 275 triệu dân, Indonesia đứng thứ tư trong các nước trên thế giới về số dân cư, sau Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ. 5 đảo chính của nước này là: Sumatra, Java, Borneo cũng được gọi là Kalimantan ở Indonesia, thứ tư là đảo Sulawesi và sau cùng là New Guinea. Có hai quần đảo chính là Nusa Tenggara và quần đảo Molucche, và hơn 60 quần đảo nhỏ.

Ngôn ngữ chính tại nước này là tiếng Indonesia, hay cũng gọi là bahasa. 3 nhóm dân đông nhất là người Java chiếm 43%, tiếp đến là người Sundanese 15%, sau cùng là người Hoa được 3,5%. Về mặt tôn giáo, 87% dân Indonesia theo Hồi giáo, 7% theo các hệ phái Tin lành, và chỉ có 3% theo Công giáo.

Về mặt chính trị, hiện nay Indonesia theo tổng thống chế. Trong cuộc bầu cử ngày 14 tháng Hai năm nay, cựu tướng Prabowo Subianto đã đắc cử. Ông dấn thân theo đuổi chương trình phát triển kinh tế của vị tiền nhiệm, nhắm đạt được một sự bành trướng mạnh nhất về kinh tế ở vùng Đông nam Á. Dầu vậy, đất nước này cũng phải đương đầu với một số thách đố, như nạn nghèo đói, chênh lệch, thiếu các cơ cấu hạ tầng và thường bị thiên tai.

Giáo hội Công giáo tại Indonesia

Kitô giáo được truyền đến Indonesia vào thế kỷ thứ VII, với các thừa sai Nestorio, nhưng mãi đến thế kỷ XVI, nhờ một số thừa sai đi theo những người Bồ Đào Nha, việc loan báo Tin mừng mới được thực sự khởi đầu. Nhưng rồi năm 1605, người Hòa Lan đến lãnh thổ này, trục xuất người Bồ Đào Nha và du nhập Tin lành Calvin. Công giáo bị cấm cho đến năm 1806 và năm sau, các thừa sai Công giáo trở lại đây, Phủ doãn Tông tòa đầu tiên được thành lập năm sau đó, tại Batavia nay là Jakarta. Công Giáo được củng cố với các thừa sai thuộc các dòng tu, trong đó nổi bật là cha Georgius Josephus van Lith, Dòng Tên Hòa Lan (1863-1926), người đã thiết lập nhiều trường học.

Năm 1940, giám mục bản xứ đầu tiên người Indonesia được bổ nhiệm là Albertus Soegijapranata, Dòng Tên.

Năm 1950, tương quan ngoại giao được thiết lập giữa Tòa Thánh và Indonesia, và năm 1961, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII thành lập Hàng Giáo phẩm tại nước này.

Hiện nay, Giáo hội Công giáo tại Indonesia có 8 triệu 300.000 tín hữu thuộc 39 giáo phận, do 50 giám mục coi sóc, với sự cộng tác của gần 2.500 linh mục giáo phận và 3.440 linh mục dòng và 1.800 tu huynh, 9.660 nữ tu, 4.000 đại chủng sinh. Giáo hội tại đây hơn 1.450 giáo xứ, 8.500 giáo điểm mục vụ khác, gần 5.700 học đường các cấp.

Sự hiện diện của các tín hữu Công giáo trên lãnh thổ Indonesia không thuần nhất: một đàng có một số giáo phận, như Ende, Ruteni, Atambua và Larantuka, trong đó hầu như hầu hết dân chúng là tín hữu Công giáo. Trái lại, có ít nhất 8 giáo phận, trong đó số tín hữu Công giáo chưa tới 1% dân số địa phương. Tuy là thiểu số nhưng cộng đồng Công giáo Indonesia là một thực tại sinh động, trong đó các tín hữu giáo dân giữ một vai trò đáng kể trong lãnh vực mục vụ, tham gia tích cực vào việc mục vụ, và cả đời sống xã hội, kinh tế và chính trị của đất nước.

Chương trình hoạt động của Đức Thánh cha

Trở lại chuyến viếng thăm của Đức Thánh cha. Như thường lệ, cùng đi với Đức Thánh cha trong chuyến bay, có đoàn tùy tùng gồm khoảng 30 người, trong đó có ban tham mưu của ngài thuộc Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Đức Hồng y Tagle, người Philippines, Quyền Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin mừng, Đức Hồng y Miguel Angel Ayuso Guixot, người Tây Ban Nha, thuộc Dòng thánh Comboni, Bộ trưởng Bộ Đối thoại Liên tôn. Ngoài ra, có khoảng 70 ký giả quốc tế.

Chuyến bay của Đức Thánh cha từ Roma dài hơn 11.350 cây số và sau 13 giờ 15 phút bay, Đức Thánh cha sẽ đến sân bay quốc tế Soekarno Hatta, ở Jakarta, lúc 11 giờ 30, sáng thứ Ba, ngày 03 tháng Chín, giờ địa phương. Jakarta trong tiếng Java có nghĩa là “Chiến thắng và thịnh vượng”, và hiện có 11 triệu dân cư, trong khi Tổng giáo phận địa phương có 560.000 tín hữu Công giáo.

Sau khi được Bộ trưởng tôn giáo vụ đón tiếp ở phi trường, Đức Thánh cha về Tòa Sứ thần Tòa Thánh để dùng bữa và nghỉ ngơi, cũng như qua đêm. Đức Thánh cha chỉ bắt đầu hoạt động từ sáng thứ Tư, ngày 04 tháng Chín, với cuộc viếng thăm tổng thống, rồi gặp gỡ chính quyền, các đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn, vào lúc 10 giờ 30, rồi khi trở về Tòa Sứ thần vào ban trưa, ngài gặp gỡ các tu sĩ Dòng Tên.

Chiều cùng ngày thứ Tư, mùng 04 tháng Chín, lúc 4 giờ 30, Đức Thánh cha sẽ gặp gỡ các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên, tại nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Lên Trời, ở thủ đô Jakarta, rồi đến nhà giới trẻ một tiếng đồng hồ sau đó để gặp gỡ các bạn trẻ thuộc tổ chức liên trường Scholas Occurentes.

(Cabasario, Vatican News 2-9-2024)