Công bố quy luật mới về việc phân định những cuộc hiện ra

Photo: Vatican Media
Sáng ngày 17 tháng Năm năm 2024, Đức Hồng y Victor Manuel Fernández, Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, đã chủ tọa buổi họp báo công bố các quy luật cập nhật để phân định các cuộc hiện ra và các hiện tượng siêu nhiên. Văn kiện có hiệu lực từ ngày 19 tháng Năm năm 2024 này.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Hiện diện tại bàn chủ tọa cuộc họp báo, cũng có Đức Tổng giám mục Tổng thư ký của Bộ, là Armando Matteo.

Điểm mới trong văn kiện này, là từ nay giáo quyền có thể tuyên bố mau lẹ hơn so với trước đây, về lòng sùng mộ bình dân, và trên nguyên tắc, không đòi sự can dự của quyền bính Giáo hội, trong sự tuyên định chính thức về tính cách siêu nhiên của một hiện tượng có thể đòi rất nhiều thời gian để nghiên cứu sâu rộng.

Một điểm mới khác nữa là sự can dự rõ ràng hơn của Bộ Giáo lý đức tin. Cơ quan này sẽ phải phê chuẩn quyết định chung kết của giám mục và có năng quyền can thiệp trực tiếp bất cứ lúc nào. Trong nhiều trường hợp xảy ra trong những thập niên gần đây, các giám mục liên hệ đã bày tỏ lập trường về những vụ hiện ra hoặc hiện tượng siêu nhiên, có sự can dự của Bộ Giáo lý đức tin, nhưng hầu như luôn luôn là có sự can thiệp đằng sau và yêu cầu không công khai.

Bây giờ, điều thúc đẩy sự can dự sự tham dự rõ ràng của Bộ cũng vì khó khăn trong việc giới hạn ở bình diện địa phương các hiện tượng lan rộng toàn quốc và thậm chí cả quốc tế nữa, “vì thế một quyết định tại một giáo phận cũng có những hậu quả ở các nơi khác”.

Lý do Văn kiện cập nhật

Nguồn gốc văn kiện cập nhật này là kinh nghiệm lâu dài trong thế kỷ vừa qua, với những vụ giám mục địa phương phán quyết về đặc tính siêu nhiên trong thời gian rất mau lẹ, rồi sau đó Bộ Giáo lý đức tin phải nói ngược lại. Hoặc những vụ một giám mục phán quyết một đàng, và giám mục kế nhiệm nói ngược lại về cùng một hiện tượng. Rồi cần những thời gian dài, cần thiết để thẩm định tất cả các yếu tố để đi tới quyết định xem đó có phải là hiện tượng siêu nhiên hay không. Thời gian dài như thế nhiều khi đi ngược với sự cấp thiết phải sớm đưa ra những câu trả lời mục vụ, vì thiện ích của các tín hữu.

Trong cuộc họp báo để trình bày văn kiện, Đức Hồng y Fernández giải thích rằng: “bao nhiêu lần những hiện tượng ấy đã tạo nên rất nhiều hoa trái thiêng liêng, sự tăng trưởng đức tin, lòng sùng mộ và tình huynh đệ, sự phục vụ, và trong một số trường hợp đã tạo nên một số Đền thánh rải rác các nơi trên thế giới, mà ngày nay các nơi này trở nên trọng tâm lòng sùng mộ của nhiều dân tộc”.

Những khía cạnh tiêu cực

Nhưng cũng có thể có một số vụ được coi là có nguồn gốc siêu nhiên, nhưng rồi chúng tỏ ra nhiều khía cạnh nguy hiểm, gây hại cho các tín hữu. Những vụ trong đó “lợi lộc, quyền hành, danh tiếng xã hội, tư lợi” tới độ thống trị trên con người hoặc mang lại những vụ lạm dụng”. Cũng có thể có những sai lầm về đạo lý, thái độ quá thu hẹp trong việc trình bày sứ điệp Tin mừng, phổ biến một thái độ phe phái”. Cũng có khi “các tín hữu bị lôi kéo vào một biến cố, gán cho sáng kiến đó cho Chúa”, nhưng thực tế chỉ là kết quả của trí tưởng tượng, thích huyền thoại hoặc xu hướng ngụy tạo của người nào đó.

Sáu nhận định có thể có về hiện tượng

Theo luật, “Giám mục Giáo phận, Hội đồng Giám mục và cả Bộ Giáo lý đức tin không có quyền tuyên bố các hiện tượng là có nguồn gốc siêu nhiên, và chỉ có Đức Thánh cha mới có thể cho phép đưa ra lời xác nhận như vậy” (I,23).

Sau đây là sáu (6) khẳng định, sau khi phân định về những hiện tượng hiện ra hoặc siêu nhiên:

Trước tiên là Nihil Obstat: không có gì ngăn trở, nhận xét này không bày tỏ sự xác quyết đó là một hiện tượng siêu nhiên, nhưng nhìn nhận những dấu chỉ hành cộng của Thánh Linh.

Thứ hai là Prae oculis habeatur, nhìn nhận những dấu chỉ tích cực, nhưng cũng có những yếu tố gây lẫn lộn hoặc có nguy cơ đòi phân định và đối thoại với người tiếp nhận.

Thứ ba là Curatur: có những yếu tố đáng phê bình, nhưng có một sự phổ biến rộng rãi với những hoa trái thiêng liêng có thể kiểm chứng được. Vì thế, không nên đưa ra lệnh cấm, có thể làm cho các tín hữu xôn xao, nhưng mời gọi giám mục không nên khuyến khích hiện tượng này.

Thứ tư là Sub mandato: Những điểm gây vấn đề không gắn liền với chính hiện tượng, nhưng nó có thể bị những cá nhân và nhóm lợi dụng. Tòa Thánh ủy thác cho Đức giám mục hoặc một đại biểu việc hướng dẫn mục vụ nơi xảy ra hiện tượng ấy.

Thứ năm là Prohibetur et osbstruatur: mặc dù có một vài yếu tố tích cực, nhưng có nhiều vấn đề và nguy cơ trầm trọng. Bộ Giáo lý đức tin yêu cầu giám mục tuyên bố không được tin theo hiện tượng ấy.

Sau cùng là Declaratio de non supernaturalitate: Giám mục được phép tuyên bố đó không phải là hiện tượng siêu nhiên, dựa trên những bằng chứng cụ thể

(Vatican News 17-5-2024)