Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha: Xin cho chúng ta biết đón nhận sự hiện diện của Mẹ Maria trong cuộc sống
![](/sites/default/files/styles/max_width_770px/public/2025-02/general_audience.jpeg?itok=NfV2hVOe)
Sáng thứ Tư, ngày 05 tháng Hai vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung hơn sáu ngàn tín hữu hành hương, tại Đại thính đường Phaolô VI, ở Nội thành Vatican.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Mở đầu là phần tôn vinh Lời Chúa, qua đoạn Tin mừng theo thánh Luca (1,39-42):
“Trong những ngày ấy, Maria trỗi dậy và mau mắn lên đường tiến về miền núi, đến một thành của xứ Giuda, vào nhà của ông Zacaria, chào bà Elisabeth. Vừa khi Elisabeth nghe lời chào của Đức Maria, hài nhi trong lòng bà nhảy mừng. Elisabeth được tràn đầy Thánh Thần và thốt lên lớn tiếng: “Em được chúc phúc trong mọi người nữ và chúc tụng hoa trái trong cung lòng của em!”
Bài huấn giáo
Trong bài huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài về “Năm Thánh 2025”, có đề tài là: “Chúa Giêsu Kitô, niềm hy vọng của chúng ta”. Thời thơ ấu của Chúa Giêsu: “Phúc cho người đã tin” (Lc 1,45). Cuộc thăm viếng và bài ca Magnificat. Nhưng Đức Thánh cha cho biết là vì bị cảm không đọc được bài giáo lý, nên nhờ một linh mục đọc thay.
Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay, chúng ta chiêm ngắm vẻ đẹp của Chúa Giêsu Kitô là niềm hy vọng của chúng ta trong mầu nhiệm thăm viếng. Đức Trinh nữ Maria viếng thăm thánh nữ Elisabeth; nhưng nhất là Chúa Giêsu, trong cung lòng của Mẹ, viếng thăm dân của Người (Xc Lc 1,68), như ông Zacaria nói trong Bài ca Chúc tụng.
Sau khi ngỡ ngàng và kinh ngạc vì những lời loan báo của sứ thần, Đức Maria trỗi dậy và lên đường, như tất cả những người được kêu gọi trong Kinh thánh, vì “hành vi duy nhất mà con người có thể đáp lại Thiên Chúa, Đấng tỏ mình ra chính là thái độ sẵn sàng không giới hạn” (H.U. Von Balthasar, Vocazione, Roma 2002, 29). Thiếu nữ con dân Israel này không chọn giải pháp tự vệ đối với thế gian, không sợ những nguy hiểm và phán đoán của người khác, nhưng đi gặp tha nhân.
Khi cảm nhận mình được yêu thương, thì ta cảm thấy một sức mạnh làm cho tình yêu chuyển giao; như thánh Phaolô tông đồ đã nói, “lòng mến Chúa Kitô chiếm đoạt tôi” (2 Cr 5,14), lòng mến thôi thúc, làm chúng ta chuyển động. Đức Maria cảm thấy sự thúc đẩy của tình thương và đi giúp đỡ một phụ nữ cao tuổi, sau khi chờ đợi lâu dài, nay có thai bất ngờ, vất vả đương đầu với việc thai nghén trong tuổi cao. Nhưng Đức Trinh nữ đi tới nhà bà Elisabeth cũng để chia sẻ niềm tin nơi Thiên Chúa, Đấng làm được những điều không có thể và niềm hy vọng những lời hứa của Chúa sẽ viên mãn.
Cuộc gặp gỡ giữa hai phụ nữ tạo nên một ảnh hưởng gây ngạc nhiên: tiếng nói của người “đầy ơn phúc” chào bà Elisabeth tạo nên một lời ngôn sứ nơi thai nhi bà đang mang trong lòng và khơi dậy nơi bà hai lời chúc phúc: “Phúc cho em nơi mọi người nữ và phúc cho con em đang cưu mang!” (Lc 1,42). Và đó cũng là một mối phúc: “Phúc cho người đã tin nơi sự viên mãn điều Chúa đã nói” (v.45).
Đứng trước sự nhìn nhận căn tính thiên sai của Con và sứ vụ của mẹ, Đức Maria không nói về mình nhưng về Thiên Chúa và dâng lời chúc tụng đầy tin tưởng, hy vọng và vui mừng, một bài ca vang dội mỗi ngày trong Giáo hội khi đọc Kinh Chiều: kinh Magnificat (Lc 1,46-55).
Bài ca Chúc tụng này đối với Thiên Chúa Đấng cứu độ, trào dâng từ con tim nữ tỳ khiêm hạ, là một ký ức tổng hợp và hoàn tất kinh nguyện của Israel. Kinh nguyện được kết dệt bằng những âm vang Kinh thánh, dấu chỉ mà Đức Maria không muốn ca lên ngoài cộng đoàn, nhưng hiệp với các cha ông, tuyên dương lòng thương xót của Chúa đối với những người khiêm hạ, những người bé nhỏ mà Chúa Giêsu, trong bài giảng, đã tuyên bố họ là “những người có phúc” (Xc Mt 5,1-12).
