Đức Thánh cha chủ sự Kinh Chiều tại Lisboa

Lúc 4 giờ 30 chiều, ngày 02 tháng Tám vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã mở lại các hoạt động trong ngày đầu tiên tại thủ đô Lisboa: ngài gặp gỡ Chủ tịch Quốc hội Bồ Đào Nha trước khi gặp Thủ tướng, rồi chủ sự Kinh Chiều với các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và một số thành phần khác của dân Chúa.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Trước tiên, tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh, Đức Thánh cha gặp Chủ tịch Quốc hội Bồ Đào Nha, ông Augusto Ernesto dos Santos Silva, năm nay 67 tuổi (1956), nguyên là một giáo sư kinh tế học tại Đại học Porto, rồi làm Viện trưởng. Sau đó, ông gia nhập đảng xã hội, lần lượt làm Bộ trưởng giáo dục, văn hóa, quốc hội vụ, quốc phòng và ngoại giao. Hồi tháng Ba năm ngoái (2022), ông được bầu làm Chủ tịch Quốc hội.

Cuộc gặp gỡ của Đức Thánh cha với Thủ tướng António Costa của Bồ Đào Nha cũng diễn ra tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh. Ông năm nay 62 tuổi (1961), nguyên là một luật sư, trước khi dấn thân hoạt động chính trị trong đảng xã hội, và từng làm Bộ trưởng nội vụ, rồi làm thị trưởng thành Lisboa trong tám năm trời, trước khi làm Tổng bí thư đảng xã hội. Ông được bầu làm Thủ tướng lần đầu năm 2015, sau đó được tái cử năm 2019 và 2022.

Sau khi gặp hai vị lãnh đạo chính quyền, Đức Thánh cha đã tới Đan viện Hoàng gia Santa Maria de Belém, cách Tòa Sứ thần gần 10 cây số. Nơi này quen gọi là Đan viện Dòng thánh Jerónimo, quan thầy của các thủy thủ. Kiến trúc của Đan viện này được coi là một kiệt tác và được tổ chức Unesco của Liên Hiệp Quốc liệt kê vào danh sách gia sản của nhân loại hồi năm 1983 và thường được dùng làm nơi tiếp đón các vị Quốc trưởng.

Đến nơi, Đức Thánh cha đã được Đức Hồng y Manuel Clemente, Thượng phụ thành Lisboa, cùng với Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Bồ Đào Nha và cha sở địa phương đón tiếp.

Hiện diện tại buổi hát Kinh Chiều, ngoài các giám mục thuộc 21 giáo phận toàn quốc, còn có hàng trăm linh mục, tu sĩ nam nữ, các chủng sinh và các nhân viên mục vụ. Đức cha José Ornelas Carvalho, Giám mục Giáo phận Leiria-Fatima, đã đại diện mọi người chào mừng Đức Thánh cha.

Bài giảng của Đức Thánh cha

Trong bài giảng, sau bài đọc ngắn trong Kinh Chiều, Đức Thánh cha gợi lại giai thoại trong chương 5 Tin mừng theo thánh Luca: khi Chúa Giêsu thấy các môn đệ xuống khỏi thuyền và đang giặt lưới (Lc 5,2), Ngài lên thuyền của Simon, và sau khi nói với đám đông dân chúng, Ngài đã thay đổi cuộc sống của các ngư phủ ấy, mời gọi họ hãy ra khơi và thả lưới.

Đức Thánh cha ghi nhận sự khác biệt: một đàng, các môn đệ xuống khỏi thuyền, còn Chúa Giêsu thì bước lên; họ muốn bảo tồn lưới, còn Ngài muốn họ tái thả lưới trong biển khơi để đánh cá.

Áp dụng vào hoàn cảnh hiện nay Giáo hội tại Bồ Đào Nha và nhiều nước khác, Đức Thánh cha nói:

“Chúa Giêsu âu yếm nhìn Simon và các bạn đồng nghiệp của ông, mệt mỏi và chán chường, đang giặt lưới, làm một cử chỉ theo thói quen, nhưng mệt mỏi và cam chịu: đành trở về nhà tay không.

Thống hối vì gương xấu

“Nhiều khi, trong hành trình Giáo hội của chúng ta, chúng ta cũng cảm thấy một sự mệt mỏi tương tự, khi chúng ta dường như chỉ cầm trong tay những lưới trống rỗng. Đó là một tâm tình khá phổ biến tại các nước có truyền thống Kitô kỳ cựu, phải chịu nhiều thay đổi xã hội và văn hóa, và luôn bị trào lưu tục hóa ảnh hưởng mạnh, bị thái độ dửng dưng của người đời đối với Thiên Chúa, ngày càng xa lìa việc thực hành đạo. Tình trạng đó nhiều khi càng bị nhấn mạnh hơn vì sự thất vọng và giận dữ mà một số người có đối với Giáo hội, đôi khi do chứng tá không tốt của chúng ta và vì những gương mù bôi nhọ khuôn mặt của Giáo hội, và đòi phải có sự thanh tẩy trong khiêm tốn và kiên trì, luôn đi từ tiếng kêu đau đớn của các nạn nhân. Nhưng có nguy cơ là khi ta cảm thấy bị tấn công, thì xuống khỏi thuyền, bị mắc kẹt trong những thứ lưới cam chịu và bi quan. Trái lại, chúng ta phải trình lên Chúa những cơ cực và nước mắt, để rồi đương đầu với những tình trạng mục vụ và linh đạo, bằng cách trao đổi với nhau bằng con tim cởi mở và cùng nhau thử nghiệm vào con đường mới cần theo, tín thác rằng Chúa Giêsu tiếp tục cầm tay và nâng Hiền Thê của Ngài đứng dậy.

