Mối quan tâm của Đức Thánh cha Lêô về sự hiệp nhất các tín hữu Kitô

Tuy chưa có tin chính thức, nhưng theo báo chí, rất có thể Đức Thánh cha Lêô XIV sẽ đáp ứng nguyện vọng của Đức Cố Giáo hoàng Phanxicô, đó là cùng với Đức Thượng phụ Bartolomaios, Giáo chủ Chính thống Constantinople và cũng là vị đứng đầu Chính thống giáo, kỷ niệm 1.700 năm Công đồng chung Nicea, Công đồng đầu tiên của Giáo hội Kitô, như một động lực thúc đẩy các Giáo hội hăng say hơn trên con đường tìm về hiệp nhất trọn vẹn.
Linh Tiến Khải | RVA
Thực vậy, Đức Thánh cha Lêô đã bày tỏ lập trường và giáo huấn của ngài về vấn đề này trong buổi tiếp kiến sáng ngày 07 tháng Sáu vừa qua, dành cho các tham dự viên thúc Hội nghị Quốc tế về Công đồng chung Nicea.
Hội nghị do Học viện Đại kết thuộc Đại học Giáo hoàng Angelicum, thuộc Dòng Đa Minh, ở Roma, cùng với Hiệp hội Thần học Chính thống quốc tế, đồng tổ chức và tiến hành từ ngày 04 đến ngày 07 tháng Sáu năm 2025, với chủ đề: “Nicea và Giáo hội của Ngàn Năm Thứ Ba: tiến tới sự hiệp nhất giữa Công giáo và Chính thống”. Trong số hơn 250 tham dự viên, cũng có Đức Hồng y Kurt Koch, Bộ trưởng Bộ Hiệp nhất các tín hữu Kitô, một số giám mục Chính thống và Chính thống Đông phương, cũng như Đức Tổng giám mục Justin Welby, cựu Giáo chủ Liên hiệp Anh giáo.
Huấn từ của Đức Thánh cha
Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh cha nhận xét rằng Công đồng chung Nicea “không phải chỉ là một sự kiện quá khứ, nhưng là một kim chỉ nam phải tiếp tục hướng dẫn chúng ta tiến tới sự hiệp nhất trọn vẹn, hữu hình của tất cả các tín hữu Kitô. Công đồng chung đầu tiên thật là cơ bản đối với hành trình chung mà các tín hữu Công giáo và Chính thống thực hiện chung từ Công đồng chung Vatican II. Đối với các Giáo hội Đông phương, Công đồng chung Nicea là công đồng tuyệt hảo, - được ghi trong lịch phụng vụ, - đã công bố quy luật đức tin Kitô, bản tuyên xưng đức tin của 318 nghị phụ”.
Đức Thánh cha Lêô cũng nhắc đến nhận xét trong Văn kiện của Ủy ban Thần học Quốc tế, về 1700 năm kỷ niệm Công đồng Nicea, theo đó năm 2025 là “một cơ hội quý giá không thể lường được, để nhấn mạnh điều chúng ta có chung thì mạnh mẽ hơn, về lượng cũng như về phẩm, so với những gì làm chúng ta chia cách”: tất cả chúng ta cùng nhau tin nơi Thiên Chúa Ba Ngôi, nơi Chúa Kitô là người thật và Thiên Chúa thật, tin sự cứu độ nơi Chúa Giêsu Kitô, theo các Sách Thánh được đọc trong Giáo hội và dưới tác động của Chúa Thánh Linh. Cùng nhau, chúng ta tin Giáo hội, bí tích Rửa tội, sự sống lại của thân xác và đời sống vĩnh cửu” (Gesù Christo, Figlio di Dio, Salvatore, 43). Tôi xác tín rằng khi trở về với Công đồng chung Nicea, chúng ta có thể thấy, dưới một ánh sáng khác, những điểm còn chia rẽ chúng ta. Qua sự đối thoại thần học và với ơn phù trợ của Chúa, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn mầu nhiệm liên kết chúng ta. Khi cùng nhau cử hành đức tin của Công đồng chung Nicea này và cùng nhau tuyên xưng niềm tin ấy, chúng ta cũng sẽ tiến về sự tái lập sự hiệp thông hoàn toàn giữa chúng ta”.
