Phát động chiến dịch mới yêu cầu trả tự do cho Đức cha Rolando Álvarez tại Nicaragua
Một chiến dịch quốc tế mới đang được phát động để yêu cầu nhà cầm quyền Nicaragua trả tự do cho Đức cha Rolando Álvarez, Giám mục Giáo phận Matagalpa, bị nhà nước độc tài kết án 26 năm bốn tháng tù về tội gọi là “phản quốc”.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Chiến dịch do ông Felix Maradiaga, cựu tù nhân chính trị, cựu ứng viên tổng thống Nicaragua, phát động trong dịp ông tham dự Diễn đàn tự do thứ 15 (Oslo Freedom Forum) cùng với những người bênh vực nhân quyền từ các nơi trên thế giới, nhóm tại Genève, Thụy Sĩ. Chiến dịch mang tựa đề “Chấm dứt sự giam cầm độc đoán”.
Trong một Video truyền đi trên tài khoản Twitter của mình, ông Maradiaga nói rằng: “Như chúng tôi đã thông báo tại Genève, trong dịp này, chúng tôi bắt đầu một chiến dịch hoàn cầu chống lại sự giam cầm độc đoán vị giám mục của chúng tôi, Rolando Álvarez, đang bị cầm giữ tại Nicaragua”.
Đức cha Álvarez bị bắt từ ngày 10 tháng Hai năm nay. Ngài đã từ chối đi cùng nhóm 222 người bị nhà nước Nicaragua trục xuất sang Mỹ, và muốn ở lại với 37 tù nhân chính trị khác và họ vẫn còn bị cầm tù trong nước.
Trong 5 năm gần đây, chế độ của Tổng thống Daniel Ortega đã tấn công Giáo hội ít nhất 529 lần, trong đó có 90 vụ năm nay, theo phúc trình của nữ chuyên gia Martha Patricia Molina với tựa đề “Nicaragua, phải chăng là một Giáo hội bị bách hại?”.
Trong Phúc trình có nói đến vụ cầm tù Đức cha Álvarez, vụ trục xuất 32 nữ tu ra khỏi Nicaragua, bảy cơ sở của Giáo hội bị chế độ tịch thu và nhiều cơ quan truyền thông bị đóng cửa. Trong những ngày gần đây, nhà nước chiếm hữu tài sản của 222 người bị trục xuất, và trước đó đã hủy bỏ quốc tịch Nicaragua của họ.
Trên trang mạng trình bày chiến dịch hoàn cầu vừa nói, có giải thích rằng mục đích chiến dịch là cổ võ một hiệp ước quốc tế cấm sự giam cầm độc đoán những người tham gia các hoạt động chính trị: “Chúng tôi tập trung vào việc bảo vệ những người tranh đấu cho các quyền con người, những người đối lập và các chính trị gia đứng trước các chế độ độc tài sử dụng các biện pháp giam cầm độc đoán, như phương thế bóp nghẹt những tiếng nói phê bình”.
Chiến dịch “Chấm dứt giam cầm độc đoán” cũng nhận xét rằng những vụ bắt bớ trái phép và giam cầm chính trị là một vấn đề nghiêm trọng, lan rộng trên thế giới: Từ Cuba đến Venezuela, Nicaragua, Trung Quốc, Nga, và các chế độ độc đoán khác, hàng ngàn người bị giam giữ bất công vì tranh đấu cho dân chủ và các quyền con người”.
“Tuy đã có các hiệp định quốc tế bảo vệ các quyền con người, nhưng chúng tôi tin rằng một sự dấn thân mạnh mẽ và tập trung hơn sẽ đòi hỏi hữu hiệu hơn trong việc bài trừ bệnh dịch hoàn cầu này”.
(CNA Đức 17-6-2023)