Đức Thánh cha chủ sự thánh lễ nhân Ngày Thế giới người nghèo Lần thứ VIII

Photo: Vatican Media
Sáng Chúa nhật 17 tháng Mười Một năm 2024, nhân Ngày Thế giới người nghèo Lần thứ VIII, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tại Đền thờ thánh Phêrô, vào lúc gần 10 giờ, trước sự tham dự của hơn 7.000 tín hữu.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Chủ đề Ngày Thế giới người nghèo năm nay được rút từ sách Huấn Ca, đó là: “Kinh nguyện của người nghèo vọng lên tới Thiên Chúa” (Xc Hc 21,5).

Đồng tế với Đức Thánh cha, có hơn một trăm linh mục và hai mươi sáu hồng y và giám mục, đặc biệt là Đức Tổng giám mục Rino Fisichella, Quyền Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin mừng, đặc trách các vấn đề cơ bản trong việc loan báo Tin mừng trên thế giới, giúp Đức Thánh cha làm các nghi thức khác tại bàn thờ. Hiện diện trong thánh lễ cũng có hàng ngàn người nghèo, do Hội Bác ái thánh Vinh Sơn chăm sóc, giúp đỡ.

Bài giảng của Đức Thánh cha

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh cha mời gọi các tín hữu hãy sống hy vọng giữa những bối cảnh đen tối, với bao nhiêu tai ương ngày nay và tích cực cộng tác để góp phần cải tiến tình hình mang lại hy vọng cho tha nhân.

Thực trạng thế giới ngày nay

Đi từ các bài đọc của ngày lễ, nói về thời kỳ lo âu và đau buồn chưa từng có giữa các dân nước (Đn 12,1-3) như hiện nay, Đức Thánh cha nói:

“Trước hết là sự lo âu. Đó là một tâm tình phổ biến trong thời đại chúng ta, trong đó các phương tiện truyền thông phóng đại các vấn đề và những vết thương làm cho thế giới trở nên bất an hơn và tương lai càng bấp bênh. Cả bài Tin mừng hôm nay cũng bắt đầu với một khung cảnh phóng vào vũ trụ sự sầu muộn của dân chúng, và Chúa Giêsu dùng một ngôn ngữ khải huyền: “Mặt trời tối sầm và mặt trăng không còn chiếu sáng nữa, các sao trời sa xuống và các quyền lực trên trời sẽ bị đảo lộn” (Mc 14,24-25).

Nhưng Đức Thánh cha cảnh giác: “Nếu cái nhìn của chúng ta chỉ dừng lại ở những tin tức thời sự, thì lo âu sẽ chiếm ưu thế trong chúng ta. Đúng vậy, cả ngày nay, chúng ta cũng thấy mặt trời u tối và mặt trăng tắt lịm. Chúng ta thấy đói kém đang đè nặng trên bao nhiêu anh chị em chúng ta, những kinh hoàng của chiến tranh và cái chết của những người vô tội; và trước bối cảnh đó, chúng ta có nguy cơ chìm sâu trong thất vọng và không nhận thấy sự hiện diện của Thiên Chúa giữa những thảm trạng của lịch sử. Như thế, chúng ta bị lâm vào tình trạng bất lực: chúng ta thấy gia tăng quanh chúng ta bất công tạo nên đau khổ cho người nghèo, nhưng chúng ta chiều theo trào lưu cam chịu của những người, vì tiện lợi hay vì lười biếng, nghĩ rằng “đời là thế” và “tôi không thể làm gì hơn được”. Như thế, đức tin Kitô bị thu hẹp vào lòng sùng mộ vô hại, không làm xáo trộn những quyền lực của thế giới này và không tạo nên một sự dấn thân cụ thể qua bác ái. Và trong khi một phần thế giới phải sống dưới đáy lịch sử, trong khi những chênh lệch gia tăng và kinh tế làm tê liệt những người yếu thế, xã hội bị dâng hiến cho thần tiền bạc và tiêu thụ, thì những người nghèo và những người bị loại trừ không thể làm gì khác hơn là tiếp tục chờ đợi” (x. Evangelii gaudium, 54).

Chúa Giêsu khơi lên hy vọng

Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Nhưng này đây, giữa khung cảnh kinh hoàng ấy, Chúa Giêsu thắp lên niềm hy vọng. Ngài mở toang chân trời, mở rộng cái nhìn của chúng ta để chúng ta học đón nhận sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa trở nên gần gũi chúng ta, cả trong tình trạng bấp bênh và đau khổ của thế giới. Chúa không bỏ rơi chúng ta nhưng Ngài thực thi ơn cứu độ cho chúng ta. Thực vây, chính trong khi mặt trời tối sầm lại, mặt trăng không còn chiếu sáng và sao trời sa xuống, như Tin mừng nói, “chúng ta sẽ thấy Con Người ngự đến trên đám mây, với quyền lực và vinh quang vĩ đại”; và Chúa “sẽ tập họp từ bốn phương trời những người Chúa đã tuyển chọn, từ tận cùng trái đất cho đến tận cùng của trời cao” (vv. 26-27).

