Các hoạt động của Đức Thánh cha trong ngày 05 tháng Chín tại Indonesia

Thứ Năm, ngày 05 tháng Chín năm 2024, là ngày chót của Đức Thánh cha Phanxicô tại Indonesia. Ban sáng, Đức Thánh cha đến thăm Đền thờ Hồi giáo Istiqlal và gặp gỡ các vị lãnh đạo Hồi giáo tại đây và rồi ký Tuyên ngôn chung. Sau đó, Đức Thánh cha đến trụ sở mới của Hội đồng Giám mục Indonesia, lúc 10 giờ 15 để gặp gỡ những người nghèo, được các tổ chức bác ái Công giáo trợ giúp. Ban chiều cùng ngày, Đức Thánh cha đến Sân vận động Gelora Bung để cử hành thánh lễ cho các tín hữu vào lúc 5 giờ chiều.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Cuộc gặp gỡ liên tôn tại Đền thờ Hồi giáo Istiqlal

Trong tuyên ngôn ký kết tại Đền thờ Hồi giáo Istiqlal ở Jakarta, Đức Thánh cha cùng với vị thủ lãnh Hồi giáo tại Indonesia kêu gọi bài trừ sự lạm dụng tôn giáo vào các mục tiêu chính trị và bạo lực, xung đột, đồng thời thăng tiến sự hòa hợp tôn giáo.

Đền thờ Hồi giáo

Istiqlal là Đền thờ Hồi giáo lớn nhất tại Đông nam Á, tọa lạc tại trung tâm thủ đô Jakarta của Indonesia, phía đông bắc Quảng trường Merdeka và đối diện với nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Mông Triệu của Công giáo, để nhấn mạnh nguyên tắc triết lý mà Indonesia theo đuổi, đó là hiệp nhất trong sự khác biệt (Bhinneka Tunggal Ika): tất cả các tôn giáo sống chung trong an bình và hòa hợp. Hai nơi thờ phượng này được nối với nhau bằng một đường hầm thân hữu, hay đường hầm thân hữu, để cho sự di chuyển từ nơi này sang nơi khác được dễ dàng và để thăng tiến sự sống chung tôn giáo.

Dự án xây Đền thờ Hồi giáo được đề ra cách đây 70 năm (1954) và do kiến trúc sư Friedrich Silaban, một Kitô hữu, thiết kế và được Tổng thống Suharto khánh thành năm 1978, sau 17 năm kiến thiết. Khu vực Đền thờ có thể đón tiếp 120.000 người. Tên Istiqlal của Đền thờ, trong tiếng Arập, có nghĩa là độc lập, để ghi nhớ cuộc tranh đấu giành độc lập. Đền thờ có mái vòm cao 45 mét, được 12 cột chống đỡ, và có một tháp cao 66 mét 66, nhắc nhớ 6.666 câu trong kinh Coran. Trong Đền thờ có một gian rất lớn hình chữ nhật làm nơi cầu nguyện. Để vào Đền thờ, có bảy lối vào, tượng trưng bảy tầng trời của Hồi giáo.

Gặp gỡ liên tôn

Đức Thánh cha đã từ Tòa Sứ thần Tòa Thánh đền Đền thờ Istiqlal, lúc 9 giờ sáng, tiến qua cổng chính và được đại Imam chào đón ngay từ bên ngoài cổng. Hai vị cùng viếng Đường hầm thân hữu và đến một căn lều lớn, nơi diễn ra cuộc gặp gỡ liên tôn, không những Công giáo và Hồi giáo, nhưng cũng có cả đại diện của một số tôn giáo khác.

Một đoạn sách Coran và đoạn Tin mừng theo thánh Luca (10,25-37) đã được công bố, trước khi đại Imam ngỏ lời chào mừng Đức Thánh cha. Tiếp đến, bản Tuyên ngôn chung ngắn gọn với nội dung như sau:

Tuyên ngôn chung: thăng tiến hòa hợp tôn giáo vì thiện ích của nhân loại

“Như ta có thể thấy từ các biến cố trong những thập niên gần đây, thế giới chúng ta rõ ràng đang phải đương đầu với hai cuộc khủng hoảng trầm trọng: đó là sự mất nhân tính và sự thay đổi khí hậu.

1. Hiện tượng mất nhân tính trên thế giới được biểu lộ đặc biệt qua những bạo lực và xung đột lan tràn, thường gây ra con số rất cao các nạn nhân. Và điều đặc biệt đáng lo âu là tôn giáo thường bị lạm dụng theo chiều hướng này, gây ra đau khổ cho nhiều người, nhất là các phụ nữ, trẻ em và người già. Nhưng vai trò của tôn giáo phải bao gồm sự thăng tiến và bảo tồn phẩm giá của mỗi người.

2. Sự lạm dụng của con người đối với công trình tạo dựng, căn nhà chung của chúng ta, đã góp phần tạo nên sự thay đổi khí hâu, đưa tới những hậu quả tàn phá cũng như những thiên tai, sự hâm nóng trái đất và những điều kiện khí hậu không thể lường trước được. Cuộc khủng hoảng môi trường hiện nay đã trở thành một chướng ngại cho sự sống chung hòa hợp giữa các dân tộc.

