Các giám mục Úc châu lo âu vì khủng hoảng khí hậu
Các Hội đồng Giám mục Úc châu lo âu vì cuộc khủng hoảng khí hậu làm nước biển dâng cao và phủ ngập nhiều đảo trong Thái Bình Dương. Sự hâm nóng trái đất đe dọa sự sống còn của nhiều đảo ở miền nam Thái Bình Dương.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Do mối quan tâm này, chủ đề được chọn cho Đại hội bốn năm một lần tại thành phố Suva, thủ đô quần đảo Fiji, của các Hội đồng Giám mục châu lục này, từ ngày 05 đến ngày 10 tháng Hai vừa qua, là: “Hãy cứu biển, để cứu Mẹ Đất”. Tham dự khóa họp, có hàng chục giám mục thuộc các Hội đồng Giám mục, là Australia, New Zealand, Papua tân Guinea-Quần đảo Solomon và các đảo khác ở Thái Bình Dương. Đầu khóa họp, các giám mục đã viếng thăm những nơi có những vấn đề môi trường hiển hiện nhất. Toàn bộ hệ thống sinh thái của một con sông ở Fiji đã bị thay đổi nhiều vì sự nạo vét sỏi và mực nước giảm vài mét. Một nông dân đã chỉ cho các giám mục thấy hậu quả của nước biển dâng cao. Một nửa tài sản của ông rộng 10 hécta đã bị chìm cách đây vài năm.
Đức cha Michael Dooley, Giám mục giáo phận Dunedin ở New Zealand, tuyên bố rằng những hiện tượng này cho thấy rõ cả Giáo hội cũng phải quan tâm với vấn đề khí hậu. Giáo hội phải lên tiếng nhân danh những người cần được bảo vệ, họ thường không có cơ hội được lắng nghe.
Vấn đề thay đổi khí hậu tại các quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương là thực tại đã có từ lâu. Mực nước biển dâng cao đe dọa các cơ cấu hạ tầng, các khu định cư, đất đai canh tác và các mạch nước. Cả Australia cũng chịu những hậu quả tiêu cực thường xuyên hơn của hiện tượng thay đổi khí hậu với nạn hạn hán, cuồng phong, mưa lũ, như vào tháng Bảy năm ngoái (2022), hoặc những trận hỏa hoạn kinh hoàng, như hồi năm 2019-2020.
Có nhiều chương trình giúp các nước Nam Thái Bình Dương thích ứng với sự thay đổi. Ví dụ, Bộ Canh nông của Cộng hòa Liên bang Đức muốn cộng tác với việc huấn luyện các giáo viên ở quần đảo Fiji và Kiribati để đưa vấn đề thay đổi khí hậu vào chương trình giáo dục. Cũng vậy, tại Kiribati và quần đảo Solomon, 4.000 người đã được điện nhờ việc kiến thiết hệ thống năng lượng mặt trời. Ngoài ra, có sự cộng tác với các đại học địa phương để đào tạo các chuyên gia về việc bảo trì và sửa chữa các hệ thống năng lượng mặt trời.
Một báo cáo của Caritas Úc châu và Trung tâm nghiên cứu “Jubilee Australia”, hồi mùa thu năm ngoái cho thấy việc tài trợ tín dụng cũng có thể trở thành vấn đề, trước nguy cơ nợ nần chống chất của các nước trong vùng Á châu Thái Bình Dương. Sự tài trợ này cũng góp phần chống lại nạn thay đổi khí hậu. Trong báo cáo, không nói đến việc Trung Quốc tài trợ cho các quốc đảo ở vùng Thái Bình Dương 6 tỷ đôla, từ năm 2015 đến năm 2020 để gia tăng sự hiện diện của Trung Quốc tại vùng này.
Trong phần mở đầu phúc trình, Đức Hồng y Soan Mafi, Giám mục tại đảo Tongo, nhấn mạnh rằng: “Cuộc khủng hoảng về khí hậu và nợ nần đã liên kết với nhau từ lâu nay và nó làm cho các quốc gia Thái Bình Dương, vốn đã bị ảnh hưởng vì thay đổi khí hậu, lâm vào tình trạng nguy hiểm hơn nữa”.
(KAP 11-2-2023)