Bài giáo lý của Đức Thánh cha cho thứ Tư, ngày 26 tháng Ba

Thứ Tư, ngày 26 tháng Ba, Đức Thánh cha vẫn chưa thể tiếp kiến chung các tín hữu hành hương, vì ngài đang dưỡng bệnh tại Nhà trọ thánh Marta. Phòng Báo chí Tòa Thánh đã phổ biến bài giáo lý trong loạt bài về “Năm Thánh 2025”: “Chúa Giêsu Kitô niềm hy vọng của chúng ta”. Chương II. Đời sống Chúa Giêsu. Các cuộc gặp gỡ. Thứ 2: Gặp gỡ phụ nữ xứ Samaria: “Hãy cho tôi uống!” (Gv 4,7).
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Mở đầu bài giáo lý, Đức Thánh cha viết: “Anh chị em thân mến,
Sau khi suy niệm về cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với ông Nicôđêmô, là người đã tìm gặp Chúa Giêsu, hôm nay chúng ta suy tư về những lúc dường như chính Chúa đang chờ đợi chúng ta, nơi các ngã tư đường đời của chúng ta. Đó là những cuộc gặp gỡ làm chúng ta ngạc nhiên, và thoạt đầu có lẽ cả chúng ta cũng có phần nghi kỵ: chúng ta tìm cách thận trọng và hiểu xem điều gì đang xảy ra.
“Đây có lẽ cũng là kinh nghiệm của người phụ nữ xứ Samaria, mà chương thứ tư của Tin mừng theo thánh Gioan (Xc 4,5-26) nói đến. Bà không chờ được thấy một người đàn ông giữa trưa tại giếng nước, đúng hơn bà hy vọng không gặp ai cả. Thực vậy, bà đến kín nước ở giếng vào một giờ khác thường, khi trời rất nóng. Có lẽ, phụ nữ ấy xấu hổ về cuộc đời của mình, có lẽ bà cảm thấy bị xét đoán, bị lên án, không được thông cảm, và vì thế bà tự cô lập, cắt đứt tương quan với mọi người.
“Để đi từ Galilea đến miền Giuda, Chúa Giêsu có thể chọn một con đường khác mà không đi qua miền Samaria. Chọn lựa này có lẽ an ninh hơn, xét vì những tương quan căng thẳng giữa người Do thái và người Samaria. Trái lại, Chúa muốn đi qua con đường này và dừng lại tại chính giếng nước vào giờ đó! Chúa Giêsu chờ đợi chúng ta và để chúng ta tìm thấy Ngài chính khi chúng ta nghĩ rằng chẳng còn hy vọng gì đối với chúng ta nữa. Ở Trung Đông thời xưa, giếng nước là nơi gặp gỡ, nhiều khi người ta thu xếp các cuộc hôn nhân tại đó, đó là nơi giao ước, đính hôn. Chúa Giêsu muốn giúp người phụ nữ ấy hiểu nên tìm câu trả lời đích thực cho ước muốn mong được yêu thương của bà.
Đề tài ước muốn là cơ bản để hiểu cuộc gặp gỡ này. Chúa Giêsu là người đầu tiên bày tỏ ước muốn: “Xin hãy cho tôi uống!” (v.10). Tuy mở cuộc đối thoại, Chúa Giêsu tỏ cho thấy Ngài yếu đuối, qua đó Ngài làm cho người khác cảm thấy thoải mái, để họ không kinh hãi. Trong Kinh thánh, cái khát thường là hình ảnh của ước muốn. Nhưng ở đây Chúa Giêsu đang khát trước tiên là cứu độ người phụ nữ ấy. Thánh Augustinô đã nói: “Người xin được uống là người đang khát đức tin của người phụ nữ ấy” (Omelia 15,11).