Đáp lại hai cuộc khủng hoảng ấy, được các giáo huấn liên hệ hướng dẫn và nhìn nhận sự đóng góp của nguyên tắc triết lý Pancasila của Indonesia, chúng tôi, cùng với các vị lãnh đạo tôn giáo khác hiện diện nơi đây, chúng tôi yêu cầu điều sau đây:

Thứ 1. Các giá trị chung của các truyền thống tôn giáo chúng ta phải được thăng tiến hữu hiệu để đánh bại thứ văn hóa bạo lực và văn hóa dửng dưng đang đè nặng trên thế giới chúng ta. Thực vậy, các giá trị tôn giáo phải được quy hướng tới việc thăng tiến một nền văn hóa tôn trọng, phẩm giá và sự cảm thương, hòa giải và liên đới huynh đệ để vượt thắng tình trạng mất nhân tính cũng như sự tàn phá môi trường.

Thứ 2. Đặc biệt, các vị có trách nhiệm về tôn giáo, được lịch sử và truyền thống linh đạo liên hệ hướng dẫn, cần phải cộng tác vào việc đối phó với các cuộc khủng hoảng vừa nói, nhận ra những nguyên nhân của chúng và có những hành động thích hợp.

Thứ 3. Vì có một gia đình nhân loại duy nhất trên thế giới, cuộc đối thoại liên tôn phải được nhìn nhận như một phương thế hữu hiệu để giải quyết các xung đột địa phương, miền và quốc tế, nhất là những xung đột do sự lạm dụng tôn giáo. Ngoài ra, các tín ngưỡng và nghi lễ tôn giáo có một khả năng đặc biệt nói với tâm hồn con người và qua đó thăng tiến một sự tôn trọng sâu xa hơn đối với phẩm giá con người.

Thứ 4. Nhìn nhận sự cần thiết sinh tử cần có một bầu không khí lành mạnh, an bình và hòa hợp để phụng sự một cách chân chính đối với Thiên Chúa và bảo tồn thiên nhiên, chúng tôi chân thành mời gọi tất cả những người thiện chí hãy hành động quyết liệt để bảo tồn sự toàn vẹn của hệ thống môi sinh và các tài nguyên được thừa hưởng từ các thế hệ trước đây, mà chúng tôi hy vọng chuyển lại cho con cháu chúng ta”.

Sau đó, Đại Imam và Đức Thánh cha lần lượt ký vào bản tuyên ngôn và trao đổi với nhau.

Diễn văn của Đức Thánh cha trong cuộc gặp gỡ liên tôn

Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh cha nhận xét rằng: “Đền thờ Hồi giáo lớn nhất Á châu này do một kiến trúc sư Friedrich Silaban, một tín hữu Kitô đã trúng tuyển, thiết kế, “điều này chứng tỏ rằng trong lịch sử đất nước và nền văn hóa mà anh chị em đang sống, Đền thờ Hồi giáo này cũng như các nơi thờ phượng khác, là những không gian đối thoại, tôn trọng nhau, sống chung hòa hợp giữa các tôn giáo và những nhạy cảm về linh đạo khác nhau. Đây là một hồng ân lớn, mà anh chị em được kêu gọi vun trồng mỗi ngày, để kinh nghiệm tôn giáo trở thành điểm tham chiếu cho một xã hội huynh đệ và an bình và không bao giờ là lý do để khép kín và đụng độ”.

Đức Thánh cha cũng nhận xét rằng “việc kiến thiết đường hầm thân hữu là một dấu chỉ hùng hồn chứng tỏ cho hai nơi thờ phượng lớn này không chỉ ở đối diện nhau, nhưng còn được liên kết với nhau. Thực vậy, lối đi này giúp một cuộc gặp gỡ, đối thoại, một khả thể “khám phá và thông truyền huyền nhiệm sự sống chung với nhau, trao đổi và giao lưu, gặp gỡ nhau [...]. Sự tham gia vào biến cố có phần xáo trộn này có thể được biến đổi thành một kinh nghiệm đích thực về tình huynh đệ, trong một đoàn lữ hành liên đới, trong một cuộc hành hương thánh” (E.G 87). Tôi khuyến khích anh chị em tiếp tục con đường này: ước gì tất cả và từng người vun trồng linh đạo của mình và khi thực hành tôn giáo của mình, chúng ta có thể tiến bước trong sự tìm kiếm Thiên Chúa và góp phần xây dựng một xã hội cởi mở, dựa trên sự tôn trọng và yêu thương nhau, có khả năng ngăn chặn sự cứng nhắc, thái độ duy căn và cực đoan, vốn là những điều luôn luôn nguy hiểm và không bao giờ có thể biện minh được”.

Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Anh chị em thân mến, “thăng tiến sự hòa hợp tôn giáo vì thiện ích của nhân loại” đó chính là một sự soi sáng mà chúng ta được kêu gọi noi theo và cũng là tựa đề Tuyên ngôn chung được chuẩn bị trong dịp này. Trong tuyên ngôn đó chúng ta nhận, với tinh thần trách nhiệm về những cuộc khủng hoảng trầm trọng và đôi khi bi thảm đang đe dọa tương lai nhân loại, đặc biệt là những chiến tranh và xung đột, rất tiếc là nhiều khi chúng được nuôi dưỡng bằng những lạm dụng tôn giáo, và cả cuộc khủng hoảng về môi trường, đang trở thành một chướng ngại cản trở sự tăng trưởng và sống chung của các dân tộc. Và đứng trước những cảnh tượng đó, điều quan trọng là các giá trị chung của tất cả các truyền thống tôn giáo cần được thăng tiến và củng cố, giúp xã hội đánh bại thứ văn hóa bạo lực và dửng dưng”.

Sau khi kết thúc cuộc gặp gỡ, Đức Thánh cha và đại Imam tiến ra sân của Đền thờ để chụp hình lưu niệm với các vị lãnh đạo tôn giáo khác.

Tags