Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha: Ước gì Chúa Thánh Thần giúp chúng ta luôn dồi dào trong hy vọng và trong sức mạnh của Người
Sáng thứ Tư, ngày 11 tháng Mười Hai vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung khoảng sáu ngàn các tín hữu hành hương, tại Đại thính đường Phaolô VI ở Nội thành Vatican.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Như thường lệ, sau khi bắt đầu với dấu thánh giá và lời chào phụng vụ, mọi người đã nghe đọc một đoạn Kinh thánh, trích từ sách Khải huyền (Kh 22,17.20):
“Thần khí và Hôn thê nói: “Hãy đến!”. Và người nào nghe, thì lập lại: “Hãy đến!”. Ai khát, hãy đến; ai muốn, hãy nhận nước hằng sống nhưng không. [...[. Người đang đợi những điều đó nói: “Đúng vậy, tôi đến ngay!” Amen, lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”.
Bài huấn giáo
Trong bài huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài về “Thánh Thần và Hôn Thê. Chúa Thánh Linh hướng dẫn Dân Chúa gặp gỡ Chúa Giêsu là niềm hy vọng của chúng ta”. Bài thứ mười bảy và cũng là bài cuối cùng của loạt bài này, có tựa đề là: “Chúa Thánh Thần và Hôn Thê nói: “Hãy đến! Chúa Thánh Thần và đức cậy trông Kitô giáo”.
Mở đầu bài huấn giáo, Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến! Chào anh chị em!
Chúng ta đã đi đến cuối các bài huấn giáo của chúng ta về Chúa Thánh Thần và Giáo hội. Chúng ta dành suy tư cuối cùng này về tựa đề chúng ta đã chọn cho toàn thể chu kỳ này, nghĩa là “Thánh Thần và Hôn Thê. Chúa Thánh Thần hướng dẫn Dân Chúa gặp Chúa Giêsu là niềm hy vọng của chúng ta”. Tựa đề này nói về một trong những câu cuối cùng của Kinh thánh, trong sách Khải huyền, nói rằng: Chúa Thánh Thần và Hôn Thê nói: “Hãy đến!” (Kh 22,17). Lời kêu mời này nói với ai vậy? Thưa, đó là Chúa Kitô Phục Sinh. Thực vậy, cả thánh Phaolô lẫn sách Didaché, một trong những tác phẩm thời các tông đồ, làm chứng rằng trong các cuộc hội họp phụng vụ của các Kitô tiên khởi, vang dội bằng tiếng Aramaico, tiếng kêu Manana tha!” có nghĩa là “Lạy Chúa, xin hãy đến!”
Trong câu này, lời khẩn cầu cổ kính nhất có một bối cảnh mà ngày nay chúng ta gọi là cánh chung. Thực vậy, nó diễn tả sự mong đợi nồng nhiệt Chúa trở lại trong vinh quang, gọi là “parusia”. Tiếng gọi và sự mong đợi mà nó diễn tả không bao giờ tắt lịm trong Giáo hội. Cả ngày nay trong thánh lễ, ngay sau lúc truyền phép, Giáo hội tuyên xưng cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô và “mong đợi Chúa đến”.
Nhưng mong đợi sự giáng lâm cuối cùng của Chúa Kitô không phải là độc nhất. Cùng với mong đợi đó cũng có một sự mong đợi Chúa đến liên tục trong tình trạng ngày nay và trong cuộc lữ hành của Giáo hội. Giáo hội đặc biệt nghĩ đến sự giáng lâm ấy, khi được Chúa Thánh Thần linh hoạt đã kêu lên cùng Chúa Giêsu: “Xin hãy đến!”
Và đã xảy ra một sự thay đổi - đúng hơn là một sự phát triển đầy ý nghĩa, về vấn đề tiếng kêu “Hãy đến!” trên môi miệng của Giáo hội. Tiếng kêu ấy thường không ngỏ với một mình Chúa Kitô mà thôi, nhưng cả Chúa Thánh Thần! Đấng đang kêu và bây giờ cũng là Đấng mà ta kêu “Xin hãy đến!”. Đó là sự khẩn cầu, qua đó bắt đầu bất kỳ ca vịnh và kinh nguyện nào được gửi đến Chúa Thánh Thần: “Lạy Thánh Thần sáng tạo, xin hãy đến”, chúng ta nói trong kinh cầu xin Chúa Thánh Thần ngự đến, Veni Sancte Spiritus, Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến, chúng ta đọc trong kinh “Veni Creator”, với ca tiếp liên của Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Và cũng thế, trong bao nhiêu kinh nguyện khác. Và thật là đúng như vậy, vì sau khi Chúa Sống lại, Chúa Thánh Thần là alter ego, là hiện thân của Chúa Kitô, Đấng là đại diện, làm cho Người hiện diện và hoạt động trong Giáo hội. Chính Ngài là Đấng loan báo những sự tương lai (Xc Ga 16,13) và làm cho người ta mong muốn và chờ đợi. Đó là lý do tại sao Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần không thể tách rời nhau, cả trong nhiệm cục cứu độ”.
