Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha: Thánh Cirillo và Metodio, tông đồ của các dân tộc Slaves

Photo: Vatican Media

Sáng thứ Tư, ngày 25 tháng Mười vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung gần 20.000 tín hữu hành hương, tại Quảng trường thánh Phêrô. Hiện diện tại đây có nhiều binh sĩ Ý, thuộc một ban quân nhạc, và một đoàn thiếu nữ Ba Lan trong y phục truyền thống.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Như thường lệ, là phần tôn vinh Lời Chúa: cộng đoàn đã nghe đọc đoạn sách Tông đồ công vụ (Cv 11,2-4.15-17), bằng tám ngôn ngữ khác nhau:

“Khi ông Phêrô lên Jerusalem, các tín hữu đã chịu cắt bì trách cứ ngài và nói rằng: “Ông vào nhà những người không cắt bì và ăn uống với họ!” Bấy giờ, ông Phêrô bắt đầu kể lại theo thứ tự và nói rằng: [...] “Tôi vừa bắt đầu nói thì Thánh Thần xuống trên họ, như lúc ban đầu xảy ra cho chúng ta. [....] Vậy, nếu Thiên Chúa đã ban cho họ cùng hồng ân như đã ban cho chúng ta, vì họ đã tin nơi Chúa Giêsu Kitô, thì tôi là ai mà có thể cấm cản Thiên Chúa”.

Bài huấn giáo

Trong phần huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài về “sự hăng say loan báo Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của tín hữu”. Bài thứ 24 này có tựa đề: “Thánh Cirillo và Metodio, tông đồ của các dân tộc Slaves”.

Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, tôi nói với anh chị em về hai anh em rất nổi tiếng ở Đông phương Kitô, đến độ họ được gọi là “tông đồ của người Slaves”: đó là thánh Cirillo và Metodio. Sinh tại Hy Lạp hồi thế kỷ thứ IX trong một gia đình quí tộc, cả hai đã từ bỏ sự nghiệp chính trị để dấn thân sống đời đan tu. Nhưng giấc mơ một cuộc sống ẩn dật chẳng kéo dài bao lâu. Cả hai được gửi đi như thừa sai tới miền Đại Moravia, thời đó gồm các dân tộc khác nhau, tuy đã được phần nào loan báo Tin mừng, nhưng nơi họ vẫn còn nhiều phong tục và truyền thống dân ngoại. Vua của họ đã xin một vị tôn sư giải thích đức tin Kitô trong ngôn ngữ của họ.

Học hỏi về văn hóa Slaves

Vì thế, điều đầu tiên thánh Cirillo và Metodio làm là học hỏi kỹ lưỡng nền văn hóa của các dân tộc ấy. Cirillo hỏi xem họ đã có một mẫu tự chưa, họ nói là chưa. Và Cirillo nói: “Ai có thể viết được một diễn văn trên nước?”. Thực vậy, để loan báo Tin mừng và cầu nguyện, cần có một phương tiện riêng, thích hợp và chuyên biệt. Và thế là ngài phát minh ra mẫu tự slave. Ngài dịch Kinh thánh và các văn bản phụng vụ. Dân chúng cảm thấy rằng đức tin Kitô không còn “xa lạ” nữa, nhưng trở thành đức tin của họ, được nói trong tiếng mẹ của họ. Anh chị em nghĩ xem: hai đan sĩ Hy Lạp tạo nên mẫu tự slave! Đó là sự cởi mở tâm hồn làm cho Tin mừng ăn rễ sâu nơi họ.

Vượt thắng những chống đối

Nhưng chẳng bao lâu sau, bắt đầu có những chống đối từ phía một vài người Latinh. Họ thấy bị tước mất độc quyền rao giảng cho những người Slave. Vấn nạn của họ thuộc lãnh vực tôn giáo, nhưng chỉ có vẻ bề ngoài: Họ nói Thiên Chúa chỉ có thể được chúc tụng trong ba chữ viết trên thập giá, là tiếng Do thái, Hy Lạp và Latinh. Nhưng Cirilo mạnh mẽ trả lời: “Thiên Chúa muốn mỗi dân tộc chúc tụng Người trong ngôn ngữ riêng của họ”.

