Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha: Thánh Daniel Comboni, tông đồ Phi châu và ngôn sứ truyền giáo

Photo: Vatican Media

Sáng thứ Tư, ngày 20 tháng Chín vừa qua, có khoảng 25.000 tín hữu hành hương từ khắp nơi, đến tham dự buổi Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha Phanxicô, tại Quảng trường thánh Phêrô. Trong số này, có khoảng mười lăm giám mục các nước.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đầu buổi tiếp kiến, như thường lệ, mọi người đã nghe đọc một đoạn sách thánh, trích từ thư thứ I thánh Phaolô gửi tín hữu thành Thessalonica (2,4.7b-8):

“Anh em, như Thiên Chúa đã coi chúng tôi là xứng đáng để ủy thác Tin mừng cho chúng tôi, chúng tôi loan báo Tin mừng, không tìm cách làm hài lòng loài người nhưng làm hài lòng Thiên Chúa, Đấng thử thách tâm hồn chúng tôi [...]. Chúng tôi ở giữa anh em, cư xử thật dịu dàng như người mẹ hiền ấp ủ con thơ. Chúng tôi đã quý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin mừng của Thiên Chúa, nhưng cả mạng sống của chúng tôi nữa, vì anh em đã trở nên những người thân yêu của chúng tôi”.

Bài huấn giáo

Trong phần huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài về “sự hăng say loan báo Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của tín hữu”. Bài thứ hai mươi mốt này có tựa đề: “Thánh Daniel Comboni, tông đồ Phi châu và ngôn sứ truyền giáo”.

Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong hành trình huấn giáo về sự hăng say loan báo Tin mừng, hôm nay chúng ta dừng lại nơi chứng tá của thánh Daniele Comboni. Ngài là một tông đồ đầy nhiệt thành đối với Phi châu. Về các dân tộc ấy, thánh nhân viết: “Họ đã chiếm đoạt tâm hồn tôi và tôi chỉ sống cho họ” (Scritti, 941). “Tôi sẽ chết với Phi châu trên miệng tôi” (Scritti, 1441). Và thánh nhân ngỏ lời với họ thế này: “Ngày đẹp nhất trong đời tôi sẽ là ngày tôi có thể hiến mạng sống vì anh chị em” (Scritti, 3159). Đó là lối diễn tả của một người say mê Thiên Chúa và anh chị em mà họ phục vụ trong sứ mạng, và không mệt mỏi nhắc nhớ cho họ rằng “Chúa Giêsu Kitô cũng đã chịu đau khổ và chết cho họ” (Scritti, 2499; 4801).

Nạn nô lệ ở Phi châu

Thánh nhân khẳng định điều đó, trong bối cảnh nạn nô lệ kinh khủng mà ngài chứng kiến. Nạn nô lệ biến con người thành đồ vật, giá trị của họ tùy thuộc họ có hữu ích cho người chủ hay để dùng vào điều gì. Nhưng Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người, đã nâng cao phẩm giá của mỗi người và đã vạch trần sự giả dối của nạn nô lệ. Thánh Comboni, dưới ánh sáng của Chúa Kitô, ý thức về sự ác của nô lệ; ngoài ra ngài hiểu rằng nô lệ, về mặt xã hội, ăn rễ trong một thứ nô lệ sâu xa hơn, đó là sự nô lệ của tâm hồn, nô lệ tội lỗi, mà Chúa Giêsu giải thoát chúng ta. Vì thế, với tư cách là Kitô hữu, chúng ta được kêu gọi bài trừ mọi hình thức nô lệ. Nhưng rất tiếc là nạn nô lệ, cũng như chế độ thuộc địa, không phải là một ký ức về quá khứ. Tại Phi châu mà thánh Comboni rất yêu thương, ngày nay đang bị xâu xé vì nhiều cuộc xung đột, “sau cuộc xung đột chính trị, đã bộc phát (...) một “chế độ thuộc địa kinh tế”, cũng nô lệ hóa con người không kém (...). Đó là một thảm trạng mà thế giới kinh tế tân tiến thường nhắm mắt, bịt tai và khép miệng”. Vì thế, tôi lập lại lời kêu gọi: “Đừng bóp nghẹt Phi châu nữa: đó không phải là một mỏ để khai thác hoăc một lãnh thổ để cướp bóc” (Gặp gỡ chính quyền, Kinshasa, 31-1-2023).

