Phỏng vấn Đức Hồng y Quốc vụ khanh về các vấn đề thời sự

Photo: Vatican News
Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, bày tỏ lập trường về một số vấn đề thời sự: hy vọng sẽ có thêm các cuộc trao đổi tù binh giữa Ucraina và Nga, việc bầu tổng thống mới tại Liban, ý niệm “cuộc chiến tranh chính đáng” đang được duyệt lại, nền dân chủ đang bị khủng hoảng tại nhiều nơi...

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Nhân dịp đến dự buổi lễ trao giải thưởng văn chương của các đại sứ cạnh Tòa Thánh, diễn ra chiều ngày 02 tháng Bảy vừa qua, tại Đại sứ quán Ý cạnh Tòa Thánh, Đức Hồng y Parolin đã trả lời câu hỏi của một ký giả về việc Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng các vị Bản quyền Công giáo tại Thánh địa, phê bình việc lạm dụng thành ngữ “Cuộc chiến tranh chính đáng” để biện minh cho các hoạt động chiến tranh của Israel chống Hamas, gây quá nhiều tổn hại về nhân mạng cho các thường dân.

Đức Hồng y nói: “Israel và Hamas, chúng ta biết rằng đang có nhiều tranh luận về ý niệm cuộc chiến tranh chính đáng, cuộc chiến chính đáng là cuộc chiến tự vệ. Nhưng ngày nay, với các võ khí người ta sở hữu, ý niệm này trở nên rất khó khăn. Tôi nghĩ rằng chưa có một lập trường chung kết, nhưng đó là một ý niệm đang được duyệt lại”.

Liban

Về tình hình Liban, quốc gia Đức Hồng y Parolin mới viếng thăm hồi hạ tuần tháng Sáu vừa qua, ký giả đã hỏi ngài xem đâu là những giải pháp cho nước này, Đức Hồng y trả lời: “Giải pháp đầu tiên là bầu vị tổng thống mới. Điều quan trọng là cấp thiết có một tổng thống để chấm dứt cuộc khủng hoảng về cơ chế, đang gây thiệt hại cho cả nước”. Ngài cũng cầu mong một vai trò tích cực của các tín hữu trong chế độ Liban và nói rằng: “Chắc chắn đó không phải là một giải pháp mầu nhiệm, nhưng cần bắt đầu đối phó với các vấn đề cùng tất cả các vị hữu trách tại chỗ”. Đức Hồng y xác nhận rằng Đức Hồng y Béchara Rai, Giáo chủ Công giáo Maronite, là một vị tích cực trong bối cảnh đó, “Đức Hồng y Rai luôn tìm cách liên kết tất cả các tín hữu Kitô và dường như có một ý chí từ phía các đảng phái Kitô liên kết với nhau, đề cử một hoặc nhiều ứng viên có thể được các đảng chấp nhận”.

Ký giả khác hỏi Đức Hồng y xem có cuộc đối thoại với cộng đồng Hồi giáo Shiite hay không, Đức Hồng y Parolin cho biết cuộc đối thoại không thiếu, nhưng đặc biệt là có vấn đề từ phía đảng Hezbollah, họ cũng tham gia và có ứng viên của họ. Vấn đề ở đây là tìm được một ứng viên được mọi phía chấp nhận.

Từ một năm tám tháng qua, tức là từ cuối tháng Mười năm 2022 đến nay, Liban vẫn chưa có tổng thống, vì các đảng phái trong quốc hội không thỏa thuận được với nhau, sau khi Tổng thống Michel Aoun mãn nhiệm kỳ. Theo sự phân chia các chức vụ ở Liban, có từ năm 1947, tổng thống Liban phải là một tín hữu Kitô, thủ tướng là Hồi giáo Sunnit và chủ tịch Quốc hội là tín hữu Hồi giáo Shiite.

Ucraina

Về tình hình Ucraina, trả lời câu hỏi về đề nghị của Thủ tướng Orban của Hungary, trong tư cách là Chủ tịch theo lượt của Liên hiệp Âu châu, với Tổng thống Zelensky, để mau lẹ ngưng bắn hầu tạo điều kiện cho một cuộc hòa đàm, Đức Hồng y Parolin nói: Theo như tôi biết, cho đến nay Ucraina luôn từ chối, vì đối với chính chủ Ucraina, nếu không có những bảo đảm, thì “việc ngưng bắn này có thể chỉ là một cuộc tạm ngưng để tái bắt đầu lại chiến tranh, một cách càng mạnh mẽ và dữ dằn hơn. Chúng tôi thực sự hy vọng có thể có một cuộc ngưng bắn, rồi thương thuyết”.

Dưới ánh sáng cuộc trao đổi tù binh, với sự trung gian thành công của Tòa Thánh, Đức Hồng y cho biết có thể có những người trao đổi khác, vì “đó là một cơ cấu tiến hành được, tách biệt với việc cho hồi hương các trẻ em Ucraina, trong trường hợp này có nhiều thực tại khác can dự vào. Còn trong trường hợp các tù nhân, thì điều thiết yếu là trao đổi danh sách của hai phe, và vì thế, tôi nghĩ việc làm này sẽ tiếp tục, và tôi thấy rất tích cực, và có tạo những điều kiện giúp đạt tới hòa bình và những cuộc thương thuyết”.

Nền dân chủ bị khủng hoảng

Sau cùng, về Tuần lễ xã hội của Công giáo Ý sắp tiến hành những ngày này và Đức Thánh cha sẽ đến bế mạc, vào Chúa nhật, ngày 07 tháng Bảy tới đây, về đề tài dân chủ. Đức Hồng y Parolin nhận thấy đây là một chủ đề rất thời sự, vì “dân chủ đang bị khủng hoảng tại nhiều nơi trên thế giới và tôi nghĩ rằng “các tín hữu Công giáo có nhiệm vụ tái khẳng định tầm quan trọng và sự cần thiết phải bênh vực dân chủ, nhất là làm đầy nó bằng các giá trị. Dân chủ không phải chỉ là một thực hành toán học, người nhiều người ít, nhưng nhất là một sự thực thi các giá trị, lấy hứng từ các giá trị làm cho cuộc sống chung trong xã hội có thể thực hiện được. Vì thế, tôi nghĩ đóng góp mà các tín hữu Công giáo có thể mang lại rất có giá trị, và tôi tin rằng từ Tuần lễ xã hội này sẽ có những điều tốt đẹp xảy ra”.

(Vatican News 2-7-2024)