Chuyên gia Liên Hiệp Quốc: Người ta làm giàu trên xương máu người dân Gaza
Một chuyên gia của Liên Hiệp Quốc, ông Riccardo Bocco, tố giác chính sách dùng nạn đói như khí giới và những kẻ làm giàu trên người dân tại Gaza.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Sáu tháng sau cuộc xung đột giữa Israel và Hamas, thảm trạng nhân đạo ngày càng gia tăng và nạn đói được sử dụng như một võ khí chính trị, như ông Jemery Laurence, Phát ngôn viên của Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố hôm 19 tháng Ba vừa qua.
Ông Bocco, từ 28 năm qua (1996), đã đến Gaza hàng trăm lần trong các chương trình nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc. Ông Bocco vốn là một cựu giáo sư xã hội học và nhân học tại Học viện Cao đẳng quốc tế và phát triển (IHEID) ở Genève, Thụy Sĩ. Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, hôm 22 tháng Ba, ông đã nói về những khó khăn trong việc đưa đồ cứu trợ cho dân chúng tại Gaza. Ông nói: “Phần lớn các đồ này đến từ Ai Cập, được chất lên các xe tải do người Ai Cập cầm lái. Khi đến biên giới, các xe được gửi đến Kerem Shalom hoặc một trạm kiểm soát khác của Israel. Tại đây, Israel áp dụng một thủ tục rất lâu dài. Sau khi được sự chấp thuận của chính quyền Israel ở biên giới Rafah, thì có những xe tải khác đến và các đồ cứu trợ được chuyển từ các xe Ai Cập. Có những xe tải Palestine thuộc Liên Hiệp Quốc, và cũng có những xe khác của các công ty tư Palestine. Năm công ty tư như thế hoạt động chủ yếu tại miền bắc Gaza, dưới sự kiểm soát của Israel. Tại Israel, chính những người của Hamas đảm bảo an ninh cho các đoàn xe đó, trong khi ở miền bắc thì có một thứ “an ninh tư”. Họ đến địa phương để bán các sản phẩm lương thực của họ cho các thương gia với giá đắt hơn nhiều. Ví dụ, giá một ký đậu, bình thường là 0,5 Euro ở Cairo Ai Cập, thì ở Gaza giá gấp 10 lần, thành 5 Euro. Và có rất nhiều người làm trung gian từ tất cả những thứ đó.
Ông Bocco cho biết người Israel biết tất cả những điều đó và rất vui mừng vì những “mánh mung” như vậy. Còn các tác nhân của cộng đồng quốc tế, thay vì can thiệp, vì họ biết rõ, nhưng chỉ cố gắng ngưng tài trợ cho tổ chức cứu trợ Palestine, gọi tắt la Unrwa, cố gắng thương thuyết để cung cấp đồ cứu trợ.
Theo giáo sư Bocco, quyết định của Mỹ gửi quân đến Gaza để xây một cảng tạm thời và Liên hiệp Âu châu gửi đồ cứu trợ bằng tàu, chứng tỏ một sự thiếu ý chí trong việc buộc chính phủ Israel phải khuất phục: “Nếu Mỹ muốn thực sự đạt tới một sự ngưng chiến, thì biện pháp hữu hiệu nhất là ngưng cung cấp võ khí cho Israel. Từ năm 2019, Mỹ viện trợ quân sự ba tỷ 800 triệu Mỹ kim cho Israel. Số tiền ấy đi đâu? Trên mặt chính thức là gửi cho Israel, nhưng trong thực tế, tiền ấy được giao cho kỹ nghệ khí giới của Mỹ”.
Giáo Sư Bocco cũng nhận định rằng “Xét cho cùng chiến tranh tại Gaza cho thấy rõ hơn bao giờ hết chính sách “hai cân, hai lượng” trong lãnh vực quốc tế. Người ta không do dự áp đặt các biện pháp trừng phạt và cấm vận khi Nga xâm lăng Ucraina. Nhưng trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, người ta không áp dụng công pháp quốc tế một cách minh bạch và nhất quán”.
(Vatican News 22-3-2024)