Nhiều yếu tố phục sinh cũng làm cho bài ca Magnificat thành một bài ca cứu chuộc, và có bối cảnh là sự nhắc nhớ cuộc giải thoát Israel ra khỏi Ai Cập. Tất cả các động từ đều là thì quá khứ, đầy ký ức yêu thương thắp sáng hiện tại bằng đức tin và soi sáng tương lai bằng hy vọng: Đức Maria chúc tụng ơn phúc quá khứ, nhưng là một phụ nữ của hiện tại đang mang tương lai trong cung lòng.
Phần đầu của bài ca này chúc tụng hoạt động của Thiên Chúa nơi Đức Maria, một hình ảnh thu nhỏ của dân Chúa hoàn toàn gắn bó với giao ước (vv.46-50); phần thứ hai nói về hoạt động Chúa Cha trong vũ trụ lịch sử con cái của Ngài (vv.51-55), qua ba từ chủ yếu: ký ức - lòng thương xót - lời hứa.
Chúa cúi mình trên Đức Maria bé nhỏ để thực hiện nơi Đức Maria “những điều vĩ đại” và làm cho Đức Maria trở thành Mẹ của Chúa. Chúa đã khởi sự cứu vớt dân Ngài từ cuộc xuất hành, nhắc nhớ phúc lành cho mọi người được hứa với Abraham (Xc St 12,1-3). Chúa, là Thiên Chúa luôn trung tín, đã làm cho dòng sông tình thương không bị gián đoạn (v.50) trên dân của Ngài trung thành với giao ước, và giờ đây biểu lộ ơn cứu độ viên mãn nơi Con của Ngài, Đấng được sai đến để cứu độ dân khỏi tội lỗi. Từ Abraham đến Chúa Giêsu Kitô và tới cộng đoàn các tín hữu, Lễ Phục sinh xuất hiện như một phạm trù chú giải để hiểu mọi sự cứu thoát sau đó, cho đến sự giải thoát được Đức Thiên Sai thực hiện khi thời gian viên mãn.
Và Đức Thánh cha kết luận rằng: Anh chị em thân mến, ngày hôm nay, chúng ta hãy cầu xin Chúa ơn được biết chờ đợi mọi lời hứa được viên mãn, và giúp chúng ta đón nhận trong cuộc sống sự hiện diện của Mẹ Maria. Khi đặt mình nơi trường học của Mẹ, tất cả chúng ta có thể khám phá thấy rằng linh hồn nào tin và hy vọng “thì mang thai và sinh hạ Lời của Thiên Chúa” (S. Ambrogio, Esposizione del Vangelo secondo Luca, 2,26).
Chào thăm và nhắn nhủ
Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, các độc viên đã đọc những tóm tắt bằng chín ngôn ngữ, kèm theo những lời chào thăm của Đức Thánh cha và những lời nhắn nhủ.
Khi chào các tín hữu nói tiếng Pháp, Đức Thánh cha đặc biệt nhắc đến các tín hữu đến từ Pháp, Bỉ, đặc biệt là Giáo phận Bordeaux, một số học viên và sinh viên học sinh miền Loiret và từ Bruxelles, bên Bỉ. Đức Thánh cha nói: “Chúng ta hãy cầu xin Chúa củng cố niềm tin của chúng ta nơi sự viên mãn những lời Chúa hứa và theo học tại trường của Mẹ Maria, vun trồng một con tim rộng mở đối với Thiên Chúa và anh chị em, để làm cho thế giới chúng ta vui tươi và huynh đệ hơn”.
Với các tín hữu nói tiếng Anh, Đức Thánh cha nhắc đến những người đến từ Ailen, Indonesia, Malaysia, Philippines và Mỹ, và ngài cầu chúc họ hãy tận dụng Năm Thánh như một dịp để canh tân tinh thần và tăng trưởng trong niềm vui Tin mừng.
Khi chào bằng tiếng Ba Lan, Đức Thánh cha khuyến khích các tín hữu nước này hãy cầu nguyện cho các linh mục và tu sĩ đang thi hành sứ vụ tại các nước nghèo và đang gặp chiến tranh, đặc biệt tại Ucraina, Trung Đông, Cộng hòa Dân chủ Congo. Đối với nhiều người, sự hiện diện này là bằng chứng Thiên Chúa luôn nhớ đến họ”.
Sau cùng, bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha chào thăm các tín hữu thuộc nhiều miền ở nước này và cầu mong cuộc viếng thăm của họ tại mộ các tông đồ khơi lên trong họ ước muốn gắn bó với Chúa Kitô và làm chứng về Chúa trong các cộng đoàn của anh chị em.
Đức Thánh cha không quên các bạn trẻ, người già yếu và khoảng 15 đôi tân hôn, đồng thời nhắc nhớ rằng như thánh Phaolô tông đồ đã khuyên nhủ, “tôi khuyến khích anh chị em hãy vui mừng trong hy vọng, mạnh mẽ can đảm trong sầu muộn, kiên trì trong kinh nguyện, ân cần đối với những nhu cầu của các anh chị em” (Xc Rm 12,12-13).
Trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh cha chỉ đọc phần tóm tắt bằng tiếng Tây Ban Nha, và chào thăm bằng tiếng Ý, đồng thời kêu gọi hòa bình cho Ucraina và một số quốc gia đang bị chiến tranh.
Buổi tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.
Trực tiếp
![Livesteam thumbnail](/sites/default/files/inline-images/live-stream-thumb.jpg)