Hiệp hành
Điểm thứ hai được Hội nghị ở Angelicum bàn tới là Sinodalità, đồng hành. Công đồng chung Nicea đã khởi đầu một hành trình đồng hành cho Giáo hội đi theo, trong việc xử lý các vấn đề thần học và giáo luật trên bình diện hoàn vũ. Sự đóng góp của các đại biểu anh em thuộc các Giáo hội và Cộng đoàn Giáo hội Đông và Tây phương cho Thượng Hội đồng Giám mục mới đây về đồng hành hay hiệp hành, nhóm tại Vatican, là một kích thích quý giá để suy tư nhiều hơn về bản chất và việc thực hành tinh thần đồng hành với nhau.”
Sau cùng, một đề tài được Hội nghị ở Angelicum bàn tới là Ngày cử hành lễ Phục Sinh chung với nhau. Công đồng chung Nicea đã xác định ngày này, nhưng rất tiếc vì lịch khác nhau của các khối Giáo hội không cho phép các tín hữu Kitô cử hành Đại lễ quan trọng nhất của Kitô giáo nữa. Đức Thánh cha nói: “Về vấn đề này tôi tái khẳng định sự sẵn sàng của Giáo hội Công giáo tìm kiếm một giải pháp đại kết tạo điều kiện cho việc cử hành chung lễ Chúa Sống lại và nhờ đó, mang lại một sức mạnh truyền giáo lớn hơn việc rao giảng của chúng ta, “danh Chúa Giêsu và ơn cứu độ nảy sinh từ niềm tin nơi chân lý cứu độ của Tin mừng”. (Diễn văn với các Hội Giáo Hoàng Truyền giáo 22-5-2025).
Giao hảo với Chính Thống giáo
Quan tâm đại kết Kitô của Đức Thánh cha Lêô XIV cũng được biểu lộ qua sự đề cao của ngài đối với truyền thống tốt lành có từ sau Công đồng chung Vatican II, đó là Giáo hội Công giáo Roma và Chính thống Constantinople trao đổi phái đoàn hai Giáo hội viếng thăm nhau vào dịp lễ bổn mạng là một dấu hiệu hiệp thông sâu sắc đã có giữa hai bên và phản ánh mối dây huynh đệ liên kết hai thánh tông đồ Phêrô và Anrê. Đức Thánh cha nhận định rằng: “Thói quen tốt lành này đã bắt đầu, sau nhiều thế kỳ bất đồng và không hiểu nhau, nhờ những quyết định can đảm và sáng suốt của Đức Giáo hoàng Phaolô VI và Đức Thượng phụ Athenagoras. Các vị kế nhiệm đáng kính của hai Tòa Roma và Constantinople đã tiếp tục cùng con đường hòa giải với niềm xác tín.
Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 28 tháng Sáu vừa qua dành cho Phái đoàn Chính thống đến dự lễ thánh Phêrô và Phaolô tại Vatican, Đức Thánh cha Lêô XIV đặc biệt bày tỏ “ý hướng kiên trì trong nỗ lực tái lập sự hiệp thông trọn vẹn hữu hình giữa hai Giáo hội Công giáo và Chính thống Constantinople. Ngài nói: “Mục tiêu này chỉ có thể đạt tới nhờ một quyết tâm liên tục lắng nghe trong sự tôn trọng và đối thoại huynh đệ. Vì thế, tôi cởi mở đối với tất cả những gợi ý về vấn đề này, luôn tham vấn các anh em giám mục của Giáo hội Công giáo, mỗi người theo cách thức của mình, cùng chia sẻ trách nhiệm về sự hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình của các Giáo hội” (LG 23).
(Sala Stampa 28-6-2025)
Trực tiếp
