Thư Đức Thánh cha gửi cộng đồng Công giáo tại Việt Nam

Photo: Vatican Media

Đức Thánh cha Phanxicô khuyến khích các tín hữu Công giáo tại Việt Nam tích cực góp phần thực thi tình thương và bác ái cụ thể, trong tương quan cộng tác tốt đẹp với chính quyền, góp phần tìm kiếm con đường tốt đẹp nhất cho dân tộc và Giáo hội tại Việt Nam.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đức Thánh cha đưa ra lời kêu gọi trên đây, trong thư gửi Cộng đồng Công giáo Việt Nam, nhân dịp chấp nhận Thỏa thuận về Quy chế và Văn phòng Đại diện Thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam. Thư của Đức Thánh cha đề ngày 08 tháng Chín vừa qua, và được Phòng Báo chí Tòa Thánh công bố hôm 29 tháng Chín năm 2023 tại Vatican.

Trong thư, Đức Thánh cha nhắc lại rằng: “Đức tin của Giáo hội Công giáo tại đất nước anh chị em nảy sinh và phát triển qua nhiều thế hệ, dựa trên căn bản giới răn mến Chúa hết lòng” (Mt 22,23-38). Thực vậy, tình thương là mẫu mực đức tin, và đức tin là linh hồn của tình thương, không bao giờ chúng ta quên rằng lòng kính mến Chúa và yêu thương tha nhân là hai mặt của cùng một thực tại”.

Đức Thánh cha viết thêm rằng: “Trong chiều hướng những quan hệ tốt đẹp những năm gần đây, và với ước mong vị Đại diện Tòa Thánh là một cây cầu để làm cho quan hệ hỗ tương được tiến triển, ngày 27 tháng Bảy năm nay, tôi đã vui mừng đón tiếp Chủ tịch Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, ông Võ Văn Thưởng, đến thăm chính thức tại Vatican. Cuộc gặp gỡ này có một ý nghĩa đặc biệt trong tiến trình củng cố quan hệ giữa Tòa Thánh và Việt Nam”.

“Dựa trên căn bản sự tín nhiệm lẫn nhau qua dòng thời gian, bước này nối tiếp bước khác, sự tín nhiệm ấy được củng cố nhờ các cuộc viếng thăm hằng năm của Phái đoàn Tòa Thánh và trong các cuộc gặp gỡ của Nhóm công tác chung Việt Nam và Tòa Thánh, quan hệ ấy đã có thể cùng tiến triển và có thể tiến triển thêm, nhìn nhận những đồng quy và tôn trọng những khác biệt...”

Đức Thánh cha cũng nói đến những cố gắng của các tín hữu Công giáo Việt Nam nỗ lực dấn thân “sống bác ái, thực thi Tin mừng giữa lòng quốc gia dân tộc và đồng hành trong những cố gắng để phát triển và kinh tế quân bình. Vì thế, trong việc xây dựng Giáo hội, qua sự cộng tác mục vụ đồng trách nhiệm, cũng như đặc biệt trên bình diện linh hoạt các thực tại trần thế theo tinh thần Tin mừng, các tín hữu Công giáo Việt Nam thực hiện căn tính của mình là Kitô hữu tốt và công dân tốt. Trong viễn tượng này, qua việc áp dụng những điều kiện thuận lợi để thực thi tự do tôn giáo, các tín hữu Công giáo có thể thăng tiến đối thoại và mang lại hy vọng cho đất nước”.

Đức Thánh cha cũng trích dẫn lá thư năm 2009 của Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI gửi các giám mục Việt Nam, trong đó người viết: “Giáo hội mời gọi tất cả các phần tử hãy dấn thân trung thành xây dựng một xã hội công chính, liên đới và công bằng. Giáo hội tuyệt đối không hề có ý thay thế các vị hữu trách của chính quyền, và chỉ mong muốn có thể tham phần đúng đắn, trong một tinh thần đối thoại và cộng tác huynh đệ vào đời sống quốc gia, phục vụ toàn thể dân tộc”.

Đức Thánh cha nhắc đến sự dấn thân của các tín hữu Công giáo Việt Nam trong các hoạt động bác ái, lắng nghe tiếng kêu của những người nghèo, góp phần tích cực phục vụ nhân dân, đặc biệt trong thời kỳ đại dịch Covid-19. “Thực vậy, qua sự khuyến khích của mỗi giám mục và của Hội đồng Giám mục, Giáo hội Công giáo Việt Nam đã chứng tỏ là men trong xã hội, đồng hành với xã hội trong sự phát triển và góp phần vào sự tiến bộ, với tư cách là những tín hữu, có tinh thần trách nhiệm và đáng tin cậy” ...

“Anh chị em Việt Nam thân mến, các tín hữu Công giáo luôn sẵn sàng đáp lại hữu hiệu những nhu cầu thường nhật và tham gia vào việc xây dựng công ích, trong mọi lãnh vực của đời sống đất nước. Họ được kêu gọi thực thi giáo huấn của Chúa Giêsu “trở thành ánh sáng thế gian và muối đất” ...

Và Đức Thánh cha kết luận với lời cầu xin Chúa soi sáng cho mọi thành phần Dân Chúa tại Việt Nam để “Anh chị em biết làm chứng về tình thương và bác ái của Chúa Giêsu Kitô, để làm vinh danh Thiên Chúa, trong đời sống và trong những tương quan với chính quyền dân sự, và với mỗi người, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc và văn hóa”.

(Sala Stampa 29-9-2023)