Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha: Hai nết xấu: Ghen tuông và háo danh
Sáng thứ Tư, ngày 28 tháng Hai năm 2024, khoảng hơn 6.000 tín hữu hành hương đến tham dự buổi Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha Phanxicô, vào lúc 9 giờ sáng, tại Đại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Hiện diện trên bục cao bên tay trái Đức Thánh cha, có hàng chục giám mục thuộc miền Emilia Romagna, bắc Ý, nhân dịp các vị về Roma hành hương và thăm Tòa Thánh, theo quy định của giáo luật. Ngoài ra, cũng có một nhóm tín hữu hành hương người Việt Nam từ Giáo phận Phan Thiết.
Như thường lệ, mở đầu buổi tiếp kiến là phần công bố Lời Chúa, với một đoạn thư thánh Phaolô gửi tín hữu Galát (5,24-26):
“Anh em, những người thuộc về Chúa Giêsu Kitô thì đóng đinh xác thịt mình với những tình dục và đam mê của nó. Vì thế, nếu chúng ta sống theo Thánh Thần, chúng ta cũng bước đi theo Thánh Thần. Chúng ta đừng tìm kiếm hư danh, khiêu khích lẫn nhau, ghen tương với nhau!”
Bài giáo lý
Trong bài giáo lý tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài về các nết xấu và các nhân đức. Bài thứ chín này có tựa đề là: “Tật ghen tị và háo danh”.
Vì giọng nói của Đức Thánh cha còn mệt sau khi bị cảm nhẹ, nên Đức ông Filippo Ciampanelli, thuộc phủ Quốc vụ khanh, đã đọc thay ngài bài giáo lý và cả các lời chào thăm sau đó, đồng thời các độc viên khác đọc các phần tóm tắt bài giáo lý bằng tám ngôn ngữ khác nhau.
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay, chúng ta xét đến hai mối tội đầu, hai tật xấu chúng ta thấy trong danh sách dài mà truyền thống tu đức kể lại cho chúng ta, đó là tật ghen tương và háo danh.
Ghen tương
Chúng ta bắt đầu từ tật ghen tương. Nếu đọc Kinh thánh (Xc St 4), tật xấu này xuất hiện trước chúng ta như một trong những tật xấu cổ xưa nhất: sự ghen ghét của Cain đối với Abel xảy ra khi Cain nhận thấy rằng các hy lễ của em mình làm đẹp lòng Chúa. Cain là con cả của Adong và Evà, và đã chiếm phần lớn gia tài của cha; vậy mà chỉ cần Abel, người em, thành công trong một điều nhỏ, khiến Cain tức giận. Khuôn mặt người ghen tương luôn buồn thảm: cái nhìn gằm xuống, có vẻ như hắn muốn soi mói mặt đất, nhưng thực ra hắn không thấy gì, vì tâm trí đang bị bao trùm với những tư tưởng gian ác. Ghen tương, nếu không được kiểm soát, thì đưa tới oán ghét người khác. Abel sẽ bị anh Cain giết chết, và hắn không chịu đựng nổi hạnh phúc của đứa em.
Ghen tương là một sự ác bị điều tra không những trong lãnh vực Kitô: nó thu hút sự chú ý của các triết gia và hiền giả thuộc mọi văn hóa. Nơi căn cội của nó có một tương quan giữa oán ghét và yêu thương: người ta muốn điều ác cho người khác, nhưng lại âm thầm mong muốn được như người mình ghét. Người khác ấy là hiển hiện của điều mà chúng ta muốn trở thành và trong thực tế chúng ta không được như vậy. May mắn của người khác dường như là một bất công đối với chúng ta: chúng ta nghĩ, chắc chắn là mình đáng được những thành công của người ấy hơn nhiều hoặc may mắn của họ!
Căn cội tật xấu
Đức Thánh cha giải thích rằng: “Nơi căn cội của tật xấu này có một ý tưởng sai lầm về Thiên Chúa: Ta không chấp nhận Chúa có những tính toán khác với chúng ta. Ví dụ, trong dụ ngôn của Chúa Giêsu về những người thợ được chủ thu dụng làm việc trong vườn nho của ông vào những giờ khác nhau trong ngày, những người bắt đầu làm việc từ đầu ngày nghĩ rằng mình có quyền được đồng lương nhiều hơn những người đến sau cùng; nhưng ông chủ lại trả cho tất cả mọi người cùng một lương như nhau, và nói: Tôi không được làm những điều của tôi như ý tôi sao? Hoặc anh ghen tương vì tôi nhân lành sao?” (Mt 20,15). Chúng ta muốn áp đặt cho Chúa lý lẽ ích kỷ của chúng ta. Trái lại, tiêu chuẩn của Chúa là tình thương. Những của cải Chúa ban cho chúng ta được làm để chia sẻ. Vì thế, thánh Phaolô khuyên các Kitô hữu; ‘Anh em hãy yêu thương nhau với tình huynh đệ, thi đua trong việc quý chuộng nhau” (Rm 12,10). Đó là thuốc chữa ghen tương!
