Đức Thánh cha trả lời phỏng vấn trên máy bay từ Bỉ trở về Roma

Trong cuộc họp báo trên chuyến bay, dài gần hai tiếng đồng hồ, từ thủ đô Bruxelles của Bỉ về Roma, Đức Thánh cha Phanxicô đã lên án sự thiếu tương ứng trong cuộc tấn công của Israel tại Liban là điều vô luân, tái lên án việc phá thai là giết người, và ngài bác bỏ xu hướng “nam giới hóa phụ nữ trong Giáo hội”.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Phá thai

Trả lời câu hỏi về việc làm án phong chân phước cho Vua Baudouin của Bỉ, đã can đảm thoái vị trong 36 tiếng đồng hồ để khỏi ký nhận dự luật cho phá thai, đã được quốc hội Bỉ thông qua trước đó, Đức Thánh cha nói: “Qua việc làm này, nhà vua đã nói lên một sứ điệp, và ông làm như thế vì ông là một thánh nhân. Nhân vật ấy là một vị thánh và tiến trình phong chân phước sẽ tiến hành, vì vua đã cho tôi bằng chứng về điều đó”.

Nữ ký giả nói đến quyền của phụ nữ có một cuộc sống không đau khổ, nhưng Đức Thánh cha nói: “Phụ nữ có quyền sống: sự sống của họ và sự sống của các con. Chúng ta đừng quên nói điều này: phá thai là giết người. Khoa học nói rõ điều này: trong tháng mới hoài thai, thai nhi đã có tất cả các cơ phận... Vì thế, giết thai nhi ấy là giết người và những bác sĩ nào thực hành phá thai là những sát nhân, những thích khách (sicari). Họ là những kẻ giết người! Về điểm này không thể tranh luận. Người ta giết một mạng sống con người. Và các phụ nữ có quyền bảo vệ sự sống. Các phương pháp ngừa thai là chuyện khác. Chúng ta đừng lẫn lộn. Ở đây, tôi chỉ nói về phá thai. Về điều này không thể tranh luận, đó là sự thật”.

Lạm dụng tính dục

Một ký giả đài truyền hình tiếng Flamand-Hòa Lan hỏi Đức Thánh cha về vấn đề lạm dụng tính dục và đề nghị có một bộ ở Vatican, một bộ độc lập để đương đầu với tai ương này trong Giáo hội và để phục hồi sự tín nhiệm của các tín hữu. Đức Thánh cha đáp:

“Đã có một cơ quan ở Vatican đối phó với vấn đề này rồi. Cơ quan này có một cơ cấu và chủ tịch là một giám mục người Colombia, để xử lý các vụ lạm dụng. Có một ủy ban do Đức Hồng y O’Malley thành lập và các cơ quan này đang hoạt động tốt: họ nhận tất cả đơn về các vụ được báo về Vatican, và thảo luận. Tại Vatican, tôi cũng tiếp những người bị lạm dụng, và tôi khích lệ để họ tiến bước”.

Đức Thánh cha nói thêm rằng: Một số người nói: thống kê cho biết có từ 40% đến 46% những vụ lạm dụng xảy ra trong gia đình và khu xóm, và chỉ có 3% trong Giáo hội. Nhưng tôi không quan tâm đến những vụ ở ngoài, mà quan tâm đến những vụ trong Giáo hội. Chúng tôi có trách nhiệm giúp những người bị lạm dụng và chăm sóc họ. Một số người cần chữa trị tâm lý. Và người ta nói đến việc bồi thường, vì trong luật dân sự cũng có. Trong dân luật tôi nghĩ có việc bồi thường 50.000 Euro ở Bỉ, quá thấp. Đó không phải là một điều hữu ích. Có con số đó nhưng tôi không chắc chắn. Chúng ta phải chăm sóc những người bị lạm dụng và trừng phạt những kẻ lạm dụng, vì lạm dụng không phải là một tội nay mới có và có lẽ mai sẽ không còn là tội nữa. Đó là một xu hướng, một thứ bệnh tâm lý và vì thế, chúng ta phải đưa thủ phạm đi chữa trị và kiểm soát họ. Không thể để một người lạm dụng tự do trong đời sống bình thường, với trách nhiệm trong các giáo xứ và trong các trường học. Một số giám mục có những linh mục đã lạm dụng, thì sau khi xét xử và lên án, các vị giao cho các linh mục ấy làm các công việc, ví dụ trong thư viện, mà không có những tiếp xúc với các trẻ em trong các trường học, giáo xứ. Nhưng chúng ta phải tiến bước, tôi đã nói với các giám mục Bỉ đừng sợ và tiếp tục tiến bước. Điều xấu hổ là che đậy, che đậy mới đúng là điều xấu hổ”.

Tình hình Liban

Một ký giả truyền hình Mỹ hỏi Đức Thánh cha về cuộc chiến tranh tại Liban: sáng ngày 29 tháng Chín, các bom nặng 900kg đã được Israel dùng để giết Nasrallah, thủ lãnh nhóm Hezbollah. Có hơn 1.000 người tản cư và bao nhiêu người thiệt mạng. Phải chăng người ta có thể giải quyết vấn đề như thế? Đức Thánh cha có sứ điệp nào cho những người ở đó?

Đức Thánh cha trả lời rằng “Sự phòng vệ phải luôn tương ứng với cuộc tấn công. Khi có gì không tương ứng, thì người ta tỏ ra một xu hướng thống trị đi quá luân lý. Một nước, với sức mạnh làm những điều đó, tôi nói là bất cứ nước nào thi hành điều đó một cách kiêu căng, thì đó là những hành động vô luân. Cả trong chiến tranh cũng phải tuân giữ luân lý. Chiến tranh là vô luân, nhưng những quy luật của chiến tranh bao hàm một luân lý nào đó. Khi người ta không giữ như vậy, thì đó là tình trạng như chúng tôi ở Argentina vẫn nói, đó là “xấu máu”.

Vai trò phụ nữ trong Giáo hội

Về vấn đề vai trò của phụ nữ trong Giáo hội, Đức Thánh cha bác bỏ quan niệm nữ quyền chủ trương “nam giới hóa” phụ nữ trong Giáo hội và đòi truyền chức thánh cho phụ nữ. Ngài nói: “Quan niệm nữ quyền thái quá là điều không ổn. Trong Giáo hội, phụ nữ lớn hơn thừa tác vụ linh mục và đây là điều nhiều khi người ta không nghĩ tới. “Phụ nữ bình đẳng với người nam, đúng hơn trong đời sống Giáo hội phụ nữ cao trọng hơn, vì Giáo hội là nữ. Về thừa tác vụ thì sự thần bí của phụ nữ thì cao hơn thừa tác vụ. Có một đại thần học gia đã nghiên cứu về vấn đề này: ai cao trọng hơn, thừa tác vụ Phêrô hay thừa tác vụ Maria? Thừa tác vụ Maria cao trọng hơn, vì đó là một thừa tác vụ hiệp nhất, can dự vào, còn thừa tác vụ Phêrô là thừa tác vụ dẫn đường. Chức phận làm mẹ của Giáo hội là tình mẫu tử của phụ nữ. Thừa tác vụ là điều nhỏ bé hơn nhiều, vì nó là để đồng hành với các tín hữu, luôn ở trong tình mẫu tử. Có nhiều thần học gia khác đã nghiên cứu về điều này, và nói đó là một điều thực tế. Tôi không nói là điều tân tiến, nhưng là điều thực tế, không cổ xưa”.

(Vatican News 29-9-2024)