Tổ chức Đông phương lo âu cho Syria

Photo: FB/ L'Œuvre d'Orient

Tổ chức từ thiện “Công giáo Đông phương”, L’Oeuvre d’Orient, chuyên trợ giúp các tín hữu Kitô ở Trung Đông từ gần 170 năm nay, bày tỏ lo âu vì Liên hiệp Âu châu tiếp tục đối xử ngặt nghèo đối với nhân dân Syria, với mục đích chống chế độ của Tổng thống Assad tại nước này, mặc dù Syria đã trải qua thảm trạng chiến tranh từ 12 năm nay.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Hôm 14 tháng Sáu vừa qua, Chương trình lương thực thế giới, gọi tắt là PAM của Liên Hiệp Quốc, loan báo giảm bớt một nửa tài trợ. Hôm sau đó, ngày 15 tháng Sáu, tại Bruxelles bên Bỉ, Hội nghị kỳ VII, các nước ân nhân đã quyên góp được năm tỷ 600 triệu Euro để giúp nhân dân Syria, nhưng Liên hiệp Âu châu tái khẳng định thái độ cứng gắn đối với nhà cầm quyền Assad và vẫn tiếp tục chính sách cấm vận chống nước này.

Trong bối cảnh đó, các tổ chức Kitô hiện diện tại Syria báo động về thảm trạng của nhân dân nước này. Không có chương trình tái thiết nào được đề ra sau 12 năm chiến tranh. “Tại các thành phố, như Homs, Alep, Deir Ez-Zor hoặc Raqqa, cuộc sống vẫn chưa được phục hồi. Những nơi này đã bị tàn phá cao độ và việc tái thiết chưa hề được đặt ra, tuy rằng những cuộc giao tranh tại đây đã kết thúc từ bảy năm nay”.

Ông Vincent Gelot, Giám đốc phân bộ Syria của tổ chức Đông phương, bày tỏ đau buồn và phẫn nộ vì quyết định của Tổ chức lương thực quốc tế giảm bớt trợ giúp cho dân chúng đã bị thử thách quá nhiều vì nạn xuất cư, chết chóc, dội bom, và thiếu thốn. Trước trận động đất ngày 06 tháng Hai năm nay ở vùng biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, 12 trong số 21 triệu dân Syria bị nạn đói đe dọa theo tổ chức lương thực thế giới. “Việc cứu trợ nhân đạo rất yếu so với nhu cầu lớn lao của dân chúng phải di tản, và chúng tôi cảm thấy bất lực”.

Ông Gelot cũng chào mừng hoạt động thật đáng ca ngợi của các hiệp hội địa phương trong những điều kiện bi thảm, không có điện, cũng chẳng có xăng dầu. Đó là những lực lượng duy nhất còn sinh động.

Tổ chức Đông phương cũng lo âu về tình trạng sức khỏe thể lý, tinh thần và tâm linh của các cộng đồng tôn giáo tại địa phương. Một thiểu số Kitô có từ 2.000 năm nay đang chịu đau khổ và đang trên đường biến mất từ nay cho đến năm 2060. Theo tổ chức này, trước chiến tranh, có khoảng hai triệu tín hữu Kitô tại Syria, nhưng nay chỉ còn lại từ 500.000 đến 600.000 người. Thành phố Alep có 150.000 tín hữu Kitô trước chiến tranh, nhưng nay chỉ có 25.000 người, trong đó chỉ còn khoảng 4.000 người ở lứa tuổi từ 18 đến 30 tuổi.

(Vatican News 21-6-2023)

Tags