Tình trạng Kitô hữu ở biên giới Bắc Israel và Nam Liban

Photo: osservatoreromano.va

Dân chúng tại miền bắc Israel và miền nam Liban sống trong bất an và sợ hãi, với những người chết và bị thương, nhưng vùng này chưa trở thành mặt trận thứ hai trong khi mặt trận tại Gaza tiếp tục ở cao độ sau hơn 75 ngày.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Hezbollah, có hàng ngàn chiến binh và kho đạn rocket dồi dào ở miền nam Liban. Họ tuyên bố sẽ can thiệp ồ ạt nếu Israel gửi quân vào mặt trận Gaza. Tuy có lời tuyên bố này, nhưng cho đến nay chỉ xảy ra những cuộc pháo kích và trả đũa giữa hai phe ở vùng biên giới nam Liban. Những còi báo động hụ nhiều lần trong ngày ở các thành thị Israel vùng biên giới. Có những cuộc song đấu giữa pháo binh Israel và Hezbollah, hoặc các cuộc oanh kích của máy bay Israel hầu như hằng ngày.

Con số các nạn nhân về phía Liban cao hơn, như Đức Hồng y Bechara Rai Thượng phụ Công giáo Maronite mới đây đã than phiền. Ngài thường lên tiếng hằng ngày ở nhà thờ, và những cuộc tấn công võ trang của Israel vào các làng mạc ở miền nam Liban tạo nên cảnh chết chóc mỗi ngày.

Bên phía Israel, có 42 thành thị và làng mạc của Israel ở vùng biên giới phía bắc với Liban đã bị di tản. Dân cư sống trong các khách sạn ở những vùng an toàn hơn thuộc Israel, kể cả tại Jerusalem. Và Israel nhấn mạnh rằng họ sẽ không rút lui cho đến khi những kẻ khủng bố thuộc dân quân Hezbollah không rút khỏi vùng sông Litani, cách đó khoảng 40 cây số.

Bộ trưởng quốc phòng của Israel, ông Yoav Gallan nói trong một cuộc viếng thăm ở miền bắc Israel rằng họ chuẩn bị trục xuất, bằng các biện pháp quân sự, những tên khủng bố khỏi vùng biên giới với Israel.

Tuy nhiên, ông Sayyed Hashem Safieddine, Chủ tịch Hội đồng chấp hành của Hezbollah, tuyên bố cách đây một tuần rằng tổ chức của ông không muốn mở rộng những xung đột biên giới hiện nay với Israel. Israel cũng tuyên bố tương tự. Nhưng những vụ chạm súng và tấn công diễn ra hằng ngày, giống như chơi bóng bàn.

Hãng tin Công giáo Đức KNA cho biết ông Georg Roewekamp, giám đốc nhà trọ ở Tabgha của hiệp hội Đức ở Thánh địa, nói rằng: “Tình trạng ở đây cũng căng thẳng; mỗi ngày, đều có chuyện xảy ra. Nhiều khi chúng tôi cũng nghe các tiếng bom đạn từ xa, tiếng máy bay, âm vang của bom nổ từ phía đường dẫn đến Biển Galilea.

Trong khi đó, các tín hữu Kitô ở vùng Galilea đặc biệt lo âu. Trái với các cộng đoàn Do thái vùng biên giới phía bắc, các cộng đoàn Arập và hỗn hợp chưa di tản. Và dầu sao những cộng đoàn ở ngay biên giới thì bị cấm lui tới. Điều này cũng được áp dụng cho nhà thờ cổ kính tại làng Baram, vốn bị quân đội Israel buộc di tản hồi năm 1948. Nếu không bị cấm, thì các thành cộng đoàn vẫn đến đây mỗi Chúa nhật để dự lễ.

Như hậu quả của chiến tranh, tương quan giữa các nhóm chủng tộc, đặc biệt giữa người Israel Arập và Israel Do thái ngày càng trở nên căng thẳng. Các tín hữu Kitô cảm thấy điều này mạnh mẽ hơn. Ít người trong họ hiểu sự tự vệ của người Israel tại Gaza.

(KNA 19-12-2023)