Đức Thánh cha chủ sự thánh lễ làm phép Dầu
Đức Thánh cha Phanxicô mời gọi các vị tư tế của Giáo hội, giám mục cũng như linh mục, thực hành sự thống hối tội lỗi, theo gương thánh Phêrô.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Ngài đưa ra lời nhắn nhủ này, trong bài giảng thánh lễ làm phép dầu lúc gần 9 giờ 30, sáng Thứ Năm Tuần thánh, ngày 28 tháng Ba vừa qua, tại Đền thờ thánh Phêrô.
Vì đau đầu gối, nên Đức Thánh cha ngồi chủ tọa thánh lễ. Các phần ở bàn thờ do Đức Hồng y Angelo de Donatis, Giám quản Giáo phận Roma, chủ sự.
Đồng tế với Đức Thánh cha, có 45 hồng y, 40 giám mục và khoảng 2.000 linh mục, trước sự hiện diện của 2.500 giáo dân tín hữu ngồi đầy thánh đường.
Trước khi thánh lễ bắt đầu, các vị tư tế đã cùng với các tín hữu hiện diện đã hát Kinh Giờ Ba.
Bài giảng của Đức Thánh cha
Trong bài giảng, trong bối cảnh năm cầu nguyện để chuẩn bị Năm Thánh 2025, Đức Thánh cha đặc biệt nhắc đến gương thống hối của thánh Phêrô sau khi chối Thầy và nói rằng:
“Anh em tư tế thân mến, sự chữa lành tâm hồn của Phêrô, của thánh tông đồ, của vị mục tử diễn ra khi bị thương và thống hối, chúng ta để cho mình được Chúa Giêsu tha thứ: [sự thống hối và chữa lành ấy] tiến qua nước mắt, khóc lóc cay đắng, nỗi đau đớn giúp tái khám phá tình thương”.
Sự thống hối Đức Thánh cha nói đến ở đây là “khóc lóc về chính mình, là thành thực thống hối vì đã làm buồn Thiên Chúa khi phạm tội, là nhìn nhận mình luôn mắc nợ và không bao giờ là chủ nợ; là nhìn nhận mình đã lạc mất con đường thánh thiện, không tin tưởng nơi tình yêu của Đấng đã hiến mình vì ta. Đó là nhìn vào nội tâm và đau đớn, vì sự vô ơn và thất thường của mình; là đau buồn suy niệm về lối sống nước đôi và giả dối của mình; và đi vào những ngóc ngách sự giả hình của mình. Và rồi từ đó, hướng cái nhìn lên Chúa chịu đóng đinh, để cho mình được tình thương của Chúa đánh động, tình thương luôn tha thứ và nâng dậy, không bao giờ để cho những mong đợi của những người tín thác nơi Ngài bị thất vọng. Như thế, những giọt lệ tiếp tục chảy xuống và thanh tẩy tâm hồn”.
Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Thống hối đòi những cố gắng vất vả nhưng tái lập an bình; nó không tạo nên lo âu, nhưng làm cho tâm hồn nhẹ nhõm, vì tác động vào vết thương tội lỗi, làm cho chúng ta sẵn sàng đón nhận sự vuốt ve của vị y sĩ thiên quốc, biến đổi con tim khi nó “sầu muộn và tan nát” (Tv 51,19)...
Đức Thánh cha cũng nhắc đến gương thánh Biển Đức mời gọi hằng ngày: “Hãy xưng thú với Thiên Chúa trong nước mắt và rên xiết những tội lỗi quá khứ của mình” (Tu luật IV, 57), và thánh Gioan Kim Khẩu đã dạy rằng: một giọt nước mắt dập tắt được một lò than hồng tội lỗi (De paenitentia, VII, 5).
Với những ý hướng trên đây, Đức Thánh cha mời gọi mọi người hãy xét mình xem và tự hỏi xem với thời gian những giọt lệ thống hối có gia tăng hay không. “Ai thống hối trong tâm hồn thì ngày càng cảm thấy mình là anh em của tất cả những người tội lỗi trên thế giới, không tỏ ra mình cao trọng hoặc gay gắt trong phán đoán, nhưng với ước muốn yêu thương và đền bù”. Đây chính là một đặc tính khác nữa của sự thống hối, có là tinh thần liên đới. “Một tâm hồn ngoan ngoãn, theo tinh thần Các Mối Phúc, tự nhiên có khuynh hướng thống hối đối với những người khác: thay vì giận dữ và lấy làm gương mù gương xấu điều ác mà những người anh em làm, thì khóc thương vì tội lỗi của họ”... Anh em thân mến, Chúa yêu cầu chúng ta là những mục tử của Ngài đừng có những phán đoán khinh rẻ đối với người không tin, nhưng Chúa yêu cầu tình thương và nước mắt đối với những người ở xa. Những tình cảnh khó khăn mà chúng ta thấy và sống, sự thiếu đức tin, những đau khổ mà chúng ta động chạm đến, và tiếp xúc với một con tim thống hối không khơi lên thái độ quyết liệt trong cuộc tranh luận, nhưng kiên trì trong lòng thương xót. Chúng ta rất cần được giải thoát khỏi những thái độ khắc nghiệt và trách móc, khỏi những ích kỷ và tham vọng, cứng nhắc và bất mãn, để tin tưởng và phó thác bản thân cho Thiên Chúa, tìm thấy nơi Ngài một an bình cứu thoát khỏi mọi bão tố! Chúng ta hãy thờ lạy, chuyển cầu và khóc lóc cho những người khác!”
Sau bài giảng của Đức Thánh cha, các hồng y, giám mục và các linh mục hiện diện đã cử hành nghi thức lập lại những lời đã hứa khi chịu chức linh mục. Tiếp đến, Đức Thánh cha làm phép dầu dự tòng, dầu bệnh nhân và dầu thánh hiến (Crisma).
(Rei 28-3-2024)