Phút Cầu Nguyện, Thứ Ba 07/11/2023: Ăn mày xin vàng
Có phú ông nọ giàu nhất trong vùng nhưng lại sống rất hà tiện. Bao nhiêu vàng bạc, ông đều giấu kín trong nhà, không bao giờ bố thí cho một ai. Một hôm, có người ăn mày đến nài nỉ xin phú ông bố thí cho một nén vàng. Phú ông không cho mà còn quát tháo sai người đuổi đi. Ngày hôm sau và những ngày tiếp theo, người ăn mày vẫn đến chỉ xin một nén vàng. Năn nỉ mãi, cuối cùng phú ông cũng cho nhưng ông sai người đầy tớ đi theo dõi. Xin được nén vàng, người ăn mày mừng rỡ cười lớn. Ông đến khoảng đất trống, đặt nén vàng bên mình rồi nằm ngủ. Đợi ông ngủ say, tên đầy tớ đến gần lấy cắp nén vàng đem về cho ông chủ. Hôm sau, người ăn mày trở lại nhà phú ông xin vàng. Phú ông nói: - Hôm qua tôi cho ông một nén rồi. Người ăn mày trả lời: - Tôi để vàng ở bên cạnh, nhưng khi tôi nhắm mắt ngủ thì nó đã bị lấy mất. Phú ông suy nghĩ về câu nói của người ăn mày và nhận ra rằng khi nhắm mắt chết thì của cải ta tích cóp bấy lâu cũng không còn ý nghĩa. Từ đó, ông liền đem vàng bạc làm việc thiện và chia sẻ cho người nghèo.
Quý vị và các bạn thân mến,
Hành động chia sẻ của phú ông nọ thật ý nghĩa. Ông đã được thức tỉnh và không còn bám víu vào của cải vật chất nữa. Khi cho đi chính là lúc chúng ta nhận lại, khi thực thi tình bác ái với tha nhân chúng ta lại được đền đáp. Lẽ thường ở đời ai cũng thích “nhận” hơn là “cho”. Vì ai cũng nghĩ rằng “cho đi” là hao mòn, thiệt thòi và mất mát. Mấy ai dám “cho không” ai cái gì bao giờ, nếu có cho thì cũng là để kiếm lợi nhiều hơn, công bằng mà nói “bánh ích đi, bánh quy lại”.
Trong đời sống đạo, Chúa Giêsu khuyên chúng ta hãy quảng đại chia sẻ với tha nhân. Nếu chúng ta chỉ đối xử tốt, chỉ chào hỏi đón tiếp những người giàu có thì chưa đủ, nhưng phải đón tiếp và yêu thương mọi người, nhất là những người nghèo khổ: “Khi các ngươi làm việc ấy cho một kẻ bé nhỏ trong anh em ta đây, là các ngươi đã làm cho chính ta. Kẻ nào cho một trong những kẻ bé mọn này uống chỉ một bát nước lã mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con, người ấy không mất phần thưởng đâu” (Mt 10,40.42). Hàng ngày chúng ta có rất nhiều cơ hội để thực thi tình bác ái, người nghèo xung quanh chúng ta rất nhiều, họ là những trẻ em lang thang trên đường phố, những người già neo đơn không nơi nương tựa, những nạn nhân của thiên tai, chiến tranh và bất công xã hội...Họ là những người đói khát cơm bánh và nhất là thiếu tình yêu thương.
Thánh Phaolô Tông đồ cảm nhận giá trị của sự “cho đi”, ngài khuyên các tín hữu luôn nhớ lời Chúa Giêsu đã dạy “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Hàng ngày chúng ta nhận lãnh biết bao ân huệ từ lòng thương xót của Thiên Chúa. Vì thế những gì chúng ta chia sẻ cho tha nhân đó là chúng ta chia sẻ cho họ lòng thương xót của Thiên Chúa. Noi gương Chúa Giêsu đến trần gian để yêu thương và hiến dâng mạng sống vì con người, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi quảng đại yêu thương và phục vụ mọi người. Chúng ta đừng ngần ngại cho đi vì sợ mất mát hao mòn nhưng để được lớn lên trong tình yêu, được sung mãn trong ân sủng của Thiên Chúa.
Tất cả những gì chúng ta đang có như tiền bạc, thời gian, tài năng đều do Thiên Chúa ban. Người là Đấng quảng đại đã ban cho chúng ta đấu đủ lượng đã dằn đã lắc (x. Lc 6,38), để chúng ta sử dụng và mưu ích cho người khác. Một khi đã trút bỏ hết sự bảo đảm vật chất thế gian, chúng ta mới phó thác trong bàn tay yêu thương của Thiên Chúa. Thánh Augustinô đã cảm nghiệm sâu sắc về sự giàu sang và khôn ngoan của Thiên Chúa, thánh nhân nói: “Ai có nhiều của cải mà không có ơn nghĩa Chúa, ấy là kẻ nghèo nhất. Ai trở nên bần cùng mà có ơn nghĩa Chúa, người ấy có tất cả mọi sự”. Như vậy dù có nhiều tiền mà không có Thiên Chúa, chúng ta vẫn là kẻ tay trắng.
Lạy Chúa, xin cho chúng con sẵn sàng từ bỏ và vui bước theo Chúa trên con đường hẹp của Tin Mừng. Xin cho chúng con rộng lòng chia sẻ những gì mình có cho mọi người, để tất cả chúng con cùng được sống trong tình yêu thương của Thiên Chúa. Amen.
Phương Anh