Đức Thánh cha trả lời phỏng vấn trên đường từ Singapore về Roma
Trên chuyến bay dài hơn mười hai tiếng đồng hồ từ Singapore về Roma, hôm 13 tháng Chín vừa qua, như thường lệ, Đức Thánh cha Phanxicô đã họp báo, trả lời nhiều câu hỏi của các ký giả cùng đi, về các vấn đề thời sự. Đặc biệt, Đức Thánh cha than phiền vì bao nhiêu tổn hại vì chiến tranh tại Gaza, với hơn 41.000 người Palestine bị giết và không có những bước tiến hữu hiệu để đạt tới hòa bình.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Ký giả Mimmo Muolo của báo Công giáo Ý “Avvenire”, Tương Lai, hỏi Đức Thánh cha về cảm nghĩ của ngài về chiến tranh ở Gaza và có thể có một cuộc trung gian của Tòa Thánh giúp đạt tới một cuộc đình chiến hay không? Đức Thánh cha đáp:
“Tòa Thánh đang hoạt động cho mục tiêu đó. Tôi nói với các bạn về điều này: mọi ngày, tôi đều điện thoại cho Gaza, giáo xứ ở Gaza, trong giáo xứ và trường học tại đó có 600 người, Kitô hữu cũng như Hồi giáo, nhưng họ sống với nhau như anh chị em. Họ kể lại cho tôi những chuyện buồn, những điều khó khăn. Tôi không thể gọi hành động chiến tranh này là “quá khát máu” hay không, khi ta thấy những xác trẻ em bị giết, khi thấy người ta lấy cớ là có vài chiến binh ở một nơi nào đó, để dội bom vào một trường học: đó thật là xấu xa, quá xấu xa. Thỉnh thoảng, người ta bảo đây là một cuộc chiến tự vệ, nhưng nhiều lần tôi nghĩ rằng đây là một cuộc chiến tranh thái quá, và tôi thấy không có những bước được thực hiện để xây dựng hòa bình. Ví dụ, tại Verona, [trong cuộc gặp gỡ hòa bình ngày 18 tháng Năm năm 2024), tôi đã có một kinh nghiệm rất đẹp: một người Do thái có vợ bị thiệt mạng trong một vụ đánh bom, và một người Palestine ở Gaza, nơi con gái ông bị mất mạng. Cả hai đã nói về hòa bình, và họ đã ôm nhau để làm chứng về tình huynh đệ. Tôi muốn nói điều này: tình huynh đệ quan trọng hơn việc giết hại người anh em. Tình huynh đệ bắt tay nhau. Xét cho cùng, người thắng trận sẽ bị một thất bại lớn. Chiến tranh luôn luôn là một thất bại, không có luật trừ. Và chúng ta không được quên điều này. Vì thế, tất cả những gì chúng ta làm cho hòa bình đều là quan trọng. Và tôi cũng muốn nói điều này, có phần xen mình vào chính trị, nhưng tôi phải nói: “Tôi rất cám ơn những gì Quốc vương Giordani đang làm. Nhà vua là một người hòa bình và đang tìm cách thực hiện hòa bình. Vua Abdullah thực là một người tài giỏi và tốt lành”.
Bầu cử tại Mỹ
Nữ ký giả Anna Matranga của đài CBS News, ở Mỹ hỏi Đức Thánh cha về cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Mỹ, giữa hai ứng cử viên: một người ủng hộ phá thai và một người muốn trục xuất 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp, các cử tri Công giáo nên bỏ phiếu cho ai? Đức Thánh cha đáp:
“Cả hai đều chống lại sự sống, người trục xuất di dân và người giết hại các trẻ em. Cả hai đều chống sự sống. Tôi không thể nói phải bỏ phiếu cho ai, tôi không phải là người Mỹ. Nhưng điều thật rõ ràng là: trục xuất những người nhập cư, không cho họ được làm việc, không tiếp đón di dân, đó là tội, tội nặng. Trong Cựu ước, có một điệp khúc là cô nhi, quả phụ và khách ngụ cư, tức là di dân. Đó là ba nhóm người mà dân Israel phải gìn giữ. Ai không gìn giữ di dân thì thiếu sót, là một tội chống lại sự sống của những người ấy. Tôi đã cử hành thánh lễ ở biên giới, gần Giáo phận El Paso, có bao nhiêu giầy dép của những người di dân từ Trung Mỹ, bao nhiêu lần những người ấy bị đối xử như nô lệ, vì người ta lợi dụng họ. Di cư là một quyền, như trong Cựu ước đã nói tới. Đó là điều tôi nghĩ về những người di cư.”
Sang đến phá thai. Khoa học nói rằng trong tháng sau khi được thụ thai, bào thai đã có tất cả những cơ phận của một người. Phá thai là giết người. Dù muốn dù không về từ này, hành động đó vẫn là giết người. Giáo hội không khép kín vì không cho phép phá thai: Giáo hội không cho phép phá thai, vì việc làm đó là sát nhân. Về điều này chúng ta phải rõ ràng...
“Về việc bỏ phiếu: trong luân lý chính trị, người ta thường nói không bỏ phiếu là điều xấu: phải đi bầu. Và ta phải chọn sự ác nhỏ hơn: ai là người xấu hơn: phụ nữ phá thai hay người trục xuất di dân? Tôi không biết, mỗi người hãy suy nghĩ và thi hành theo lương tâm mình”.
Trong cuộc phỏng vấn, Đức Thánh cha còn ca ngợi và ngưỡng mộ Trung Quốc, đồng thời tái khẳng định ước muốn viếng thăm nước này. Ngài bày tỏ hài lòng về hiệp định tạm thời giữa Tòa Thánh và Trung Quốc, về việc bổ nhiệm giám mục, và nói rằng: “Trung Quốc là một lời hứa và là một hy vọng đối với Giáo hội”.
Ngoài ra, Đức Thánh cha cho biết chưa quyết định gì về việc trở về thăm quê hương Argentina, đồng thời bác bỏ tin đồn là ngài sẽ đến Paris để ngày 07 và 08 tháng Mười Hai sắp tới, khánh thành Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Paris, được tu bổ sau hỏa hoạn.
Sau khi về đến Roma lúc 6 giờ 46 phút chiều, như thói quen, Đức Thánh cha đã đến Đền thờ Đức Bà Cả để cầu nguyện, cảm tạ Đức Mẹ là Phần Rỗi của dân Roma đã phù hộ ngài trong chuyến viếng thăm mười hai ngày tại bốn quốc gia: Indonesia, Papua New Guinea, Đông Timor và Singapore.
(Vatican News 13-9-2024)