Phiến quân M23 chiếm thành phố Bukavu

Phiến quân M23 đã đoạt được thành phố Bukavu, thủ phủ tỉnh Nam Kivu, sau khi chiếm được thành phố Goma, thủ phủ tỉnh Bắc Kivu ở miền đông Cộng hòa Dân chủ Congo.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Theo hãng Fides, nguồn tin của Giáo hội địa phương cho biết từ Chúa nhật, ngày 16 tháng Hai vừa qua, người ta không còn nghe tiếng súng nổ, sau khi phiến quân chiếm được thành Bukavu sự hỗ trợ của quân đội Ruanda.
Trước đó, trong hai ngày 14 và 15 tháng Hai vừa rồi, đã có nhiều tiếng súng nổ và những vụ cướp phá trong thành phố. Quân chính quy đã bỏ chạy và để lại nhiều võ khí, đạn dược. Chính quyền địa phương cũng chạy thoát từ những ngày trước đó. Chỉ có Đức Tổng giám mục sở tại, Francois Xavier Maroy Rusengo, tiếp tục ở lại nhiệm sở và ngài kêu gọi đừng để Bukavu phải chịu số phận như trường hợp thành phố Goma, sau khi các lực lượng Rwanda tiến vào thành này, tạo nên những cuộc thảm sát.
Việc phiến quân chiếm được cả hai tỉnh Bắc và Nam Kivu, có nghĩa là chính phủ Congo mất đi một phần lãnh thổ quan trọng, nhất là bị mất rất nhiều mỏ quặng.
Trong bài tham luận hôm mùng 07 tháng Hai vừa qua, tại khóa họp đặc biệt thứ 37 của Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Genève, Đức Tổng giám mục Ballestrero, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại các tổ chức quốc tế ở thành phố này, nói rằng: “Tòa Thánh rất lo âu vì sự leo thang bạo lực ở Congo dân chủ, và ủng hộ “Tiến trình Luanda”, một kế hoạch nhắm mang lại hòa bình cho vùng này; Tòa Thánh cũng ủng hộ đề nghị thành lập một Ủy ban đặc biệt để kiểm chứng sự việc ở nước này”.
Vị đại diện Tòa Thánh cũng nói rằng “Lực lượng M23 cần ngưng mọi cuộc tấn kích và rút lui khỏi những khu vực đã chiếm đóng, tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Congo Dân chủ”.
Đức Tổng giám mục Ballestrero nhận định rằng sự gia tăng xung đột đã làm cho nhiều người chết và tăng những vụ vi phạm các quyền con người, tại nhiều thành thị xảy ra những vụ cướp phá, và nhiều trường hợp dân chúng buộc lòng phải tản cư. Họ vốn là những người nghèo trong 30 năm chiến tranh, với những cuộc xung đột thường xuyên tại các tỉnh Bắc và Nam Kivu. Thậm chí, cả quân đội bảo hòa được gửi tới để thi hành sứ vụ của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc cũng bị giết và bị thương khi thi hành phận sự”.
Và để thoa dịu cuộc khủng hoảng nhân đạo, cần ít nhất cho phép đưa các đồ cứu trợ nhân đạo cho các nạn nhân cũng như đưa những người bị thương nặng đến các nhà thương.
(Tổng hợp, Fides 17-2-2025)
Trực tiếp