Háo danh
Và bây giờ chúng ta cứu xét tật xấu thứ hai: háo danh. Nó đi song đối với quỹ ghen tương. Hai tật xấu này là đặc tính của những người ham muốn trở thành trung tâm của thế giới, tự do bóc lột mọi sự và mọi người, đối tượng được mọi người khen ngợi và yêu mến. Háo danh là một sự tự đánh giá cao bản thân một cách thái quá và vô căn cứ. Người ham hố danh vọng có cái tôi cồng kềnh; không biết cảm thương và không nhận thấy có những người khác ngoài mình ra. Các tương quan của người ấy luôn nhắm lợi dụng, có tính chất đè bẹp người khác. Con người, những hoạt động và thành công của họ phải được tỏ cho mọi người thấy: đó là người liên lỷ ăn xin sự chú ý. Và nếu đôi lần những đức tính của họ không được nhìn nhận, thì họ rất tức giận. Những người khác là bất công, không hiểu, không cùng trình độ. Trong các tác phẩm của Evagrio Pontico, có mô tả một chuyện cay đắng, đó là một vài đan sĩ bị tật háo danh. Xảy ra là, sau những thành công đầu tiên trong đời sống thiêng liêng, họ cảm thấy như người đã thành đạt, đắc đạo rồi, và khi ấy họ nhào vào trần thế để nhận được những lời ca tụng. Nhưng họ không hiểu mình chỉ mới ở đầu con đường thiêng liêng, và cám dỗ đang rình rập để họ sớm sa ngã.
Chữa trị
Để chữa tật háo danh, các tôn sư linh đạo đề nghị nhiều phương dược. Vì xét cho cùng, tật ham muốn hư danh có thuốc chữa trị nơi chính nó: những lời chúc tụng mà người háo danh hy vọng gặt hái được trong trần thế quay ngược lại để chống họ. Bao nhiêu người, thất vọng vì hình ảnh giả về mình, để rồi rơi vào những tội mà chẳng bao lâu họ xấu hổ vì chúng!
Huấn dụ đẹp nhất để chiến thắng tật háo danh chúng ta có thể tìm thấy nơi chứng từ của thánh Phaolô. Thánh Tông đồ luôn phải đối mặt với một khuyết điểm mà ngài không bao giờ khắc phục được. Ba lần thánh nhân xin Chúa giải thoát mình khỏi cực hình đó, nhưng sau cùng Chúa đã trả lời: “Ơn Cha đủ cho con; thực vậy sức mạnh được biểu lộ hoàn toàn trong sự yếu đuối”. Từ ngày ấy, Phaolô được giải thoát. Và kết luận của ngài cũng phải trở thành của chúng ta: “Tôi sẽ hãnh diện trong những yếu đuối của tôi, vì sức mạnh của Chúa Kitô ở trong tôi” (2 Cr 12,9).
Chào thăm và kêu gọi
Sau bài giáo lý trên đây, là phần tóm tắt và chào thăm bằng các thứ tiếng kèm theo những lời nhắn nhủ của Đức Thánh cha.
Khi chào các phái đoàn bằng tiếng Pháp, Đức Thánh cha nhắn nhủ rằng: “Trong Mùa chay, chúng ta hãy cố gắng đừng đặt mình ở trung tâm, nhưng hãy tìm cách “đứng sang bên cạnh” và người chỗ cho những người khác, thăng tiến họ và vui mừng vì những đức tính và thành công của họ.
Bằng tiếng Ba Lan, ngài nhắn nhủ các tín hữu tiếp tục kiên nhẫn chiến đấu thiêng liêng chống lại tất cả những gì làm cho chúng ta xa Chúa và tha nhân, trong đời sống gia đình, trong cộng đoàn và nơi làm việc cũng như gặp gỡ. Tôi phó thác anh chị em cho sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, nữ tỳ khiêm hạ của Chúa, đối với Mẹ, quy luật chính yếu là yêu mến Chúa”.
Đức Thánh cha đích thân chào bằng tiếng Ý. Ngài đặc biệt nhắc đến các tín hữu tháp tùng các giám mục bản quyền ở các giáo phận miền Emilia Romagna và San Marino-Montefeltro về Roma viếng mộ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô.
Sau cùng, Đức Thánh cha nhắc đến các bệnh nhân, các đôi tân hôn và các bạn trẻ, các học sinh trường Falcone và Borsellino ở Roma. Hai trường này mang tên hai pháp quan của Ý bị Mafia sát hại.
Đức Thánh cha nói thêm rằng “ước gì hành trình Mùa chay là cơ hội để trở về với lòng mình và canh tân trong tinh thần. Chúng ta đừng quên các dân tộc đang chịu đau khổ vì chiến tranh, như: Ucraina, Palestine, Israel và bao nhiêu nước khác. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nạn nhân những vụ tấn công nơi thờ phượng ở Burkina Faso cũng như cho nhân dân Haiti nơi mà các tội ác và những vụ bắt cóc do các băng đảng võ trang vẫn tiếp diễn.”
Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.