Đức Thánh cha lên đường viếng thăm Mông Cổ

Chiều ngày 31 tháng Tám năm 2023, Đức Thánh cha Phanxicô đã rời Roma, lên đường thực hiện chuyến tông du thứ 43 của ngài, cho tới ngày 04 tháng Chín sắp tới, tại Mông Cổ, một quốc gia to lớn về diện tích, nhưng dân cư ít ỏi và số tín hữu Công giáo thuộc hàng thấp nhất thế giới. Cuộc viếng thăm có khẩu hiệu là “Cùng nhau hy vọng”, như được in trong Logo của chuyến đi.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Theo thói quen, trước mọi cuộc tông du ở nước ngoài, chiều thứ Tư, ngày 30 tháng Tám, Đức Thánh cha đã đến cầu nguyện tại Đền thờ Đức Bà Cả, trước ảnh Đức Mẹ là phần rỗi của dân Roma, để xin ơn phù trợ và phó thác cho Mẹ Thiên Chúa chuyến đi của ngài. Đây là lần thứ 111 Đức Thánh cha đến cầu nguyện tại Đền thờ này.

Photo: Vatican Media

Tại phi trường

Đức Thánh cha đã từ Vatican tới phi trường quốc tế Fiumicino của thành Roma lúc quá 6 giờ chiều và đáp chuyến bay của hãng Ita Airway như thường lệ. Cùng đi với ngài trên chuyến bay, có khoảng 30 người thuộc đoàn tùy tùng, trong đó có Đức Hồng y Quốc vụ khanh Parolin, cùng với hai vị Tổng giám mục Phụ tá: Đức Tổng giám mục Pena, người Venezuela, đặc trách tổng vụ, và Đức Tổng giám mục Paul Gallagher, người Anh, đặc trách ngoại giao, Đức Hồng y Antonio Tagle, người Philippines, Quyền Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin mừng. Và như thường lệ có hàng chục ký giả quốc tế cùng đi.

Vài nét về đất nước về Giáo hội Công giáo Mông Cổ

Mông Cổ rộng hơn một triệu 560.000 cây số vuông, gấp năm lần Việt Nam và là quốc gia rộng thứ 19 trên thế giới, nhưng dân số chỉ có khoảng ba triệu 400.000 người, trong đó gần một nửa, tức là một triệu 400.000 người, sinh sống tại thủ đô Ulanbator.

Theo Niên giám năm ngoái (2022) của Tòa Thánh, Phủ doãn Tông tòa Ulanbator bao trùm toàn thể lãnh thổ Mông Cổ và chỉ có 1.360 tín hữu Công giáo, thuộc tám giáo xứ, hai giáo họ. Nhân sự của Giáo hội địa phương, ngoài Đức Hồng y Phủ doãn Giorgio Marengo, người Ý, cũng là vị hồng y trẻ nhất thế giới, mới 49 tuổi (1974), chỉ có năm linh mục giáo phận, trong số này có hai linh mục bản xứ, 19 linh mục dòng, 35 nữ tu, 28 tu huynh, tất cả đều là các thừa sai nước ngoài. Ngoài các giáo xứ, họ còn hoạt động tại 10 trường học, 54 tổ chức từ thiện, số người được rửa tội trong năm là 37 người.

Ngoài ra, theo thống kê của Tổ chức bác ái “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ”, 53% dân Mông Cổ là tín đồ Phật giáo Tây Tạng, 39% là người vô thần, 3% theo Hồi giáo, 3% theo đạo pháp thuật (samanismo) và chỉ có 2% theo Kitô giáo thuộc các hệ phái khác nhau, tức là khoảng 34.000 người, trong đó, nếu trừ đi gần 1.400 tín hữu Công giáo, thì 62.000 người còn lại thuộc các hệ phái Tin lành hoặc Chính thống. Trong thực tế, các giáo sĩ Kitô tại Mông Cổ hầu hết đều là người nước ngoài và các nhà truyền đạo Tin lành hoạt động rất mạnh để thu phục các tín đồ, khác hẳn phương pháp loan báo Tin mừng của Công giáo. Vì thế, nhà nước Mông Cổ tìm cách hạn chế. Họ chỉ cấp thị thực cư trú ngắn hạn cho các thừa sai, tức là chỉ được ở trong nước chín tháng mỗi năm, và sau đó phải ra khỏi nước ba tháng, sau đó xin thị thực trở lại, nhưng điều này không luôn luôn chắc chắn. Tòa Thánh hy vọng có thể đối thoại với nhà nước Mông Cổ về vấn đề này.

Cũng nên nói thêm rằng thủ đô Ulanbator bị coi là một trong những thành phố ô nhiễm nhất, theo Tổ chức Sức khỏe thế giới, như phúc trình hồi năm 2018 cho thấy: không khí tại đây bị coi là nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ em.

Sự ô nhiễm này một phần phát xuất từ các khu định cư bao quanh thành phố, khu vực gọi là Quận Ger: tại đây các gia đình nghèo đốt than thô mua chợ đen, cũng như các vỏ bánh xe, các chai nhựa và những đồ phế thải khác trong nhà của họ, gọi là Yurt, để sưởi ấm trong mùa đông giá buốt. 4 nhà máy than ở Ulanbator cũng làm gia tăng tình trạng ô nhiễm.

Tổ chức sức khỏe thế giới nói rằng khói bụi độc ở thành phố làm cho phổi của các trẻ em tại đây hoạt động 40% thấp hơn so với các trẻ em ở miền quê. Một nghiên cứu tại một nhà thương ở Mông Cổ cho thấy con số những vụ sảy thai ở thủ đô nước này tăng 3.6%. Trước tình trạng đó, từ năm 2019 chính phủ cấm đốt than thô, nhưng thành phố này vẫn tiếp tục phải chịu hậu quả của không khí ô nhiễm.

Mông Cổ có nhiều khoáng sản, kể cả Uranium, đồng, vàng và các đất quý khác, Nhiều công ty nước ngoài, trong đó có Nhật, Mỹ, và Trung Quốc có các liên doanh khai thác mỏ ở Mông Cổ.

(CNA 28-8-2023)