Đức Hồng y Koch: Chướng ngại chính đối thoại đại kết là các vấn đề luân lý
Đức Hồng y Kurt Koch, Bộ trưởng Bộ Hiệp nhất các tín hữu Kitô, nói rằng những chướng ngại chính trong cuộc đối thoại đại kết giữa các Giáo hội Kitô hiện nay là những lập trường khác biệt về các vấn đề luân lý đạo đức.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Trong cuộc phỏng vấn dành cho trang mạng “Communio.de” ở Đức hôm 19 tháng Tư vừa qua, Đức Hồng y Koch, người Thụy Sĩ Đức, nhấn mạnh rằng nếu các Giáo hội không có cùng một tiếng nói về những vấn đề cơ bản như sự sống và sự sống chung, thì tiếng nói Kitô trong các xã hội bị tục hóa ở Âu châu ngày càng trở nên yếu ớt hơn. Đức Hồng y cũng phê bình văn kiện mới nhất do Hội đồng Giám mục Công giáo Đức và Giáo hội Tin lành Đức, gọi tắt là EKD, cùng soạn thảo.
Văn kiện được công bố hồi trung tuần tháng Ba vừa qua, với tựa đề “Cụ thể hữu hình hơn trong sự hiệp nhất và hòa giải hơn trong sự khác biệt” (Mehr Sichtbarkeit in der Einheit und mehr Versöhnung in der Verschiedenheit).
Đức Hồng y nói: Văn kiện này thiếu sự rõ ràng về mục đích của phong trào đại kết. Mặc dù văn kiện khẳng định rằng không có sự hiệp nhất trọn vẹn của các Giáo hội, nhưng không có chỗ nào trong văn kiện chung xác định sự hiệp nhất trọn vẹn có nghĩa là gì và làm thế nào tiến trình được mô tả trong văn kiện có thể dẫn đến mục tiêu đó.
Đức Hồng y Koch nhận định rằng khi Văn kiện nói về hiệp nhất, thì đồng thời minh định một cách có lý rằng hiệp nhất không thể có nghĩa là đồng nhất. Nhưng đàng khác, văn kiện không nhìn nhận rằng sự khác biệt đang biến thành một sự đa nguyên thuần túy và không liên hệ gì. “Tôi thấy dường như văn kiện này thích sự khác biệt và sự hiệp nhất. Điều thích hợp ở đây là một sự quân bình”.
Đức Hồng y Koch chào mừng quyết tâm của hai khối Giáo hội tìm cách đối thoại với nhau, trước khi đưa ra những quyết định quan trọng. Đặc biệt các vấn đề luân lý đạo đức gây tranh luận như an tử, hay là làm cho chết êm dịu, hoặc phá thai, ngày càng gây căng thẳng và rõ ràng giữa hai bên, tình trạng này đòi phải đối thoại khẩn trương hơn.
Đức Hồng y nói thêm rằng “Trong những thập niên đầu tiên, khẩu hiệu của phong trào đại kết là: ‘đức tin chia rẽ, hoạt động liên kết’. Nhưng ngày nay thì ngược lại, chúng ta phải nhìn nhận điều trái ngược mới đúng: các tín hữu Công giáo và Tin lành trở nên gần nhau hơn nhiều vấn đề đức tin, nhưng những khác biệt mới nảy sinh trong lãnh vực luân lý đạo đức. Phong trào đại kết phải quan tâm hơn nữa đến các vấn đề này, vì các Giáo hội, nếu không có chung một tiếng nói về các vấn đề cơ bản của cuộc sống và sự sống chung, thì tiếng nói Kitô trong các xã hội tục hóa ở Âu châu ngày càng yếu ớt hơn”.
Đức Hồng y Koch kêu gọi làm sao để phong trào đại kết không chỉ giới hạn giữa Giáo hội Công giáo và Tin lành, nhưng cần để ý hơn đến các Giáo hội Chính thống, Chính thống Đông phương và những Giáo hội gọi là “Giáo hội tự do”.
(Ekai 19-4-2024)