Chi phí quân sự tăng vọt từ thời chiến tranh lạnh

Photo: Shutterstock/ sipri.org
Chi phí quân sự trên thế giới tăng kỷ lục từ sau chiến tranh lạnh: năm ngoái (2024), chi phí này lên tới 2,7 ngàn tỷ Mỹ kim, với những hậu quả quan trọng về mặt kinh tế-xã hội và chính trị.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Theo phúc trình mới công bố năm nay (2025) của Viện nghiên cứu chính trị quốc tế về hòa bình, tại Stockholm, Thụy Điển, gọi tắt là SIPRI, chi phí quân sự tăng 9,4% trong năm 2024, sự gia tăng này liên tục trong mười năm qua.

Ông Tiếu Lượng (Xiao Liang), nghiên cứu gia về chương trình của Viện SIPRI về “Chi phí quân sự và sản xuất vũ khí”, nhận định rằng sự gia tăng này thực sự chứng tỏ những căng thẳng mạnh mẽ về chính trị địa lý. Đó là một sự kiện chưa từng có. Hơn 100 quốc gia đã gia tăng ngân sách quốc phòng trong năm ngoái”.

Tình trạng gia tăng này ảnh hưởng mạnh về mặt xã hội kinh tế và chính trị, vì các nước phải thực hiện những nhượng bộ trong việc chọn lựa ngân sách. Ví dụ, nhiều nước Âu châu phải cắt giảm viện trợ quốc tế dành cho các nước nghèo để có thêm tiền cho quân đội, hoặc họ phải tăng thuế, hay tăng nợ nần.

Nước Nga đã chi 149 tỷ Mỹ kim cho quân lực của mình trong năm 2024, tức là tăng 38% trên căn bản hằng năm, tăng gấp đôi so với năm 2015. Ngân sách quân sự của Ucraina, tăng 2,9% tức là 64,7 tỷ Mỹ kim, tuy tỷ số này chỉ bằng 43% so với các phương tiện quân sự của Nga, nhưng Ucraina có chi phí quân sự với tỷ lệ cao nhất thế giới, chi phí này chiếm 34% tổng sản lượng quốc gia (PIL).

Tại Đức, chi phí quân sự tăng 28% lên 88,5 tỷ Mỹ kim và vượt lên trên cả Ấn Độ. Lần đầu tiên kể từ khi thống nhất đất nước, Đức trở thành nước đóng góp chính cho việc bảo vệ Trung và Tây âu.

Về phần nước Mỹ, sự gia tăng chi phí quân sự tăng lên 5,7% ngân sách quốc gia trong năm ngoái, tức là lên tới 997 tỷ Mỹ kim trong năm ngoái, nghĩa là 37% chi phí hoàn cầu và 66% chi phí của các nước thuộc khối NATO.

Đứng trước quyết định của Mỹ có thể không dấn thân với NATO nữa, 32 nước trong Liên minh này cam kết tái võ trang mạnh mẽ. Năm ngoái, 18 trong số 32 nước này đã đạt tới chỉ tiêu tăng thêm 2% tổng sản lượng quốc gia cho chi phí quân sự, một sự kiện chưa từng có từ khi thành lập khối NATO đến nay, theo nghiên cứu gia Tiếu Lượng (Xiao Liang). Trong năm tới đây, chúng ta sẽ chứng kiến các dự án ồ ạt mua sắm võ khí.

(AGI 27-4-2025)