Phút Cầu Nguyện, Thứ Tư 08/11/2023: Học giả và người nông dân
Có một học giả đi chu du nhiều nơi và cho rằng mình đã biết tất cả kiến thức trên đời. Ông trở về quê, thấy một người nông dân đang nhặt củi, ông ta liền khoe khoang vốn kiến thức của mình và nói: - Chào bác nông dân khốn khổ, ta đi chu du thiên hạ nhiều năm và đã được học tất cả kiến thức trên đời. Hôm nay ta về quê hương xem có gì mới không. - Ra vậy. Người nông dân chỉ đáp một câu rồi lại tiếp tục công việc. Lão học giả nói tiếp: - Thế này đi, bác hỏi tôi một câu, nếu tôi không trả lời được, thì tôi sẽ mất với bác 10 đồng. Tôi cũng hỏi bác một câu. Nếu không trả lời được, bác chỉ mất 1 đồng thôi. Bác nông dân chỉ tay lên núi và đặt câu hỏi: - Con gì khi lên núi thì đi bằng bốn chân, nhưng khi xuống núi thì bằng hai chân? Lão học giả suy nghĩ hồi lâu mà không trả lời được đành phải lấy ra 10 đồng đưa cho bác nông dân. - Vậy đó là con gì? Lão hỏi. Bác nông dân cầm lấy 9 đồng tiền, trả lại cho lão học giả 1 đồng và nói: - Rất tiếc, tôi cũng không biết.
Lúc này, lão học giả chợt hiểu ra mọi điều. Lão xấu hổ cầm tiền rồi đi một mạch ra khỏi làng. Sau này nhờ biết khiêm tốn và chịu khó học hỏi, vị học giả đó đã trở thành một giáo sư nổi tiếng nhưng trong lòng ông vẫn nhớ mãi bài học của người nông dân ở quê hương mình năm xưa.
Quý vị và các bạn thân mến,
Kiến thức được ví như đại dương mà những điều ta nhận biết chỉ như giọt nước trong đại dương ấy. Đừng ai tự mãn cho mình là người biết tất cả mọi thứ trong cuộc đời này. Người đi càng nhiều, học hỏi nhiều sẽ càng thấy mình nhỏ bé và đầy giới hạn. Còn người biết chút ít thì hay tỏ vẻ cái gì cũng giỏi, hay phán xét, chỉ trích và thích nói nhiều. Khi người ta nói nhiều, họ không có thời gian để suy tư, chiêm nghiệm và lắng nghe người khác. Người càng hiểu biết, càng phải khiêm tốn học hỏi.
Trong Kinh Thánh, nhóm kinh sư và những người Pharisêu thường có thái độ tự mãn cho mình là người hiểu biết và giữ luật một cách tỉ mỉ. Họ luôn tìm cách bắt lỗi Chúa Giêsu và các môn đệ vi phạm luật trong ngày hưu lễ. Thấy Đức Giêsu và các môn đệ đến dự tiệc tại nhà ông Lê-vi, một số người Pharisêu và mấy kinh sư lẩm bẩm trách móc “Sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi? Môn đệ ông Gioan năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Pharisêu cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống!” (Lc 5,30.33). Đức Giêsu liền khẳng định cho họ biết ý nghĩa của việc ăn chay là để chuẩn bị cho một điều lớn lao quan trọng hơn. “Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó, họ mới ăn chay. Đức Giêsu còn kể cho họ nghe dụ ngôn này: “Chẳng ai xé áo mới lấy vải vá áo cũ, vì như vậy, không những họ xé áo mới, mà miếng vải áo mới cũng không ăn với áo cũ. Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu mới sẽ làm nứt bầu, sẽ chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì phải đổ vào bầu mới” (Lc 5,34-38).
Mục đích của Luật Chúa là đem lại sự tự do cho con người “Thầy đến không phải để hủy bỏ lề luật Môsê hoặc lời các Ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, mà là để kiện toàn (Mt 5,17-18). Đức Giêsu đến để trút vào tâm hồn chúng ta thứ rượu mới của niềm vui. Vấn đề là tâm hồn chúng ta có sẵn sàng thay đổi hay còn ích kỷ khép kín lòng mình với Chúa, còn tính toán hơn thiệt với tha nhân. Thiên Chúa vẫn đang chờ đợi chúng ta một lời đáp trả chân thành từ cõi lòng. Một tấm lòng khiêm tốn thì đáng quý hơn việc giữ luật mà thiếu tình bác ái. Trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô tha thiết mời gọi “Các Kitô hữu trong các cộng đồng trên khắp thế giới hãy cống hiến một chứng tá rực sáng và hấp dẫn về tình hiệp thông huynh đệ. Hãy làm cho mọi người thán phục vì anh em chăm lo cho nhau, khích lệ và nâng đỡ lẫn nhau” (EG 99).
Lạy Chúa là nguồn mạch khôn ngoan và thiện hảo, xin cho chúng con có tấm lòng khiêm tốn, để được Chúa huấn luyện trở nên người môn đệ đích thực, biết sống yêu thương phục vụ. Amen.
Phương Anh