Con đường mới của thánh Comboni

Đức Thánh cha nói tiếp: “Chúng ta hãy trở lại chuyện thánh Daniele. Sau khi trải qua thời kỳ đầu tiên ở Phi châu, ngài đã phải rời bỏ vì lý do sức khỏe. Quá nhiều thừa sai đã chết sau khi mắc bệnh, vì ít am tường về thực tại địa phương. Tuy những người khác đã rời bỏ Phi châu, nhưng thánh Comboni không làm như vậy. Sau một thời gian phân định, ngài nhận thấy rằng Chúa soi sáng cho ngài một con đường mới để loan báo Tin mừng, mà ngài tóm tắt thế này: “Cứu Phi châu bằng Phi châu” (Scritt, 2741s). Đó là một trực giác mạnh mẽ, đã góp phần canh tân quyết tâm truyền giáo: những người được loan báo Tin mừng không phải chỉ là “đối tượng”, nhưng là những “chủ thể” của công cuộc truyền giáo. Thánh Daniele muốn làm cho tất cả các Kitô hữu thành những nhân vật chính của hoạt động loan báo Tin mừng. Với tâm hồn ấy, ngài nghĩ đến và hành động một cách toàn diện, đưa hàng giáo sĩ địa phương can dự và thăng tiến việc phục vụ của các giáo lý viên như giáo dân. Qua đó, thánh nhân cũng quan niệm sự phát triển con người, chăm sóc nghệ thuật và các nghề nghiệp, tạo điều kiện cho vai trò của gia đình và phụ nữ trong việc biến đổi văn hóa và xã hội. Điều rất quan trọng, kể cả ngày nay, đó là làm cho đức tin tiến triển và phát triển nhân bản từ bên trong bối cảnh truyền giáo, thay vì du nhập những kiểu mẫu từ bên ngoài hoặc chỉ giới hạn vào chủ trương duy trợ giúp không có lợi!

Động lực chính yếu của việc truyền giáo

Nhưng lòng hăng say nhiệt thành truyền giáo của thánh Comboni, không phải là thành quả chính yếu sự dấn thân nhân trần của ngài: ngài không được thức đẩy nhờ lòng can đảm hoặc chỉ được những giá trị quan trọng thôi thúc, như tự do, công lý, và hòa bình; lòng nhiệt thành của thánh nhân này sinh từ niềm vui Tin mừng, kín múc nơi tình yêu Chúa Kitô và mang tới tình yêu mến Chúa Kitô! Thánh Daniele viết: “Một sứ mạng truyền giáo cam go và đòi nhiều cần cù, như sứ mạng của chúng ta không thể sống hời hợt bên ngoài, trong thái độ của người giả hình, đầy ích kỷ và đầy cái tôi, không chăm sóc đúng phép cho sức khỏe và sự hoán cải các linh hồn”. Thánh nhân viết thêm rằng: “Cần làm cho họ nồng nhiệt nhờ lòng bác ái, là nhân đức vốn có nguồn mạch nơi Thiên Chúa, và từ tình yêu Chúa Kitô”. Khi ấy, những thiếu thốn, đau khổ và tử đạo trở thành những điều ngọt ngào” (Scritti, 6656). Ước muốn của thánh Comboni là được thấy các thừa sai nhiệt thành, vui tươi và dấn thân: - ngài viết - những thừa sai thánh thiện và có khả năng [...]. Trước tiên là thánh thiện, nghĩa là xa tránh tội lỗi và có lòng khiêm tốn. Nhưng không đủ: cần có đức bác ái làm cho họ thành những người có khả năng” (Scritti, 5544). Nguồn mạch khả năng truyền giáo, đối với thánh Comboni, là đức bác ái, đặc biệt là lòng nhiệt thành trong việc đón nhận đau khổ của người khác như của mình, cảm thấy đau khổ ấy nơi bản thân và biết thoa dịu chúng, như người xứ Xirênê của nhân loại”.