Cùng với em là Metodio, cả hai khiếu nại lên Đức Giáo hoàng và ngài phê chuẩn các sách phụng vụ của họ bằng tiếng slave, đặt trên bàn thờ của Đền thờ Đức Bà Cả và cùng hát chúc tụng Thiên Chúa với những sách ấy. Thánh Cirillo qua đời ít ngày sau đó và hài cốt của ngài vẫn còn được tôn kính tại Roma này ở Vương Cung thánh đường thánh Clemente.

Trái lại, Metodio thụ phong giám mục và được gửi trở lại các lãnh thổ của người slaves. Ở đó, ngài chịu nhiều đau khổ, và cũng bị cầm tù, nhưng Lời Chúa không bị giam cầm và phổ biến nơi các dân tộc ấy.

Nhận định của Đức Thánh cha

Đức Thánh cha nói: “Trước chứng tá của hai vị truyền giáo ấy, thánh Gioan Phaolô II đã muốn tôn hai vị là Đồng Bổn mạng của Âu châu và đã soạn thông điệp “Slavorum Apostoli”, các tông đồ của người Slaves. Bây giờ, chúng ta suy tư về ba khía cạnh quan trọng.

Ba khía cạnh

Trước tiên là sự hiệp nhất: những người Hy Lạp, Đức Giáo hoàng và những người Slaves: thời đó ở Âu châu, Kitô giáo không bị phân rẽ, cộng tác với nhau để loan báo Tin mừng. Việc truyền giáo bị suy yếu hơn nếu không có sự hiệp nhất: một Chúa Kitô “bị phân hóa” là một gương mù đối với những người được loan báo. Cả ngày nay, Tin mừng sẽ quyết liệt hơn nếu sự hiệp nhất của chúng ta tăng trưởng trong Chúa Kitô.

Khía cạnh thứ hai quan trọng là sự hội nhập văn hóa: loan báo Tin mừng và văn hóa có liên hệ mật thiết với nhau. Tại sao tại những phần đất ấy, việc rao giảng trước thời thánh Cirillo và Metodio không tiến hành tốt? Thưa, vì nó xa lạ, “được nhập khẩu”, xa vời đối với tâm tình của các dân tộc ấy, ngôn ngữ và văn hóa của họ. Nhưng ngay sau khi những người chủ trương tinh tuyền lên tòa giảng, họ nói là không thể được. Họ đóng khung Tin mừng trong những gì họ coi là “những ngôn ngữ thánh thiêng”. Nhưng như thế, nhân danh một sự thánh thiêng ngụy tạo, họ cản trở hành trình của Lời Chúa tới các dân tộc mới. Sự hội nhập văn hóa rất quan trọng. Hai đan sĩ ấy, dưới ánh sáng Tin mừng, đã phát triển một phương pháp truyền giáo, khai sinh ra một mẫu tự mới, giúp làm tăng trưởng văn hóa phong phú và có sức thu hút. Sứ vụ truyền giáo là kẻ thù đích thực của mọi sự khép kín, mọi quốc gia chủ nghĩa. Nó “dịu dàng” tử tế; đồng hóa với dân tộc họ đến loan báo, không tự phụ tự cao. Chúa Kitô không cầm hãm, không đóng kín, không dựng lên những bức tường, nhưng kích thích các năng lực đẹp đẽ hơn của các dân tộc.

Khía cạnh cuối cùng là tự do. Tôi muốn ghi nhận rằng Đức Giáo hoàng, trong những hoàn cảnh ấy, đã đứng về phía tự do Tin mừng, ủng hộ những thừa sai can đảm đó. Ở đây, sứ vụ Phêrô chứng tỏ việc phục vụ một Tin mừng không chấp nhận bị đóng khung, nhưng cởi mở đối với tương lai của Thiên Chúa; đề cao điều mà Thánh Linh đã gieo vãi và không đồng nhất với những hình thức quá khứ. Thiên Chúa tự do và giải thoát.

Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cầu xin thánh Cirillo và Metodio tông đồ của các dân tộc Slaves để trở thành những dụng cụ của “tự do trong bác ái” đối với những người khác. Và chúng ta hãy đặc biệt nghĩ đến những miền Âu châu ngày nay bị chao đảo vì chiến tranh: xin Thánh Linh của Thiên Chúa cởi mở tâm trí để đi xa hơn, nghĩa là những phương pháp mới để liên hệ, làm phong phú các nền văn hóa với tinh thần hòa bình, vượt lên trên những hàng rào của thành kiến hoặc quá khứ làm nghẹt. Chúa Thánh Linh chẳng phải là hơi thở của Thiên Chúa hay sao? Chúng ta hãy cùng nhau hô hấp bằng hai buồng phổi của Giáo hội, buồng phổi đông phương và buồng phổi Tây phương. Chúng ta hãy thở hít các nền văn hóa vượt xa hơn hơi thở ngắn ngủi của oán ghét và đối nghịch.”

Chào thăm và mời gọi

Bài huấn dụ trên đây được tóm tắt trong nhiều thứ tiếng cho các nhóm tín hữu thuộc các ngôn ngữ khác nhau, như Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Arập và Ba Lan, cùng với lời chào thăm và nhắn nhủ vắn tắt của Đức Thánh cha.

Khi chào bằng tiếng Anh, Đức Thánh cha cũng nhắc đến các tín hữu đến từ nhiều nước, trong đó có Anh quốc, Ailen, Việt Nam, Indonesia, Philippines, Mỹ và Canada.

Ngỏ lời với các tín hữu nói tiếng Pháp, Đức Thánh cha nhắc đến các tín hữu hành hương từ Benin bên Phi châu, Thụy Sĩ và Pháp, đặc biệt các bạn trẻ chịu phép Thêm sức từ Giáo phận Rouen, Bayeux và Coutances được các giám mục liên hệ tháp tùng.

Đức Thánh cha cũng nhắc nhở rằng tuần tới đây có Lễ Các Thánh. Ngài nói: “Chúng ta hãy chuẩn bị đại lễ này, xin các thánh trong các gia đình anh chị em nâng đỡ trong hành trình nhiều khi vất vả để trung thành với Tin mừng và gìn giữ tâm hồn anh chị em trong hy vọng chia sẻ niềm vui của các thánh cùng với Chúa và tất cả những người chúng ta đã yêu thương và quen biết”.

Khi chào các tín hữu nói tiếng Ba Lan, Đức Thánh cha nói rằng: “Trong tuần lễ truyền giáo này, anh chị em đặc biệt nhớ đến trong kinh nguyện đông đảo các thừa sai nam nữ từ Ba Lan, với tâm hồn nhiệt thành, đang loan báo Tin mừng ở mọi đại lục. Anh chị em hãy nỗ lực để lòng nhiệt thành và sự dấn thân truyền giáo không giảm sút trong các cộng đoàn của anh chị em”.

Sau cùng, khi chào các tín hữu nói tiếng Ý, Đức Thánh cha nhắc đến cách riêng các tín hữu thuộc Giáo phận Ugento-Santa Maria di Leuca ở miền nam, cùng với Đức giám mục giáo phận về Roma hành hương tạ ơn vì lễ phong chân phước gần đây cho mẹ Elisa Martinez, sáng lập Dòng Nữ Tử Đức Mẹ Leuca. Ngài cầu chúc các nữ tử và các nữ tu Dòng Phan Sinh Đức Mẹ Truyền Tin tiến hành Tổng tu nghị tốt đẹp.

Đức Thánh cha không quên nhắc đến các bạn trẻ, người già, các bệnh nhân và các đôi tân hôn và nói rằng: “tôi nhắn nhủ anh chị em hãy đọc kinh Mân côi hằng ngày, học nơi Đức Mẹ Maria cách sống mọi biến cố trong sự kết hiệp với Chúa Giêsu.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.