“Thế giới quay mặt đi đối với Syria”

Photo Credit: ©TAWK CENTRE

Đại diện Tông tòa Giáo phận Aleppo, thuộc Công giáo Latinh, Đức cha Hanna Jallouf, than phiền rằng thế giới đang ngoảnh mặt đi đối với nhân dân Syria đang chịu thảm cảnh chiến tranh từ mười ba năm nay.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin SIR của Hội đồng Giám mục Ý, nhân dịp kỷ niệm mười ba năm chiến tranh tại Syria, Đức cha Jallouf, thuộc Dòng Phanxicô, nói rằng: “Không ai nhắc đến Syria nữa. Các cuộc xung đột khác gạt Syria ra khỏi chương trình hành động và cả các tin tức. Nhưng dân chúng tại Syria vẫn tiếp tục chịu đau khổ và chết chóc. Điều gây đau khổ nhất, đó là đất nước chúng tôi bị quên lãng. Đối với nhiều tác nhân quốc tế, Syria không còn hiện hữu nữa”.

Giáo phận Aleppo mà Đức cha Jallouf phụ trách cũng bao gồm miền Idlib vẫn còn nằm trong tay lực lượng thánh chiến Hồi Giáo. Chính ngài cũng đã bị những người Hồi giáo cuồng tín này bắt giữ hai lần hồi năm 2014.

Đức cha nói thêm rằng: “Đêm đối với Syria dường như vẫn kéo dài và chúng tôi chưa thấy kết thúc... Tôi thấy đất nước chúng tôi đang ở trong thời điểm tệ nhất từ khi xảy ra chiến tranh tại đây”. Giá gạo gia tăng, nạn tham ô, và tội phạm gia tăng cùng với nạn thất nghiệp, chất thêm các vấn đề cho dân chúng, các biện pháp cấm vận và khép biên giới. Lương tháng hiện nay tại Syria chỉ vào khoảng 25 Mỹ kim, chỉ đủ để mua vài ký thịt... Làm sao có thể sống?! Cũng may là nhiều người Syria có thân nhân từ nước ngoài gửi tiền cho họ.

Theo Liên Hiệp Quốc, hiện nay có bảy triệu 200.000 người di tản trong nội địa Syria, và năm triệu người tị nạn ra nước ngoài, như Thổ Nhĩ Kỳ, Liban, Giordani, Irak và Ai Cập. Mười sáu triệu 700.000 người dân trong nước cần được trợ giúp về nhân đạo. Mười hai triệu 900 người bị thương tổn vì lương thực bấp bênh và khoảng 90% dân Syria sống dưới mức nghèo đói.

Hãng tin Công giáo Kathpress của Áo cho biết tuần trước đây, Caritas nước này đã báo động về tình trạng tại Syria, một tình trạng không thể chịu nổi và những hậu quả của chiến tranh, cũng như cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế và lương thực, cùng với cuộc động đất hồi tháng Hai năm ngoái. Hiện thời, ba triệu trẻ em Syria không được cắp sách đến trường.

Chủ tịch Caritas Áo, Nora Toedling-Musenbichler kêu gọi dân chúng kiên trì trong việc trợ giúp cho Syria cũng như cho viễn tượng phát triển dài hạn và thăng tiến hòa bình.

(KAP 19-3.2024)

Tags