Công bố Sứ điệp Đức Thánh cha cho Ngày Thế giới cầu cho việc bảo toàn thiên nhiên

Image by Rebekka D from Pixabay

Đức Thánh cha Phanxicô kêu gọi mọi Kitô hữu hãy thay đổi tâm thức, lối sống và các chính quyền hãy cải tiến các chính sách để bảo vệ trái đất như căn nhà chung của nhân loại.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đức Thánh cha đưa ra lời kêu gọi trên đây, trong Sứ điệp công bố sáng ngày 25 tháng Năm vừa qua, để chuẩn bị cho Ngày Thế giới cầu nguyện cho sự chăm sóc thiên nhiên, sẽ được cử hành vào ngày 01 tháng Chín năm nay, với chủ đề: “Hãy để cho công lý và hòa bình tuôn chảy”, một câu lấy hứng từ lời ngôn sứ Amos: “Ta chỉ muốn cho lẽ phải như nước tuôn trào, cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn” (5,24).

Sứ điệp được trình bày trong cuộc họp báo tại Phòng Báo chí Tòa Thánh, do Đức Hồng y Michael Czerny, Bộ trưởng Bộ Phát triển nhân bản, chủ tọa, cùng ba vị thuộc phong trào “Laudato sì”.

Trong Sứ điệp, Đức Thánh cha nhắc đến thảm trạng môi trường hiện nay trên thế giới: “quá nhiều người không được uống nơi dòng sông ‘công lý và hòa bình’. Nhiều người là nạn nhân của những bất công về môi trường và khí hậu. Vì thế, cần phải chấm dứt cuộc chiến tranh điên rồ chống lại thiên nhiên. “Những sa mạc bên ngoài gia tăng trên thế giới, vì những sa mạc nội tâm trở nên quá rộng lớn” (Biển Đức 16, bài giảng khai mạc sứ vụ Phêrô 24-4-2005). Trào lưu duy tiêu thụ tham lam, được nuôi dưỡng bằng những con tim ích kỷ, đang đảo lộn chu kỳ nước trên trái đất. Việc sử dụng vô độ các nguyên liệu phiến thạch và phá rừng cây đang làm cho nhiệt độ gia tăng và tạo nên hạn hán trầm trọng. Tình trạng thiếu nước kinh khủng ngày càng ảnh hưởng đến các gia cư của chúng ta, từ các cộng đoàn bé nhỏ ở nông thôn đến các thành phố lớn. Ngoài ra, công nghệ săn mồi đang làm tiêu hao và ô nhiễm các nguồn nước uống của chúng ta, vì các hoạt động cực đoan, như sự ngăn chặn các nguồn nước để khai thác dầu khí, chăn nuôi thâm canh.

Trong Sứ điệp, nhắc đến “Mùa Thiên nhiên” được cử hành trong các Giáo hội Kitô, từ ngày 01 tháng Chín đến ngày 04 tháng Mười, lễ thánh Phanxicô Assisi, Đức Thánh cha đặt câu hỏi: “Chúng ta có thể góp phần vào con sông lớn công lý và hòa bình trong “Mùa Thiên nhiên” này thế nào? Chúng ta, nhất là các Giáo hội Kitô, chúng ta có thể làm gì để chữa lành căn nhà chung của chúng ta, làm sao để sự sống được sung túc? Thưa, chúng ta phải quyết định biến đổi con tim, lối sống của chúng ta, và những chính sách công cộng điều hành các xã hội chúng ta”.

Và Đức Thánh cha lần lượt trình bày ba điểm đó. Trước tiên là phải thay đổi tâm thức, canh tân tương quan của chúng ta với thiên nhiên, để không coi nó như một đối tượng để khai thác bóc lột, trái lại, chúng ta gìn giữ thiên nhiên như một hồng ân thánh thiêng của Đấng Tạo Hóa”.

Thứ hai là “thay đổi lối sống của chúng ta. Đi từ sự ngưỡng mộ biết ơn đối với Đấng Tạo Hóa và thiên nhiên, chúng ta thống hối những “tội lỗi sinh thái” của chúng ta. Những tội này gây hại cho thế giới thiên nhiên và cả các anh chị em chúng ta. Với sự trợ giúp của ơn Chúa, chúng ta chấp nhận lối sống bớt phung phí, bớt tiêu thụ vô ích, nhất là những tiến trình sản xuất độc hại và không bền vững. Chúng ta cố gắng hết sức chú ý đến những tập quán và chọn lựa kinh tế của chúng ta, để tất cả mọi người có thể tốt hơn: cho đồng loại của chúng ta, bất luận họ ở đâu, và cho con cháu chúng ta”.

Sau cùng, Đức Thánh cha kêu gọi thay đổi các chính sách công cộng điều hành các xã hội chúng ta và uốn nắn cuộc sống của người trẻ ngày nay và tương lai. Thay đổi những chính sách kinh tế chỉ dành cho thiểu số những người giàu sang gây gương mù và để cho nhiều người phải chịu những điều kiện sống suy thoái, chấm dứt hòa bình và công lý. Hiển nhiên là các nước giàu hơn đã tích lũy “một món nợ sinh thái” (Laudato sì, 51). Các vị lãnh đạo thế giới hiện diện tại Hội nghị Thượng đỉnh COP28 sẽ nhóm tại Dubai, từ ngày 30 tháng Chín đến ngày 12 tháng Mười Hai năm nay, phải lắng nghe khoa học và bắt đầu một tiến trình thay đổi mau lẹ và công bằng để chấm dứt kỷ nguyên các nhiên liệu phiến thạch”.

(Rei 25-5-2023)

Tags