Buổi Tiếp kiến chung đầu tiên của Đức Thánh cha Lêô XIV

Đức Thánh cha Lêô XIV | Vatican Media
Sáng thứ Tư, ngày 21 tháng Năm vừa qua, Đức Thánh cha Lêô XIV đã thực hiện buổi Tiếp kiến chung đầu tiên của ngài, nối tiếp buổi Tiếp kiến chung cuối cùng của Đức Thánh cha Phanxicô, ngày 12 tháng Hai năm nay, vì hai ngày sau đó, Đức Cố Giáo hoàng Phanxicô phải nhập viện vì bệnh viêm phổi. Những thứ Tư các tuần lễ sau đó, Phòng Báo chí Tòa Thánh chỉ công bố bài giáo lý đã dọn sẵn, vì Đức Thánh cha tiếp tục ở nhà thương Gemelli.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Lúc 9 giờ 20, thứ Tư ngày 21 tháng Năm năm 2025, Đức Thánh cha Lêô đi xe mui trần tiến ra Quảng trường Thánh Phêrô, đi qua các lối đi để chào thăm hơn 50.000 tín hữu và du khách hành hương tụ tập tại đây.

Hiện diện trong buổi tiếp kiến này, cũng có 3 hồng y và khoảng 20 giám mục.

Đức Thánh cha Lêô nối tiếp công việc của vị tiền nhiệm với buổi tiếp kiến chung và cả loạt bài giáo lý Năm Thánh đã được Đức Phanxicô khởi xướng, về đề tài: “Chúa Giêsu Kitô niềm hy vọng của chúng ta”. Chương II về đời sống của Chúa Giêsu. Các dụ ngôn”. Bài hôm 21 tháng Năm này là bài thứ sáu trong chương này và có đề tài là: “Người gieo hạt giống. Chúa Giêsu nói với họ về nhiều điều bằng dụ ngôn” (Mt 13,3a).

Mở đầu buổi tiếp kiến, chín độc viên lần lượt công bố bằng các ngôn ngữ khác nhau đoạn Tin mừng theo thánh Matthêu, chương 13 (1-9), về dụ ngôn:

“Hôm ấy, Đức Giêsu từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ. Dân chúng tụ họp bên Người rất đông, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều. Người nói: “Người gieo giống đi ra gieo giống. Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. Ai có tai thì nghe.”

Huấn dụ

Trong bài giáo lý tiếp đó, Đức Thánh cha nói: “Anh chị em thân mến,

Tôi vui mừng chào đón anh chị em trong buổi Tiếp kiến chung đầu tiên của tôi. Tôi tiếp tục loạt bài giáo lý Năm Thánh, về đề tài “Chúa Giêsu Kitô là niềm hy vọng của chúng ta” đã được Đức Giáo hoàng Phanxicô bắt đầu. Hôm nay, chúng ta tiếp tục suy niệm về những dụ ngôn của Chúa Giêsu, giúp chúng ta tìm lại niềm hy vọng vì những dụ ngôn này chỉ cho chúng ta cách thức Thiên Chúa hành động trong lịch sử. Hôm nay, tôi muốn dừng lại một dụ ngôn hơi đặc biệt, vì đây là một phần dẫn nhập vào tất cả các dụ ngôn. Tôi muốn nói đến dụ ngôn người gieo hạt giống (Xc Mt 13,1-17). Theo một nghĩa nào đó, trong trình thuật này chúng ta có thể nhận ra cách thức truyền thông của Chúa Giêsu, Đấng có bao nhiêu điều dạy chúng ta để loan báo Tin mừng ngày nay.

Vai trò của dụ ngôn

Đức Thánh cha giải thích rằng: “Mỗi dụ ngôn kể lại một câu chuyện được rút từ cuộc sống hằng ngày, nhưng muốn nói với chúng ta cái gì hơn nữa, chỉ dẫn cho chúng ta một ý nghĩa sâu xa hơn. Dụ ngôn làm nảy sinh nơi chúng ta những câu hỏi, mời gọi chúng ta đừng dừng lại ở cái vẻ bề ngoài. Đứng trước một câu chuyện được kể lại hoặc hình ảnh được tỏ cho tôi, tôi có thể tự hỏi: tôi ở vị trí nào trong câu chuyện này? Hình ảnh này nói gì với cuộc sống của tôi? Thực vậy, từ “dụ ngôn”, parabola, đến từ động từ Hy Lạp “paraballein”, có nghĩa là ném ra đằng trước. Dụ ngôn đưa ra trước mặt tôi một lời kêu mời và thúc đẩy tôi tự hỏi mình.

Dụ ngôn người gieo giống

Dụ ngôn người gieo hạt giống nói về năng động của Lời Chúa và những hệ quả mà Lời này tạo ra. Thực vậy, mỗi lời Tin mừng như hạt giống được gieo vào thửa đất cuộc đời chúng ta. Nhiều khi Chúa Giêsu dùng hình ảnh hạt giống với những ý nghĩa khác nhau. Trong chương 13 của Tin mừng theo thánh Matthêu, dụ ngôn người gieo hạt giống dẫn vào một loạt các dụ ngôn nhỏ hơn, một số dụ ngôn này nói về nhưng gì xảy ra trong thửa đất: hạt giống và cỏ dại, hạt cải bé nhỏ, kho tàng giấu ẩn trong cánh đồng. Vậy thửa đất ấy là gì? Đó chính là tâm hồn chúng ta, nhưng cũng là thế giới, là cộng đoàn, là Giáo hội. Thực vậy, Lời Chúa phong phú hóa và kích thích mỗi thực tại.

