Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha: Thế giới ngày nay rất cần nhân đức trông cậy

Photo: Vatican Media

Sáng thứ Tư, ngày 08 tháng Năm năm 2024, có hơn 20.000 tín hữu tham dự buổi Tiếp kiến chung hằng tuần của Đức Thánh cha Phanxicô, tại Quảng trường thánh Phêrô, từ lúc 9 giờ. Hiện diện tại Quảng trường, có hơn 60 đôi tân hôn và gần 200 người lính quan thuế thuộc Quân trường ở thành phố L’Aquila, trung Ý.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Như thường lệ, sau khi Đức Thánh cha đi xe tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu, mọi người đã nghe một đoạn Kinh thánh. Lần này là đoạn thư thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma (8,18.23-24):

Thật vậy, tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mạc khải nơi chúng ta [...]. Cả chúng ta, đã nhận lãnh Thần Khí như hoa quả đầu mùa, chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta còn trông đợi Thiên Chúa ban trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa. Quả thế, chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải trông mong. Thực vậy, trong niềm cậy trông chúng ta được cứu thoát”.

Bài huấn giáo

Trong bài huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài về các nết xấu và các nhân đức. Bài thứ mười tám này có tựa đề là: “Đức cậy” hay nhân đức hy vọng”.

Mở đầu bài giáo lý, Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, chúng ta suy tư về nhân đức cậy trông. Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo định nghĩa nhân đức này như sau: “Đức cậy trông là nhân đức đối thần, qua đó chúng ta mong ước nước trời và đời sống vĩnh cửu như hạnh phúc của chúng ta, đặt niềm tín thác của chúng ta nơi những lời hứa của Chúa Kitô và chúng ta không cậy dựa vào sức riêng, nhưng dựa trên sự phù trợ của ơn Chúa Thánh Linh” (n.1817). Những lời này khẳng định cho chúng ta rằng cậy trông là câu trả lời cho con tim chúng ta, khi nảy sinh trong chúng ta vấn nạn tuyệt đối: “Tôi sẽ ra sao? Đâu là mục tiêu của cuộc hành trình? Vận mệnh của thế giới là gì?”

Ý nghĩa cuộc đời

Tất cả chúng ta nhận thấy rằng một câu trả lời tiêu cực cho những vấn nạn đó tạo ra buồn sầu. Nếu không có một ý nghĩa cho hành trình cuộc sống của chúng ta, nếu khởi sự và kết thúc không có gì cả, thì lúc đó chúng ta tự hỏi tại sao chúng ta phải tiến bước: từ đâu nảy sinh sự tuyệt vọng của con người, cảm giác mọi sự đều là vô ích. Và nhiều người có thể nổi loạn: “Tôi đã cố gắng sống nhân đức, khôn ngoan, công bằng, can đảm và tiết độ. Tôi đã là một người có đức tin. Vậy thì cuộc chiến đấu của tôi là để làm gì?”

Nếu thiếu hy vọng, thiếu cậy trông, tất cả các nhân đức khác có nguy cơ sụp đổ và trở thành tro bụi. Nếu không có một ngày mai đáng tin, một chân trời tươi sáng, thì chỉ còn kết luận rằng nhân đức chỉ là một cố gắng vô ích. “Chỉ khi tương lai là chắc chắn như một thực tại tích cực, thì hiện tại mới có thể sống được” (Biển Đức XVI, Thông điệp Spe salvi, 2).

Kitô hữu cậy trông không phải vì công trạng của mình. Sở dĩ họ tin nơi tương lai là vì Chúa Kitô đã chết và sống lại, đã ban cho chúng ta Thánh Thần của Ngài. Như Đức Giáo hoàng Biển Đức 16 đã khẳng định trong thông điệp “Spe salvi”: “Ơn cứu chuộc được ban cho chúng ta theo nghĩa chúng ta được ban niềm hy vọng, một niềm hy vọng đáng tín nhiệm, nhờ đó chúng ta có thể đương đầu với hiện tại của chúng ta” (ibid., 1). Theo nghĩa đó, một lần nữa, chúng ta nói rằng cậy trông là một nhân đức đối thần: nó không xuất phát từ chúng ta, không phải là một sự ngoan cố mà chúng ta muốn tự thuyết phục mình, nhưng là một quà tặng đến trực tiếp từ Thiên Chúa”.

Giáo huấn của thánh Phaolô

Với bao nhiêu Kitô hữu nghi ngờ, không hoàn toàn tái sinh cho niềm hy vọng, thánh Phaolô đề nghị một lôgích mới về kinh nghiệm Kitô: “Nếu Chúa Kitô không sống lại, thì đức tin của chúng ta là hư vô và anh chị em vẫn còn ở trong tội lỗi. Vì thế, cả những người đã chết trong Chúa Kitô cũng hư mất. Nếu chúng ta có hy vọng trong Chúa Kitô chỉ vì đời này, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn tất cả mọi người” (1 Cr 15,17-19). Như thể nói: nếu bạn tin Chúa Kitô sống lại, như vậy bạn biết chắc chắn rằng không có sự thất bại và không có sự chết nào là mãi mãi. Nếu bạn không tin nơi sự sống lại của Chúa Kitô, thì tất cả đều trở nên trống rỗng, thậm chí cả những lời giảng của các tông đồ.

