Họp báo về chuyến viếng thăm của Đức Thánh cha tại Marseille

Photo by Elisa Schmidt on Unsplash

Hiện tượng di dân, chiều kích đại kết và liên tôn, đó là ba chiều kích chính trong chuyến viếng thăm của Đức Thánh cha Phanxicô tại thành phố cảng Marseille bên Pháp, từ chiều thứ Sáu, 22 tháng Chín đến chiều tối thứ Bảy, 23 tháng Chín này.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết như trên trong cuộc họp báo, trưa ngày 19 tháng Chín vừa qua tại Vatican, để trình bày về chuyến tông du thứ 44 của Đức Thánh cha tại nước ngoài, cụ thể là để kết thúc Cuộc gặp gỡ Địa Trung Hải lần thứ ba, với sự tham dự của các giám mục và các vị lãnh đạo tôn giáo khác thuộc các nước ven biển này, sau cuộc gặp gỡ tại Bari, nam Ý năm 2020 và Firenze, trung Ý hồi năm ngoái. Thêm vào đó, có 120 bạn trẻ và các tổ chức, hiệp hội của xã hội dân sự. Đối tượng của các cuộc thảo luận bàn tròn, các buổi suy tư và cầu nguyện, cả những buổi trình diễn văn nghệ và văn hóa đều nhắm thăng tiến những hành trình hòa bình, cộng tác và hội nhập.

Ông Bruni nói: “Chiều kích đại kết và liên tôn được biểu lộ ngay từ ngày đầu tiên trong cuộc viếng thăm của Đức Thánh cha, khi các vị lãnh đạo tôn giáo cùng mặc niệm nơi đài tưởng niệm các thủy thủ và thuyền nhân bị mất tích trên biển. Ngoài vấn đề di cư, việc tiếp đón những người tị nạn cũng là một đề tài nóng hổi trong các diễn văn của Đức Thánh cha. Ngoài ra, cũng có chiều kích bảo vệ môi trường, vì Địa Trung Hải là nơi mà người ta mạnh mẽ cảm thấy những thay đổi khí hậu xảy ra trong những năm gần đây.”

Cũng trong cuộc họp báo, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết: từ Marseille, có thể Đức Thánh cha cũng ngỏ lời với toàn thể nước Pháp, nhắc nhớ cuộc sống của nhiều vị thánh của Giáo hội tại nước này. Những lời của Đức Thánh cha có thể có âm vang đặc biệt trên toàn Âu châu. Marseille là thành phố thứ hai của Pháp đón nhận một biến cố quốc tế mà Đức Thánh cha đến dự, sau thành phố Strasbourg hồi năm 2014.

Sau cùng, trong bối cảnh cuộc viếng thăm của Đức Thánh cha, cũng có vấn đề chiến tranh và không phải chiến tranh tại Ucraina mà thôi, tuy rằng cuộc chiến tại nước này tạo cho Đức Thánh cha nhiều đau khổ và luôn được ngài nhắc đến trong nhiều diễn văn.

(Vatican News 20-9-2023)

Tags