Hoạt động trong sự liên kết

Đức Thánh cha nhận xét rằng: “Lòng hăng say loan báo Tin mừng không bao giờ làm thánh Comboni hoạt động như người đơn ca, nhưng luôn luôn trong tình hiệp thông, trong Giáo hội: “Tôi chỉ có đời sống cần thánh hiến cho sức khỏe của các linh hồn, tôi muốn có một ngàn cuộc sống để tiêu hao vì vì mục ấy”, như thánh nhân đã viết (Scritti, 2271). Một cuộc sống hay một ngàn cuộc sống: Chúng ta là ai với cuộc đời ngắn ngủi của mình, nếu không phải là toàn thể Giáo hội thi hành việc truyền giáo? Hoạt động nhiệt thành của chúng ta là gì, nếu không phải là hoạt động của Giáo hội? Đó là điều thánh Comboni dường như muốn hỏi chúng ta”.

Và Đức Thánh cha kết luận rằng: Anh chị em thân mến, thánh Daniele làm chứng về tình yêu của vị Mục tử nhân lành, đi tìm con chiên lạc, và hiến mạng sống vì đoàn chiên. Lòng nhiệt thành của ngài thật là mạnh mẽ và có đặc tính ngôn sứ, khi chống lại thái độ dửng dưng và loại trừ. Trong các thư, thánh nhân tha thiết nhắc đến Giáo hội yêu quý của ngài, Giáo hội mà rất tiếc là bị quên lãng trong thời gian quá lâu, đó là Giáo hội Phi châu. Giấc mơ của thánh Comboni là một Giáo hội có cùng chính nghĩa chung với những người bị đóng đinh trong lịch sử, để cùng họ cảm nghiệm sự sống lại. Chứng từ của thánh nhân dường như được lập lại cho tất cả chúng ta, những người nam nữ của Giáo hội: “Anh chị em đừng quên những người nghèo, hãy yêu thương họ, vì trong họ có Chúa Giêsu chịu đóng đinh hiện diện, trong khi chờ đợi sống lại”.

Chào thăm và mời gọi

Bài huấn dụ trên đây được tóm tắt trong nhiều thứ tiếng cho các nhóm tín hữu thuộc các ngôn ngữ khác nhau, cùng với lời chào thăm và nhắn nhủ của Đức Thánh cha.

Đặc biệt, khi nói với các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh cha nhắc đến một nhóm người khuyết tật thuộc viện trị liệu của các nữ tu Dòng Nữ Tỳ Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Szumowo, cùng với những người trợ giúp. Ngài nói: “Thánh Daniele Comboni là một người yêu Chúa và anh chị em. Hôm nay, thánh nhân mời gọi chúng ta đừng bao giờ quên những người nghèo, nhưng yêu thương họ, vì nơi họ có sự hiện diện của Chúa Giêsu chịu đóng đinh, trong khi chờ đợi phục sinh.”

Bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha chào thăm các thành viên Dòng Thừa Sai Đức Tin, đang nhóm Tổng tu nghị, trong số các thành viên có năm linh mục Việt Nam. Ngài cũng chào các nữ Thừa sai Tu hội Đức Mẹ Maria, cả hai nhóm đang cử hành Tổng tu nghị, đồng thời ngài cầu xin ơn phù trợ của Chúa và Đức Mẹ trên các tu sĩ ấy để họ ngày càng phục vụ Tin mừng và Giáo hội một cách phong phú hơn. Đức Thánh cha chào thăm các tham dự viên khóa cập nhật thần học tại Đại học Giáo hoàng Thánh Giá của Giám hạt tòng nhân Opus Dei ở Roma, và các sinh viên Học viện Giáo hoàng Mêhicô, Học viện quốc tế Mẹ Giáo hội. Đức Thánh cha chúc lành cho từng người trong họ.

Sau cùng, Đức Thánh cha nhắc đến những người trẻ, bệnh nhân và người cao niên, cũng như các đôi tân hôn, đồng thời nói rằng: “Hôm nay, chúng ta kính thánh Anrê Kim Đại Kiến, và Phaolô Đinh Hạ Tường (Chong Hasang) cùng với các bạn tử đạo Hàn Quốc. Ước gì tấm gương anh dũng của các ngài là nguồn mạch nâng đỡ cho tất cả mọi người trong việc thực hiện những chọn lựa đòi nhiều dấn thân và là an ủi trong những lúc khó khăn. Chúng ta tiếp tục hiệp nhất trong sự gần gũi và cầu nguyện cho Ucraina yêu quý đang chịu đau khổ”.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.