Phút Cầu Nguyện, Thứ Bảy 23/09/2023: Trao tặng tình yêu
Quý ông bà và anh chị em thân mến,
Có lẽ nhiều người trong chúng ta biết đến bức ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu – bức ảnh Chúa Giêsu với trái tim để lộ ra bên ngoài. Có một câu chuyện về bức ảnh đó được kể lại như sau:
Vào năm 1597, lệnh bắt đạo Công giáo được thực hiện gắt gao trên đất Nhật. Ở một vùng nọ, người ta bắt được hai linh mục trẻ và tịch thu nhiều ảnh tượng đưa về Tokyo để xử lý. Khi xem xét các ảnh tượng đó, một vị quan đã chú ý đến một bức ảnh có hình một người để trái tim đỏ thắm ra bên ngoài. Ông lẩm bẩm:
- Bức ảnh thật kỳ cục, người gì mà để trái tim ra bên ngoài như vậy?
Rồi tiện tay, ông quăng tấm ảnh đó vào sọt rác. Thế nhưng, hình ảnh kỳ lạ đó vẫn còn vương vấn trong suy nghĩ của ông. Tối đến, ông nhặt bức ảnh từ sọt rác ra, để trên bàn làm việc của mình và ngồi đó, vừa ngắm bức ảnh vừa suy nghĩ. Thật lâu sau, ông thở ra nhẹ nhàng rồi cầm cây bút lông ghi dưới bức ảnh mấy chữ: “đối ngoại hữu kỳ tâm - đối nội vô tâm giả”, có nghĩa là: “Người có trái tim ở bên ngoài, bên trong không có trái tim”. Rồi từ đó, ông luôn kính cẩn để bức ảnh đó trên bàn làm việc của mình.
Một hôm, một người bạn của ông đến chơi, nhìn thấy bức ảnh thì tỏ vẻ ngạc nhiên. Vị quan đã giải thích rằng:
- Tôi thích bức ảnh này vì theo tôi, nó có giá trị về mặt văn hóa và nhân đạo rất cao. Ông xem, người trong ảnh để trái tim của ông ta ra bên ngoài, nghĩa là bên trong ông ta không còn giữ trái tim nữa. Đây lại là bức ảnh của người Kitô giáo. Có lẽ nó nói lên cách sống của người Kitô giáo đó là đem trái tim của mình ra trao tặng và giúp ích cho đời; còn bản thân thì không giữ trái tim lại để lo cho tư lợi của chính mình nữa. Một tôn giáo dạy quên mình đi để yêu thương, phục vụ mọi người, thì sao không đáng để người đời trân trọng?
Người bạn này nghe xong thì tâm trí cũng được đánh động. Hai ông càng trở nên thân thiết hơn và sau đó đã âm thầm nhận phép rửa tội.
Quý ông bà và anh chị em thân mến!
Vị quan và người bạn của mình đã bị lôi cuốn và bị chinh phục bởi bức ảnh về con tim được trao cho người khác, chứ không giữ lại cho riêng mình. Đối với ông, trái tim – nơi luân chuyển những dòng máu để duy trì sự sống là thứ quý nhất của con người, mà có người không giữ lại cho riêng mình đem trao tặng cho người khác là điều hết sức kỳ lạ và kỳ diệu. Thật vậy, theo lẽ thường và kinh nghiệm hằng ngày trong cuộc sống, chúng ta thường muốn dành cái quý nhất cho mình rồi phần còn lại mới tới người khác. Chẳng hạn, có công việc làm tốt hơn, có phần lợi nhuận cao hơn, nhiều lúc chúng ta sẽ tranh thủ giữ cho mình, phần kế đó mới giới thiệu cho người khác. Lắm khi, với thời gian có được trong ngày, chúng ta cũng sẽ tranh thủ lo cho xong hết công việc của mình rồi mới dành thời gian rảnh rỗi cho người khác. Tuy nhiên, với những người mà chúng ta yêu thương nhất, và những người thật sự quan trọng và có ý nghĩa nhất, chúng ta sẽ sẵn sàng dành phần lợi tốt nhất, công việc tốt nhất và thời gian nhiều nhất cho họ. Do vậy, yêu hay không yêu và mức độ nhiều hay ít có thể được nhận biết qua cách thức và những gì mà chúng ta trao gửi cho nhau.
Con người chúng ta yêu nhau như vậy đó. Nhưng cách mà Thiên Chúa yêu chúng ta thì hoàn toàn khác. Tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta là tình yêu trao hiến điều quý giá nhất của Người: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16). Đó là tình yêu tự hiến chính bản thân và “hiến mạng sống vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Tình yêu đó, Người trao ban cho cả nhân loại, không phân biệt đối tượng được yêu hay không được yêu, yêu nhiều hay ít, tội lỗi hay thánh thiện, xứng đáng hay bất xứng. Tình yêu đó chính là tình yêu của người đặt trái tim ra ngoài lồng ngực mình để ấp iu tất cả nhân loại và để nhân loại nhận biết được tình yêu của Người.
Chỉ nhìn thấy bức ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu thôi mà đã có người được thu hút và được ơn biến đổi. Còn chúng ta, đã bao lần được chạm đến trái tim yêu thương đó của Chúa và bao nhiêu lần được Người ôm ấp vào trái tim đó để chở che và tha thứ, trái tim chúng ta có được biến đổi và có dám yêu theo cách Chúa đã yêu mình hay chưa?
Lạy Chúa, nơi lạnh lẽo nhất là nơi thiếu vắng tình yêu. Vì thiếu vắng tình yêu mà nhiều mái ấm gia đình trở nên lạnh lẽo, nhiều cộng đoàn không thể thuận hòa và người với người khó xích lại gần nhau. Xin tình yêu nơi Thánh Tâm Chúa ngự trị và sưởi ấm con tim của chúng con, để chúng con cũng biết yêu thương mọi người và hy sinh quên mình vì hạnh phúc của tha nhân. Amen.
Nt. Rosa Lê Ngọc Thùy Trang, MTGCQ.