Chúa Thánh Thần là nguồn mạch luôn tươi mát của niềm hy vọng Kitô. Thánh Phaolô đã để lại cho chúng ta những lời quý giá này: “Xin Thiên Chúa của niềm hy vọng làm anh chị em tràn đầy trong niềm tin bằng mọi vui mừng và bình an, để anh chị em được dồi dào trong niềm hy vọng nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần” (Rm 15,13). Nếu Giáo hội là một con thuyền, thì Chúa Thánh Thần là cánh buồm thúc đẩy Giáo hội và làm cho Giáo hội tiến bước trong biển lịch sử ngày nay cũng như trong quá khứ!
Hy vọng không phải là một từ trống rỗng, hoặc một ước muốn mơ hồ của chúng ta mong mọi sự tốt đẹp hơn: đó là một sự chắc chắn, vì dựa trên lòng trung tín của Thiên Chúa với những lời Ngài hứa. Vì thế, nó được gọi là nhân đức hướng thần, vì được Thiên Chúa phú ban và có Chúa là Đấng bảo đảm. Đó không phải là một nhân đức thụ động, chỉ giới hạn vào việc chờ đợi những sự xảy đến. Trái lại, đó là một nhân đức rất tích cực, giúp làm cho chúng xảy đến. Có người đã chiến đấu cho sự giải thoát những người nghèo, đã viết những lời này: “Chúa Thánh Thần là nguồn gốc tiếng kêu của những người nghèo. Ngài là sức mạnh được ban cho những người không có sức mạnh. Ngài hướng dẫn cuộc tranh đấu cho sự giải phóng và hoàn thành của dân tộc những người bị áp bức!
Kitô hữu không thể chỉ hài lòng vì có hy vọng; nhưng còn phải chiếu tỏa hy vọng, là người gieo vãi hy vọng. Đó là một hồng ân đẹp nhất mà Giáo hội có thể làm cho toàn nhân loại, nhất là trong những lúc tất cả dường như thúc đẩy hạ buồm.
Thánh Phêrô tông đồ nhắn nhủ các tín hữu Kitô tiên khởi với những lời này: Anh chị em hãy thờ lạy Chúa là Đức Kitô trong tâm hồn anh chị em, luôn sẵn sàng trả lẽ cho người hỏi anh chị em lý do tại sao anh chị em hy vọng”. Nhưng thêm một lời nhắn nhủ: Những điều này hãy thực thi trong dịu dàng và tôn trọng” (1 Pr 3,15-16). Đúng vậy, vì sẽ không phải bằng sức mạnh của những lý lẽ mà ta thuyết phục con người, nhưng bằng tình thương mà chúng ta biết đặt nơi họ. Đó là hình thức đầu tiên và hữu hiệu nhất để loan báo Tin mừng. Và được mở ra cho tất cả mọi người! Anh chị em thân mến, ước gì Chúa Thánh Thần luôn giúp chúng ta được dồi dào trong hy vọng và trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần!”
Chào thăm và kêu gọi
Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý, các độc giả đã tóm tắt bằng chín ngôn ngữ, kèm theo những lời chào thăm của Đức Thánh cha.
Khi chào nhóm tiếng Pháp, Đức Thánh cha đặc biệt nhắc đến nhóm làm việc của Hội kỹ thuật nhân bản (Human Technology Foundation) và nhóm bạn trẻ thuộc Học viện Gerson ở Paris. Và ngài nhắn nhủ rằng: “Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta mạnh mẽ trong khi chờ đợi Chúa Giêsu đến và chúng ta hãy xin Chúa soi sáng cho chúng ta trong việc làm cho thế giới trở nên huynh đệ hơn để chờ đợi Chúa giáng lâm”.
Với các tín hữu hành hương người Ba Lan, Đức Thánh cha ghi nhận rằng tại nước này có truyền thống rất sinh động là cử hành thánh lễ cầu mùa Rorate caeli, xin Trời đổ sương mai. Ước gì biểu tượng sâu xa của phụng vụ này, cũng như sự phong phú của các thánh ca Mùa vọng giúp anh chị em ngỏ lời với Thiên Chúa qua kinh nghiệm cổ kính của Giáo hội là: Maràna tha, Lạy Chúa, xin hãy đến!
Sau cùng khi chào bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha đặc biệt nhắc đến các đại diện của Liên hiệp Dân ca Ý, đang kỷ niệm 40 năm hoạt động và ngài khích lệ họ bảo tồn di sản văn hóa của lãnh thổ rất phong phú các giá trị tôn giáo và tinh thần.
Đức Thánh cha nghĩ đến các bạn trẻ, các bệnh nhân, người cao tuổi và các đôi tân hôn, đồng thời nhắc nhớ rằng: Trong Mùa vọng này, với tâm hồn tín thác anh chị em hãy đi gặp Chúa đang đến cứu độ chúng ta.
Đức Thánh cha không quên nhắc nhở các tín hữu hãy cầu nguyện cho Ucraina đau thương vì chiến tranh và bao nhiêu nước khác đang chịu khổ đau vì những xung đột vũ trang.
Buổi tiếp kiến chung được kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.