Chúa can thiệp

Thực vậy, vừa khi các tông đồ xuống khỏi thuyền để rửa sạch các dụng cụ đã dùng, Chúa Giêsu bước lên thuyền và mời gọi họ hãy tái thả lưới. Chúa đến để tìm kiếm chúng ta trong những cô đơn và khủng hoảng của chúng ta để giúp chúng ta bắt đầu lại. Ngày hôm nay cũng vậy, Chúa đi qua trên các bờ của cuộc sống để khơi dậy niềm hy vọng và cũng để nói với chúng ta, như với Simon và các tông đồ khác: “Hãy ra khơi và thả lưới đánh cá” (Lc 5,4). Anh chị em, điều chúng ta đang sống thực là một thời kỳ khó khăn, nhưng hôm nay, Chúa hỏi Giáo hội: con có muốn xuống khỏi thuyền và chìm đắm trong thất vọng, hoặc để Thầy lên thuyền và để sự mới mẻ của lời Thầy hướng dẫn? Phải chăng con chỉ muốn bảo tồn quá khứ sau lưng con hay là tái thả lưới hăng say đánh cá?”

Theo ý hướng đó, Đức Thánh cha mời gọi mọi người hãy cầu xin Chúa đánh thức sự băn khoăn đối với Tin mừng. Tái thả lưới và ôm lấy thế giới với niềm hy vọng của Tin mừng; đó là điều chúng ta được kêu gọi thực hiện.

Ba đề nghị của Đức Thánh cha

Một cách cụ thể, Đức Thánh cha đề nghị với mọi người thực hiện ba chọn lựa:

Thứ nhất là ra khơi, tái thả lưới, bỏ lại trên bờ những thất vọng và thái độ bất động, rời bỏ buồn phiền và thái độ sống chết mặc bay, bất cần đời đứng trước những khó khăn. Cần tiến từ thái độ chủ bại đến tin tưởng, như Simon, tuy mệt mỏi vì cả đêm vất vả và tay trắng, nhưng vẫn thưa: “Vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới” (Lc 5,5). Nhưng để tín thác mỗi ngày nơi Chúa và Lời Ngài, lời nói không đủ, còn cần phải cầu nguyện rất nhiều. Chỉ trong sự thờ lạy, một mình trước Chúa, ta mới tìm lại được niềm hăng say loan báo Tin mừng. Nhờ đó, ta sẽ vượt lên trên cám dỗ thi hành một thứ mục vụ nhung nhớ và nuối tiếc, và có can đảm ra khơi, không theo ý thức hệ nào, không theo tinh thần phàm tục, nhưng được linh hoạt bằng một ước muốn duy nhất là làm sao để Tin mừng đi tới mọi người”.

Chọn lựa thứ hai là: cùng nhau làm mục vụ. Trong Tin mừng, Chúa Giêsu ủy thác cho ông Phêrô nhiệm vụ thả lưới, nhưng rồi Chúa nói ở số nhiều: “Các con hãy thả lưới” (Lc 5,4): Phêrô hướng dẫn thuyền, nhưng trên thuyền, tất cả đều được kêu gọi thả lưới. Khi họ bắt được một mẻ cá lớn, họ không nghĩ có thể một mình có thể thành công, họ không quản lý hồng ân như tài sản riêng, họ làm hiệu cho các bạn thuộc thuyền khác, đến để giúp đỡ họ (Lc 5,7). Thế là cả hai thuyền đầy cá, chứ không phải một thuyền. Một có nghĩa là cô độc, khép kín, tự mãn tự phụ, và hai có nghĩa là tương quan. Giáo hội là số nhiều, là hiệp thông, tương trợ, đồng hành. Trên thuyền phải có chỗ cho tất cả mọi người: tất cả các tín hữu đã chịu phép rửa được kêu gọi lên thuyền và thả lưới, đích thân dấn thân loan báo Tin mừng. Thật là một thách đố lớn, đặc biệt trong những bối cảnh cách linh mục và tu sĩ mệt mỏi vì trong khi những đòi hỏi mục vụ gia tăng, thì họ lại càng ít đi. Nhưng trước tình trạng ấy, chúng ta có thể coi đó như một cơ hội để giáo dân can dự, với tình thân hữu và óc sáng tạo mục vụ lành mạnh. Vậy thì những lưới của các môn đệ đầu tiên là một hình ảnh Giáo hội, là một mạng những mối quan hệ nhân giữa con người, về linh đạo và mục vụ. Nếu không có đối thoại, đồng trách nhiệm và tham gia, thì Giáo hội trở nên già nua.

Sau cùng là chọn lựa thứ ba: trở thành những người đánh cá người... có nghĩa là kéo con người ra khỏi nước, nghĩa là giúp đỡ ngoi lên khỏi nơi họ chìm sâu, cứu họ khỏi sự ác có nguy cơ làm cho họ chết đuối, được hồi sinh khỏi mọi hình thức chết chóc. Tin mừng là một sự loan báo sự sống trong biển chết chóc, loan báo tự do nơi những lốc xoáy của nô lệ, là loan báo ánh sáng trong vực thẳm tối tăm.

Sau một giờ hát Kinh Chiều với cộng đoàn, Đức Thánh cha đã trở về Tòa Sứ thần Tòa Thánh để dùng bữa tối và qua đêm.