Dễ thiếu hy vọng

Cậy trông là một nhân đức mà chúng ta thường lỗi phạm hơn cả: trong những hoài tưởng xấu của chúng ta, trong những tư lự, khi chúng ta nghĩ rằng những hạnh phúc quá khứ chúng ta đã chôn vùi chúng vĩnh viễn rồi. Chúng ta lỗi đức cậy trông, khi chúng ta xuống tinh thần trước những tội lỗi của chúng ta, quên rằng Thiên Chúa là Đấng xót thương và Ngài lớn hơn con tim của chúng ta. Chúng ta lỗi phạm đức cậy trông, khi trong chúng ta nghĩ mùa thu xóa bỏ mùa xuân; khi tình thương của Thiên Chúa không còn là một lửa vĩnh cửu và chúng ta không có can đảm đưa ra những quyết định đòi chúng ta cam kết trọn cuộc đời.

Tầm quan trọng của đức cậy trông

Thế giới ngày nay rất cần nhân đức Kitô giáo này! Cũng như thế giới rất cần nhân đức kiên nhẫn, một nhân đức tiến bước sát cánh với nhân đức cậy trông. Người kiên nhẫn là những người kết dệt điều thiện. Họ quyết liệt mong ước hòa bình và cho dù một số người vội vã, muốn tất cả ngay một lúc, đức kiên nhẫn có khả năng chờ đợi. Cả khi chung quanh mình nhiều người chiều theo thất vọng, người được đức cậy trông linh hoạt và kiên nhẫn thì có khả năng vượt qua những đêm tăm tối nhất.

Giúp tâm hồn trẻ trung

Đức cậy trông là nhân đức của người có tâm hồn trẻ trung: ở đây không tính tuổi theo lý lịch. Vì cũng có những người già với đôi mắt còn nhìn rất rõ, họ sống một sự qui hướng hoàn toàn về tương lai. Chúng ta hãy nghĩ đến hai cụ già trong Tin mừng, Ông Simeon và bà Anna: họ không hề mệt mỏi chờ đợi và họ đã thấy đoạn đường cuối cùng của họ trên trần thế được chúc phúc nhờ cuộc gặp gỡ với Đấng Thiên Sai, mà họ nhận ra nơi Chúa Giêsu, được cha mẹ đưa vào Đền thờ. Ước gì tất cả chúng ta cũng được ơn phúc ấy! Nếu sau một cuộc lữ hành dài, khi đặt chiếc bị và cái gậy xuống, con tim chúng ta tràn đầy một niềm vui không hề cảm thấy trước đó và cả chúng ta cũng có thể thốt lên: “Giờ đây, lạy Chúa, xin ban cho tôi tớ Chúa được ra đi bình an, theo lời Ngài, vì mắt con đã thấy ơn Chúa cứu độ, được Chúa dọn sẵn trước mọi dân tộc: là ánh sáng tỏ cho muôn dân và là vinh quang của dân Ngài, là Israel” (Lc 2, 29-32).

Chào thăm và kêu gọi

Sau bài giáo lý trên đây là phần tóm tắt và chào thăm bằng các thứ tiếng khác nhau, kèm theo những lời nhắn nhủ của Đức Thánh cha.

Khi chào các tín hữu nói tiếng Pháp, Đức Thánh cha nhắc đến các nhóm giáo xứ và học đường tại Pháp, từ đảo La Réunion trong Ấn Độ Dương và Sénégal bên Phi châu, đồng thời nhắn nhủ rằng: “Đứng trước một tương lai nhiều khi có vẻ đen tối, chúng ta hãy cố gắng gieo vãi hy vọng và làm điều thiện, với xác tín rằng cuộc đời có thể sống một cách khác và hòa bình là điều có thể”.

Với các tín hữu nói tiếng Anh, Đức Thánh cha chào thăm các đoàn hành hương từ Cameroon, Ấn Độ, Philippines, và Mỹ. Ngài nói: lễ Chúa Thăng Thiên sắp đến gần, tôi khẩn cầu trên anh chị em và gia quyến niềm vui và an bình của Chúa Giêsu, Đấng đã sống lại và lên trời! Xin Chúa chúc lành cho anh chị em.

Khi chào các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh cha nhắc nhở rằng; “Hôm nay, anh chị em mừng lễ trọng kính thánh Stanislaô, Giám mục tử đạo, bổn mạng đất nước của anh chị em. Thánh Gioan Phaolô II đã viết về người rằng từ trên cao, thánh nhân đã chia sẻ đau khổ và hy vọng của anh chị em, nâng đỡ sự sống còn, đặc biệt trong thời Thế chiến thứ II. Ước gì sự chuyển cầu của thánh Stanislaô ngày nay cũng đạt được hồng ân hòa bình tại Âu châu và trên toàn thế giới, đặc biệt tại Trung Đông”.

Cuối cùng, bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha chào thăm nhiều nhóm khác nhau, bắt đầu là gần 200 người lính quan thuế ở L’Aquila, hiệp hội trợ giúp Quân lực, Trung tâm phục hồi chức năng thần kinh vận động, nhiều nhóm học sinh... Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Hôm nay, Giáo hội dâng lời khẩn nguyện lên Đức Mẹ Mân côi ở Pompeii. Tôi mời gọi tất cả hãy khẩn cầu Đức Mẹ chuyển cầu, xin Chúa ban hòa bình cho toàn thế giới, đặc biệt cho Ucraina yêu quý đang chịu tang thương, cho Palestine và Israel. Tôi đặc biệt phó thác cho Đức Mẹ, những người trẻ, các bệnh nhân, người cao tuổi và các đôi tân hôn hiện diện hôm nay, và nhắn nhủ tất cả mọi người hãy đề cao giá trị của việc đọc kinh Mân côi trong tháng Năm này.

Buổi Tiếp kiến chung được kết thúc bằng kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.