Đức Thánh cha giải thích rằng: “Qua những lời đó, Chúa Giêsu trước tiên đang chỉ cho chúng ta thấy cái chết của Ngài sắp xảy ra. Thực vậy, trên đồi Canvê, mặt trời sẽ tối sầm và tối tăm sẽ bao phủ thế giới; nhưng chính trong lúc đó Con Người sẽ đến trên đám mây, vì quyền năng sự phục sinh của Ngài sẽ phá vỡ xiềng xích của sự chết và sự sống đời đời của Thiên Chúa sẽ bừng lên từ tối tăm của nấm mộ, và một thế giới mới sẽ nảy sinh từ những tro tàn của một lịch sử bị thương tổn vì sự ác”.

Những dấu chỉ hy vọng

Nhắc đến hình ảnh cây vả với cành mềm và lá xanh tươi được Chúa Giêsu dùng để báo mùa hè đến gần (v. 28), Đức Thánh cha nói: “Cũng vậy, chúng ta cũng được kêu gọi đọc những tình thế trong lịch sử trần thế của chúng ta: nơi nào dường như chỉ có bất công, đau khổ và nghèo đói, thì chính trong lúc bi thảm ấy, Chúa trở nên gần gũi để giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ và làm cho cuộc sống được rạng ngời” (v. 29).

Nhiệm vụ của chúng ta

“Và chính chúng ta, là những môn đệ của Chúa nhờ Thánh Linh, chúng ta cũng có thể gieo vãi hy vọng trong thế giới. Chính chúng ta có thể và phải thắp sáng công lý và liên đới, trong khi đen tối trở nên dày đặc của một thế giới khép kín (Fratelli tutti, 9-55). Chính chúng ta là những người được ơn thánh Chúa chiếu sáng, đời sống chúng ta được nhào nặn với cảm thương và bác ái trở thành dấu chỉ sự hiện diện của Chúa, luôn luôn gần gũi đau khổ của những người nghèo, để thoa dịu những vết thương và thay đổi số phận của họ”.

“Anh chị em thân mến, chúng ta đừng quên điều này: niềm hy vọng Kitô, được viên mãn trong Chúa Giêsu và được thể hiện trong Nước Chúa, đang cần chúng ta và sự dấn thân của chúng ta, cần một niềm tin hoạt động trong bác ái, cần những Kitô hữu không ngoảnh mặt đi....

Và chúng ta không chỉ nhìn những vấn đề lớn do nghèo đói trên thế giới, nhưng hãy xem những điều bé nhỏ mà tất cả chúng ta đều có thể làm mỗi ngày: qua lối sống, qua sự quan tâm và chăm sóc môi trường chúng ta đang sống, kiên trì tìm kiếm công lý, chia sẻ của cải với những người nghèo hơn, dấn thân vào xã hội và chính trị để cải tiến thực tại chung quanh. Điều ấy có vẻ là ít ỏi, nhưng chính sự ít ỏi ấy, như những lá đầu tiên mọc ra trên các cành của cây vả, là một sự báo trước mùa hè đang đến gần”.

Quan tâm đến người nghèo

Sau cùng, nhắc đến Ngày Thế giới người nghèo, Đức Thánh cha gợi lại lời Đức Hồng y Martini cố Tổng giám mục Giáo phận Milano, bắc Ý, nói về sự quan tâm đối với người nghèo: Trong thực tế, ta trở thành Giáo hội của Chúa Giêsu theo mức độ chúng ta phục vụ người nghèo, vì chỉ như thế, “Giáo hội mới trở thành chính mình, nghĩa là trở thành một căn nhà mở rộng cho tất cả mọi người, là nơi diễn ra lòng cảm thương của Thiên Chúa đối với cuộc sống của mỗi người” (C.M. Martini, Città senza mura. Lettere e discorsi alla diocesi, 1984, Bologna 1985, 350).

“Tôi nói điều này với Giáo hội, với các chính phủ các nước, và các tổ chức quốc tế. Tôi nói điều đó với mỗi người và từng người: xin chúng ta hãy vui lòng đừng quên những người nghèo”.

Thánh lễ kết thúc vào lúc 11 giờ 20.