Đức Thánh cha Lêô gặp gỡ các Hồng y

Đức Thánh cha Lêô XIV đề cao và cám ơn Hồng y đoàn, đồng thời mời gọi các vị cộng tác để vác “Thánh Giá” Chúa đã trao phó. Ngài cũng cho biết đường hướng ngài sẽ đi theo trong triều đại Giáo hoàng.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đức Thánh cha bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm mùng 10 tháng Năm vừa qua, dành cho Hồng y đoàn.

Trong diễn văn, sau khi cám ơn Đức Hồng y Niên trưởng Giovanni Battista Re, Đức Hồng y Nhiếp chính Kevin Farrell, nhắc đến và chào thăm các Hồng y vì lý do sức khỏe không thể hiện diện, mời gọi các Hồng y “nhìn sự kiện ra đi của Đức Cố Giáo hoàng Phanxicô và mật nghị Hồng y như một sự viện Vượt Qua, một giai đoạn trong cuộc xuất hành dài qua đó Chúa tiếp tục hướng dẫn chúng ta tiến về cuộc sống sung mãn. Trong viễn tượng đó, chúng ta phó thác cho “Chúa Cha thương xót và Thiên Chúa của mọi an ủi” (2Cr 1,3), linh hồn Đức cố Giáo hoàng và tương lai của Giáo hội”.

Đức Thánh cha tái khẳng định rằng: “Giáo Hoàng, bắt đầu từ thánh Phêrô cho đến tôi là người kế nhiệm không xứng đáng của thánh nhân, là một tôi tớ khiêm hạ của Thiên Chúa và của anh chị em, không là gì khác hơn. Bao nhiêu vị tiền nhiệm của tôi đã chứng tỏ điều đó qua các mẫu gương, gần đây nhất là chính Đức Giáo hoàng Phanxicô, với lối sống hoàn toàn tận tụy trong việc phục vụ và rất đơn giản trong cuộc sống, phó thác cho Chúa trong sứ mạng và thanh thản tín thác trong lúc trở về nhà Cha. Chúng ta hãy đón nhận gia sản quý giá này và tái lên đường, được linh hoạt với cùng niềm hy vọng đến từ đức tin”.

Sau khi nhắc đến cuộc lữ hành của Dân Chúa, Đức Thánh cha Lêô nói thêm rằng: “Về vấn đề này, ngày hôm nay, tôi mong muốn chúng ta cùng nhau gắn bó với con đường mà từ nhiều thập niên qua, Giáo hội hoàn vũ đang tiến bước theo vết Công đồng chung Vatican II. Nhiều lần Đức Giáo hoàng Phanxicô nhắc nhớ Công đồng và thực thi như huấn quyền những nội dung chứa đựng trong Tông huấn Evangelii gaudium, Niềm vui Tin mừng, mà tôi muốn nhấn mạnh vài điều cơ bản, đó là: trở về với chỗ đứng thứ nhất của Chúa Kitô trong việc loan báo (Xc n.11); sự hoán cải toàn thể Cộng đồng Kitô theo tinh thần truyền giáo (Xc n.9); tăng trưởng trong đoàn thể tính và đồng hành tính (Xc n.33); quan tâm đến cảm thức đức tin, sensus fidei (Xc nn.119-120), đặc biệt trong những hình thức riêng biệt và bao gồm như lòng đạo đức bình dân (xc. n.123); chăm sóc trong tinh thần yêu thương đối với những người rốt cùng và bị bỏ rơi (Xc n.53); đối thoại can đảm và tin tưởng với thế giới hiện nay trong những thành phần và thực tại khác nhau (Xc n.84; GS 1-2).”

“Đó là những nguyên tắc Tin mừng luôn linh hoạt và soi sáng cho đời sống và hoạt động của Gia đình Thiên Chúa, các giá trị qua đó tôn nhan thương xót của Chúa Cha được tỏ lộ và tiếp tục được tỏ lộ trong Chúa Con làm người, hy vọng cuối cùng của những ai, với tâm hồn chân thành, tìm kiếm sự thật, công lý, hòa bình và tình huynh đệ (Xc Biển Đức 16, Spe salvi, 2; Phanxicô, Tông Sắc Spes non confudit, 3).”

Tại sao chọn tên Lêô

Đức Thánh cha cũng giải thích rằng: “Chính vì cảm thấy mình được kêu gọi tiếp tục đường hướng ấy mà tôi đã nghĩ đến việc chọn tên là Lêô XIV. Thực vậy, Đức Giáo hoàng Lêô XIII, với thông điệp lịch sử Rerum novarum, Tân sự, đã đương đầu với vấn đề xã hội trong bối cảnh cuộc đại cách mạng công nghệ đầu tiên; và ngày nay, Giáo hội đang cống hiến cho tất cả mọi người gia sản đạo lý xã hội của mình để đáp lại một cuộc cách mạng công nghệ khác và những phát triển trí tuệ nhân đạo, với những thách đố với trong việc bảo vệ phẩm giá con người, công lý và lao công”.

Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Anh em rất thân mến, tôi muốn kết thúc cuộc gặp gỡ của chúng ta, đón nhận làm của mình và cũng đề nghị với anh em, mong ước của thánh Giáo hoàng Phaolô VI, hồi năm 1963, đã đề ra vào đầu sứ vụ Phêrô của ngài: ‘Hãy bước đi trên toàn thế giới như một ngọn lửa lớn tin yêu, thắp sáng tất cả những người thiện chí, chiếu sáng những con đường cộng tác với nhau, và liên tục hút trên nhân loại sự hài lòng của Chúa, sức mạnh của Thiên Chúa, mà nếu không có ơn phù trợ của Ngài, thì không gì có giá trị, không gì là thánh thiện’ (Sứ điệp gửi toàn thể gia đình nhân loại ‘Qui fausto die’, 22-6-1963).”

(Sala Stampa 10-5-2025)