Trong khi ông Nicôđêmô đến gặp Chúa Giêsu ban đêm, thì ở đây Chúa Giêsu gặp người phụ nữ xứ Samaria giữa trưa, lúc có ánh sáng nhiều nhất. Thực vậy, đó là một khoảnh khắc mạc khải. Chúa Giêsu tỏ ra cho phụ nữ ấy mình như Đức Messia và ngoài ra, Ngài chiếu sáng cuộc đời của bà. Ngài giúp bà đọc lại cuộc sống của bà một cách mới mẻ, một cuộc đời phức tạp và đau thương: bà đã có năm đời chồng và hiện bà đang ở với người đàn ông thứ sáu, cũng không phải là chồng bà. Con số sáu không phải là tình cờ, nhưng thường chỉ sự bất toàn. Có lẽ đó là một sự ám chỉ tới người chồng thứ bảy, người mà sau cùng có thể làm mãn nguyện ước muốn của phụ nữ này mong được yêu thương thực sự. Và người chồng ấy chỉ có thể là Chúa Giêsu.
“Khi nhận thấy rằng Chúa Giêsu biết cuộc đời của bà, bà ta chuyển câu chuyện sang vấn đề tôn giáo gây chia rẽ giữa người Do thái và Samaria. Điều này nhiều khi cũng xảy ra cho cả chúng ta khi chúng ta cầu nguyện: trong lúc Thiên Chúa đang đánh động cuộc sống chúng ta với các vấn đề, thì chúng ta lại lạc mất trong những suy tư tạo cho chúng ta ảo tưởng một kinh nguyện thành công. Trong thực tế, chúng ta dựng lên những hàng rào bảo vệ. Nhưng Chúa luôn cao cả hơn, và Ngài tỏ lộ một mạc khải cao quý hơn cho người phụ nữ Samaria ấy, người mà theo khuôn khổ văn hóa bấy giờ, lẽ ra không được ngỏ lời với bà: Ngài nói với bà về Chúa Cha, Đấng phải được tôn thờ trong tinh thần và chân lý. Và khi bà ta ngạc nhiên, nêu nhận xét rằng về những điều đó, tốt hơn nên đợi Đức Messia, thì Chúa nói với bà: “Chính tôi đây, người đang nói với bà” (v.26). Điều này giống như một sự tỏ tình: Đấng mà bà đang chờ đợi chính là tôi; Người có thể đáp ứng ước muốn được yêu thương của bà.”
Khi ấy, người phụ nữ chạy đi kêu gọi dân chúng trong làng vì chính từ kinh nghiệm được yêu thương mà xuất phát sứ mạng loan báo. Và lời loan báo nào có thể loan truyền nếu không phải là kinh nghiệm của bà được cảm thông, đón nhận và tha thứ? Đó là một hình ảnh phải làm chúng ta suy tư về việc chúng ta tìm kiếm những cách thức mới để loan báo Tin mừng.
Giống như một người được yêu thương, người phụ nữ xứ Samaria quên vò nước của bà dưới chân Chúa Giêsu. Gánh nặng của vò nước ấy mang trên đầu mỗi khi bà đi về nhà, nhắc nhớ bà về thân phận của bà, cuộc đời sóng gió của bà. Nhưng giờ đây, vò nước được đặt dưới chân Chúa Giêsu. Quá khứ không còn là gánh nặng nữa; bà đã được hòa giải. Và cả chúng ta cũng như thế: để đi loan báo Tin mừng, trước tiên, chúng ta cần đặt gánh nặng cuộc đời chúng ta dưới chân Chúa, phó thác cho Ngài gánh nặng quá khứ của chúng ta. Chỉ những người được hòa giải mới có thể loan truyền Tin mừng.
Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Anh chị em thân mến, chúng ta đừng đánh mất hy vọng! Cho dù cuộc đời chúng ta có vẻ nặng nề, phức tạp, thậm chí có lẽ bị hư hỏng rồi! Chúng ta luôn có thể phó thác cho Chúa để bắt đầu lại hành trình của chúng ta. Thiên Chúa thương xót và luôn chờ đợi chúng ta!”
Trực tiếp
