Giới báo chí tìm kiếm thông tin nơi các Hồng y

Giới báo chí Ý và quốc tế đăng ký cạnh Phòng Báo chí Tòa Thánh đã lên tới hơn 3.000 người trong những ngày qua. Họ “săn” tin nơi các Hồng y và báo chí cũng viết về các Hồng y mà họ cho là có thể được bầu làm vị Giáo hoàng thứ 267 của Giáo hội Công giáo.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Đức Hồng y Rainer Maria Woelki, Tổng giám mục Köln, giáo phận lớn nhất và giàu nhất ở Đức, cho rằng mật nghị này cần nhiều ngày hơn để bầu được vị Giáo hoàng mới. Nhưng một số vị khác, như Đức Hồng y Reinhard Marx, Tổng giám mục Munich, Chủ tịch Hội đồng kinh tế của Tòa Thánh, cho rằng mật nghị sắp tới để bầu Giáo hoàng sẽ “kéo dài vài ngày”. Và theo ngài, vị Giáo hoàng mới phải là người có “khả năng truyền thông và phải đặt sự uy tín của Tin mừng ở trung tâm”. Nói khác đi, vị tân Giáo hoàng phải tiếp tục đường hướng của Đức Cố Giáo hoàng.
Vị Hồng y người Đức thứ ba là Gerhard Müller, 78 tuổi, nguyên Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, đã trả lời phỏng vấn của báo La Reppublica, Cộng Hòa, ở Ý, và đưa ra những nhận xét về triều đại của Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng như những gì Đức Giáo hoàng mới cần thực hiện. Đức Hồng y nói:
“Mỗi Giáo hoàng phải phục vụ sứ mạng của Thánh Phêrô: là servus servorum Dei, tôi tớ các tôi tớ của Thiên Chúa. Giáo hoàng tương lai không phải là kế vị người tiền nhiệm, nhưng là kế vị thánh Phêrô. Tất cả phải nhớ rằng chúng ta là nhiệm thể của Chúa Kitô, chứ không phải là một tổ chức quốc tế về nhân đạo và xã hội. Điều này làm hài lòng rất nhiều người tục hóa, những người thuộc giới ưu tú, giới tài phiệt. Họ muốn Đức Giáo hoàng như một biểu tượng tôn giáo của họ, nhưng Đức Giáo hoàng không phải là một biểu tượng của tôn giáo bị tục hóa”.
Đức Hồng y Müller cũng nhận định rằng: “Một chương trong lịch sử Giáo hội đã khép lại. Hiển nhiên, phán xét chung kết là của Chúa, chúng ta không thể phán xét con người. Trái lại, nếu chúng ta nói về một triều đại Giáo hoàng, thì có những ý kiến khác nhau. Tất cả đều đồng thanh đánh giá cao sự dấn thân của Đức Giáo hoàng Phanxicô với những người di dân, người nghèo, và để vượt thắng những chia rẽ giữa trung tâm và ngoại vi. Nhưng đàng khác, trong một số lúc, ngài hơi mơ hồ, ví dụ khi ngài nói với ông Eugenio Scalfari (Sáng lập báo La Repubblica và là đại biểu quốc hội Ý), ngài đã nói về sự sống lại. Với Đức Giáo hoàng Biển Đức, chúng ta đã có một sự rõ ràng tuyệt hảo về thần học, nhưng mỗi người có đoàn sủng riêng và những khả năng riêng, và tôi nghĩ Đức Giáo hoàng Phanxicô có nhiều đoàn sủng về mặt xã hội”.
Trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng y Müller cũng nói rằng: “Các giám mục có một quyền bính mà ta không thể lẫn lộn với khả năng của tất cả các tín hữu đã chịu phép rửa được nói. Dân chúng nói bây giờ Đức Giáo hoàng đã thay đổi Giáo hội từ chế độ chuyên quyền, autocrazia, sang chế độ democrazia, dân chủ. Nhưng tiền đề này sai lầm, vì lẫn lộn Giáo hội với một tổ chức chính trị, như thể Giáo hội là một Diễn đàn kinh tế thế giới hoặc Liên Hiệp Quốc.
Về việc cai quản các Bộ của Tòa Thánh, Đức Hồng y Müller nói: “Tôi nghĩ rằng đối với những tổ chức hành chính, như Phủ Thống đốc Vatican, thì không có vấn đề gì, khi các cơ quan này do giáo dân điều hành, nhưng Giáo triều Roma, là một tổ chức Giáo hội”.
Sau cùng, về chính sách ngoại giao của Đức Giáo hoàng Phanxicô, tuy nhìn nhận rằng cả trong những mối tương quan với các kẻ mạnh như Trung Quốc, “ta phải tìm một biện pháp dung hòa, thỏa hiệp” nhưng đối với Đức Hồng y Müller, “chúng ta không thể phản bội các nguyên tắc đức tin của chúng ta, chúng ta không thể chấp nhận để cho những người cộng sản bổ nhiệm các giám mục”.
(fanpage.it 25-4-2025)
Trực tiếp
