Đức Thánh cha tiếp kiến Liên mạng quốc tế các nhà lập pháp Công giáo

Photo: Vatican Media
Sáng ngày 24 tháng Tám vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến các tham dự viên cuộc gặp gỡ thường niên của Liên mạng quốc tế các nhà lập Công giáo, nhóm khóa họp thường niên bốn ngày tại Roma, về chủ đề: “Thế giới đang ở trong chiến tranh: những cuộc khủng hoảng và xung đột trường kỳ - điều này có nghĩa gì đối với chúng ta?”

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Liên mạng này được thành lập năm 2010, bên Áo và có trụ sở tại thủ đô Vienne của nước này. Hội nhóm họp mỗi năm một lần, thường là ở Roma. Hiện diện tại buổi tiếp kiến, cũng có Đức Hồng y Christoph Schönborn, Tổng giám mục Giáo phận Vienne.

Ngỏ lời trong dịp này, Đức Thánh cha nhận xét: “Đề tài khóa họp năm nay của Liên mạng quốc tế các nhà lập pháp Công giáo thật là thời sự. Thế giới đang ở trong tình trạng “thế chiến thứ ba từng mảnh” và dường như trường kỳ và không kìm hãm được. Cuộc khủng hoảng hiện nay đe dọa nghiêm trọng những nỗ lực kiên nhẫn mà cộng đồng quốc tế thực hiện, nhất là qua các hoạt động ngoại giao đa phương nhắm khuyến khích sự cộng tác trong việc đương đầu với những bất công trầm trọng và những thách đố nặng nề về mặt xã hội, kinh tế và môi trường mà gia đình nhân loại đang phải đương đầu”.

Đức Thánh cha đặt câu hỏi: “Đứng trước tình trạng đó, đâu là câu trả lời mà người ta chờ đợi từ phía các nhà lập pháp, và tất cả những người nam nữ thiện chí, đặc biệt từ những người có một quan điểm theo tinh thần Tin mừng, về gia đình nhân loại duy nhất và về ơn gọi kiến tạo một thế giới trong tinh thần huynh đệ, công lý và hòa bình?” Và ngài đề nghị hai thái độ:

Trước tiên là cần cấp thiết từ bỏ chiến tranh như một phương thế để giải quyết xung đột và thiết lập công lý, vì “mọi cuộc chiến tranh đều làm cho thế giới và nhân loại lâm vào tình trạng tệ hơn trước. “Chiến tranh là một thất bại của chính trị và nhân loại, một sự đầu hàng ô nhục, một chiến bại trước các thế lực của sự ác”. (Fratelli tutti, 261)

Thái độ thứ hai là cần kiên trì và nhẫn nại, đó là những “nhân đức của kẻ mạnh”, trong việc theo đuổi hòa bình, trong mọi cơ hội thuận tiện hay không thuận tiện, qua việc thương thuyết, làm trung gian và trọng tài. “Đối thoại phải là linh hồn của cộng đồng quốc tế” (Diễn văn trước ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, 8-1-2024). Sự đối thoại này được dễ dàng hơn nhờ sự tín nhiệm nơi các cơ cấu cộng tác quốc tế. Các cơ cấu này cần luôn được cải tổ và đổi mới để thích ứng với những hoàn cảnh hiện nay. Về vấn đề này, cần đặc biệt chú ý đến việc hỗ trợ công pháp quốc tế về nhân đạo và mang lại cho nó những căn bản pháp lý ngày càng vững chắc”.

(Sala Stampa 24-8-2024)