Ban đầu, chúng ta thấy Chúa Giêsu ra khỏi nhà và quanh Ngài có một đám đông dân chúng tụ họp (Xc Mt 13,1). Lời Ngài thu hút và làm cho người ta tò mò. Trong đám dân ấy, hiển nhiên có bao nhiêu tình trạng khác nhau. Lời Chúa Giêsu là cho tất cả mọi người, nhưng tác động khác nhau nơi mỗi người. Bối cảnh này giúp chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa dụ ngôn.

Cách thức hành động của Thiên Chúa

Một người gieo hạt giống, ra đi gieo giống, nhưng không bận tâm về hạt giống rơi vào đâu. Ông gieo hạt cả tại những nơi nó không mang lại hoa trái: trên đường, giữa các sỏi đá, giữa gai góc. Thái độ này gây ngạc nhiên cho những người nghe và khiến họ tự hỏi: làm sao thế? Chúng ta thường quen tính toán sự việc - và nhiều khi đó là điều cần thiết - nhưng điều này không giá trị trong tình yêu! Cách thức người gieo hạt “phung phí” ấy là hình ảnh cách thức Chúa yêu thương chúng ta. Quả thực, số phận hạt giống cũng tùy thuộc cách đón nhận hạt ấy và tình trạng của nó, nhưng nhất là dụ ngôn mà Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng Thiên Chúa gieo hạt giống lời Ngài trên mọi loại đất, nghĩa là trong bất kỳ hoàn cảnh nào: nhiều khi chúng ta hời hợt và chia trí, nhiều khi chúng ta để cho mình phấn khởi, khi khác chúng ta bị những lo lắng trong cuộc sống đè nặng, nhưng cũng có những lúc chúng ta sẵn sàng và đón nhận. Thiên Chúa tín thác và hy vọng rằng trước sau gì hạt giống cũng tươi nở. Chúa yêu thương chúng ta như thế: Ngài không chờ đợi chúng ta trở nên thửa đất tốt đẹp hơn; Ngài luôn quảng đại cho chúng ta lời Ngài. Có lẽ chính vì thấy Ngài tín nhiệm chúng ta nên nảy sinh trong chúng ta ước muốn trở nên một thửa đất tốt hơn. Đó là niềm hy vọng xây trên đá tảng của lòng quảng đại và thương xót của Thiên Chúa.

Kể lại cách thức gieo hạt mang lại hoa trái, Chúa Giêsu cũng nói về cuộc sống của Ngài. Chúa Giêsu là Lời, là Hạt giống. Và hạt giống, để sinh hoa trái, phải chết đi. Vì thế, dụ ngôn này nói với chúng ta rằng Thiên Chúa sẵn sàng “phung phí” vì chúng ta và Chúa Giêsu sẵn sàng chết để biến đổi cuộc sống chúng ta.

Tôi nghĩ đến bức họa rất đẹp của Van Gogh: người gieo hạt giống vào chiều tàn. Hình ảnh người gieo hạt ấy dưới mặt trời nóng cháy cũng nói với tôi về cơ cực của người nông dân. Và tôi có ấn tượng mạnh vì sau lưng người gieo hạt, Van Gogh đã vẽ hạt giống đã trưởng thành. Tôi thấy đó chính là một hình ảnh hy vọng: cách này hay cách khác, hạt giống mang lại hoa trái. Chúng ta không biết rõ thế nào, nhưng nó là như thế! Nhưng nơi trung tâm của cảnh tượng, không phải là người gieo hạt, ông ta đứng một bên, nhưng toàn bức tranh có hình ảnh mặt trời, có lẽ để nhắc nhớ chúng ta rằng chính Thiên Chúa chuyển động lịch sử, cho dù nhiều khi Ngài có vẻ vắng bóng hoặc ở xa xăm. Chính mặt trời hâm nóng các luống cày trên đây và làm cho hạt giống được trưởng thành.

Và Đức Thánh cha kết luận: Anh chị em thân mến, Lời Thiên Chúa đang đến với chúng ta trong tình trạng nào cuộc sống ngày nay? Chúng ta hãy cầu xin Chúa ơn luôn đón nhận hạt giống này là Lời của Ngài. Và nếu chúng ta nhận thấy mình không phải là thửa đất màu mỡ, thì đừng nản chí, nhưng hãy xin Chúa làm việc với chúng ta để biến chúng ta thành một thửa đất tốt hơn.

Chào thăm và nhắn nhủ

Phần tóm tắt bằng các sinh ngữ khác của bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây của Đức Thánh cha được chín độc viên, trong đó có tiếng Hoa, đã trình bày sau đó, kèm theo những lời chào thăm và lời nhắn nhủ của Đức Thánh cha.

Trong số đông đảo các nhóm tín hữu hiện diện, cũng có các tín hữu Công giáo Việt Nam đến từ Mỹ.

Cuối buổi tiếp kiến, Đức Thánh cha tái lên tiếng bày tỏ đau lòng vì số phận dân chúng tại Gaza, tiếp tục phải chịu tấn công từ quân đội Israel, và đồ cứu trợ không được mang đến cho dân chúng tại miền này. Đức Thánh cha nói: “Thật là ngày càng đáng lo âu và đau buồn vì tình trạng tại dải Gaza. Tôi tái tha thiết kêu gọi hãy cho phép đưa các đồ cứu trợ nhân đạo xứng đáng được vào để giúp đỡ dân chúng và chấm dứt xung đột. Chính các trẻ em, người cao tuổi và người bệnh phải trả cái giá “đau thương” vì những xung đột này.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha. Sau đó, Đức Thánh cha đã bắt tay chào thăm một số hồng y và giám mục hiện diện trong buổi tiếp kiến.