Bethlehem u buồn vì chiến tranh
Cách đây một năm, dân chúng tại Bethlehem còn tin tưởng đến lễ Giáng sinh 2024 thì chiến tranh sẽ qua đi, nhưng nay thành phố này vẫn còn ở mùa đông của chiến tranh.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Bethlehem cũng như phần còn lại trên toàn lãnh thổ của người Palestine tiếp tục ở trong tình trạng u buồn vì chiến tranh tại Gaza. Hiện nay, không có những cây thông Giáng sinh được trang trí, không có những tiếng đàn ca và tiếng hát, cũng như không có các hang đá, vốn được bố trí tại Quảng trường Máng Cỏ để chào mừng các du khách. Quảng trường này ở giữa Văn phòng của Thị trưởng và Nhà thờ Giáng sinh ngày nay đầy những xe taxi chờ đợi khách nhưng không có ai.
Năm nay, các vị lãnh đạo Giáo hội phần lớn muốn theo đường hướng của thành phố và quốc gia: đó là không có những “hoành tráng” bề ngoài, đàn ca tiếng hát hoặc những buổi lễ long trọng công cộng. Các tín hữu được khuyến khích mừng lễ Chúa Giáng sinh trong khuôn khổ thánh đường. Tuy nhiên, các vị chống lại cảm tưởng các tín hữu Kitô muốn hủy bỏ lễ Giáng sinh. Cha sở địa phương Rami Askarieh nói với phái viên hãng tin Công giáo Đức KNA rằng: “Chúng tôi đang cử hành đại lễ của Vua Hòa bình, vốn là đại lễ hy vọng của mọi người”. Tại Bethlehem, các tín hữu Kitô vẫn còn chiếm một phần ba dân số, mặc dù con số này đã giảm sút. Họ chịu đau khổ nhiều vì hậu quả của chiến tranh và khủng hoảng trong vùng.
Từ sau cuộc tấn công khủng bố, hôm mùng 07 tháng Mười năm 2023 của Hamas, Israel đã phong tỏa miền Cisjordani của người Palestine. Điều này có nghĩa là phần lớn những người Palestine thường tới Jerusalem để làm việc hằng ngày, nay trở thành những người thất nghiệp và không còn lợi tức nữa. Thêm vào đó, vì hầu như không còn du khách và tín hữu hành hương, hậu quả của tình trạng thiếu an ninh, nên ngành du lịch, vốn chiếm 60% kinh tế của thành Bethlehem, nay bị sụp đổ và tạo nên hậu quả thê thảm, đặc biệt là các tín hữu Kitô, vì 90% trong số họ đều hoạt động trong lãnh vực này.
Sự sụp đổ kinh tế vừa nói, người ta thấy rõ tại thành Bethlehem, nơi Chúa Giêsu sinh ra: các khách sạn đóng cửa, nhiều quán ăn không thể mở cửa hoặc chỉ mở vài giờ. Quảng trường trước Nhà thờ Giáng sinh, vốn có từ 1.500 năm nay trở nên trống vắng, khác với trước được đông đảo các tín hữu hành hương. Chỉ có hai nhân viên cảnh sát đợi ở cửa ra vào, vài du khách xuống hang đá, nơi Chúa Cứu Thế sinh ra, khác hẳn với trước kia tín hữu thường phải chờ đợi cả tiếng đồng hồ mới đến lượt mình được vào đó để kính viếng.
Chiến đấu cho hy vọng
Chung quanh thánh đường, hầu hết các cửa tiệm bán đồ thủ công, đồ kỷ niệm, các ảnh tượng Giáng sinh, nay đều đóng cửa. Những người làm đồ thủ công thất nghiệp vì không có khách hàng. Một người chủ tiệm, ông Rony ở đầu đường, đang cố gắng tìm cách bán các đồ kỷ niệm này ra nước ngoài, ông nhất định không muốn từ bỏ hy vọng.
Nữ tu Aleya thuộc Bệnh viện Nhi đồng của Caritas ở mạn bắc thành Bethlehem cũng cố gắng để gìn giữ hy vọng, bên cạnh bức tường cao tám mét cũng là biên giới với Israel. Bệnh viện này mỗi năm chữa trị khoảng 50.000 trẻ em Palestine và là nhà thương chuyên môn duy nhất trên lãnh thổ của Palestine, không những với chất lượng y tế cao độ. Điều thiết yếu là chăm sóc cho các bệnh nhân cả về mặt nhân đạo: các em bệnh nhân và thân nhân thường phải vượt qua bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu trạm kiểm soát của Israel mới đến được nhà thương nhi đồng này, và hầu hết họ là người Hồi giáo.
Chiến tranh trở thành tập quán
Hãng tin Công giáo Đức cũng nhận định rằng dân chúng trở nên quen thuộc với chiến tranh và nhiều người nản chí trước những khó khăn, theo nhận xét của một Bề trên một hội dòng người Ấn Độ. Cha nói: “Chúng tôi cố gắng mang lại hy vọng phần nào qua sự săn sóc và qua đó cũng bày tỏ tình thương của Chúa”. Trên nguyên tắc, thành Bethlehem phải đương đầu với tình trạng bấp bênh giống như cách đây 2.000 năm, khi Chúa Giêsu sinh ra trong chuồng súc vật.”
Thánh lễ Giáng sinh, ngày 24 tháng Mười Hai, theo niên lịch Latinh, được cử hành theo những quy luật nghiêm ngặt. Chiều hôm đó, Đức Thượng phụ Pierbattista Pizzaballa đến Bethlehem và đi rước theo Con đường Ngôi Sao đến Nhà thờ Giáng sinh. Đi trong đoàn rước, có các nhóm hướng đạo sinh. Năm nay, không có kèn trống và ca đoàn. Đức Thượng phụ chào thăm ông Thị trưởng và các chức sắc của Giáo hội tại Quảng trường Máng Cỏ, trước khi tiến vào Nhà thờ Giáng sinh.
Năm nay, không có vé được phát cho lễ đêm Giáng sinh tại nhà thờ thánh nữ Catarina, trái ngược với những năm trước đây. Tín hữu nào cũng có thể đến dự lễ, đặc biệt là các tín hữu ở địa phương, nhưng cũng có các công nhân viên nước ngoài cũng như các nhà ngoại giao hoạt động ở vùng Tel Aviv. Hàng ghế đầu trong thánh đường được dành cho chính quyền Palestine. Người ta không rõ Tổng thống Mahmoud Abbas có đích thân dự lễ năm nay hay không, điều chắc chắn là ông không cần vé.
(KAP 17-12-2024)