Đức cha Shomali lên án tấn công các tín hữu Kitô ở Cisjordani

Đức cha William Shomali, Đại diện Đức Hồng y Thượng phụ Công giáo Latinh Jerusalem, mạnh mẽ lên án những người Do thái định cư bất hợp pháp trên đất Palestine ở Cisjordani, đã tấn công cộng đồng Kitô ở Taybeh, hôm mùng 07 tháng Bảy vừa qua.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Một số người Do thái Israel đã gây ra hỏa hoạn gần nghĩa trang và nhà thờ thánh Giorgio có từ thế kỷ thứ V. Hành động này nằm trong một chuỗi dài các vụ bạo hành và hăm dọa của những người Do thái chống các dân cư tại nhiều làng Palestine ở miền Cisjordani.
Đức cha Shomali cũng than phiền vì quân đội Israel giữ im lặng và rất ít khi can thiệp để ngăn cản những hành động sai trái, những vụ tấn công của những người Do thái vừa nói. Đức cha nói: “Quân đội Israel chẳng quan tâm gì đến việc bảo vệ những người Palestine. Ngoài ra, những người Do thái định cư ấy có võ trang và các binh sĩ Israel không muốn đụng độ hoặc có vấn đề với họ. Vì thế, các binh sĩ Israel làm bộ như không nhìn thấy, không biết gì. Nhưng như vậy, “im lặng là đồng lõa”.
Trước nhận xét của hãng tin Sir theo đó những hành vi sai trái vừa nói của những người Do thái ở Cisjordani chẳng hề bị luật pháp trừng phạt và trong sự im lặng của cộng đồng quốc tế hầu như bất lực, Đức cha Somali nói: “Tất cả ở trong tay người Mỹ, là bạn lớn nhất của Israel. Cho đến nay, Mỹ ủng hộ 100% ý thức hệ đó. Âu châu ngày nay có ít ảnh hưởng, không nặng ký bao nhiêu. Còn cộng đồng quốc tế thì đứng đó nhìn như khán giả. Cả Liên Hiệp Quốc Quốc, bao nhiêu lần ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã yêu cầu chấm dứt cuộc chiến này và để cho dân chúng Gaza bị kiệt lực được lương thực, nhưng tất cả đều vô ích.
Đức cha Shomali nói: “Israel luôn coi mình là nạn nhân, biện minh cho mọi hành động của mình là một sự tự vệ. Mỗi công dân ở Gaza bị coi như là một tên khủng bố trong tiềm thể. Đó là lôgic đang trổi vượt. Vì những lý do mà tôi không rõ, Âu châu và Mỹ không chống được ý thức hệ vừa nói, có lẽ vì ký ức về cuộc diệt chủng Do thái vẫn còn sinh động”.
Đàng khác, nhiều tổ chức phi chính phủ và những người bênh vực nhân quyền cũng tố giác sự gia tăng những vụ hạn chế lấy nước và chăn súc vật trên cánh đồng, đe dọa cuộc sống của các gia đình người Palestine. Đây không phải là những vụ lẻ tẻ, nhưng là một trong những kế hoạch rộng lớn cưỡng bách dân cư ở địa phương phải di chuyển đi nơi khác. Ngoài ra, có sự bành trướng các nơi định cư khác với sự đồng lõa của chính phủ Israel khiến cho cuộc sống của người Palestine ngày càng khó khăn.
Hãng tin Sir của Hội đồng Giám mục Ý, truyền đi hôm 11 tháng Bảy vừa qua, cho biết thứ Hai, ngày 14 tháng Bảy tới đây, Đức Hồng y Pizzaballa Thượng phụ Công giáo Latinh ở Jerusalem và Đức Thượng phụ Teofilo III, Giáo chủ Chính thống Hy Lạp, sẽ đến viếng thăm tại làng Taybeh. Đây là một cử chỉ liên đới bất bạo động. Tình liên đới không phải chỉ bằng lời nói, nhưng còn bằng sự kiện và bằng sự hiện diện”.
Theo bà Angelita Caredda, Giám đốc miền của Hội đồng Na Uy về tị nạn (Norwegian Refugee Council) ở Trung Đông và Bắc Phi, “người ta đang chứng kiến sự sáp nhập miền Cisjordani vào lãnh thổ Israel, trong khi có nhiều cộng đoàn Palestine bị đánh đuổi khỏi đất đai của họ bằng biện pháp bạo lực, hăm dọa, và bằng một môi trường sống không thể chịu nổi để buộc họ ra đi.
(Sir 11-7-2025)
Trực tiếp
