Đức Hồng y Kurt Koch hy vọng có những phản ứng tích cực về Thông điệp mới của Bộ Hiệp nhất
Đức Hồng y Kurt Koch, người Thụy Sĩ, Bộ trưởng Bộ Hiệp nhất các tín hữu Kitô, hy vọng có thêm những phản ứng tích cực từ phía các Giáo hội Kitô khác đối với Văn kiện do Bộ công bố, hôm 13 tháng Sáu vừa qua, với tựa đề “Giám mục Rôma, Quyền tối thượng và sự đồng nghị trong các cuộc đối thoại đại kết và trong các câu trả lời về Thông điệp Ut unum sint”.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Kathpress của Công giáo Áo, truyền đi ngày 17 tháng Sáu, Đức Hồng y Koch nói rằng Văn kiện này cống hiến cơ hội, theo đó sứ vụ Giám mục Roma, vốn bị bị coi là một trong những chướng ngại lớn nhất cản trở sự hiệp nhất các tín hữu Kitô, nay sẽ trở thành một cơ may quan trọng để thăng tiến và làm cho sự hiệp nhất trở nên hữu hình hơn.
Đức Hồng y giải thích rằng quyền tối thượng danh dự của Đức Giáo hoàng sẽ là điều dễ chấp nhận nhất đối với các Giáo hội Chính thống. Ngay trong ngàn năm thứ nhất, các Giáo hội Chính thống đã nhìn nhận Giám mục Rôma là “primus inter pares”, nghĩa là người thứ nhất trong số những người đồng hàng. Tuy nhiên, Đức Hồng y hy vọng sẽ tìm được một phương thức, theo đó cả các Giáo hội Kitô khác không cảm thấy “bị loại ra ngoài hoặc bị để lại đàng sau”: Những đề nghị của Roma đã được trình bày một cách rất tế nhị. Các Giáo hội Kitô khác không nên nghĩ rằng chúng tôi đã có sẵn một chương trình rồi và muốn áp đặt cho họ. Văn kiện mới công bố có mục đích thế này: đây là những đề nghị của chúng tôi, nay chúng tôi chờ đợi phản ứng của quí vị, và chúng tôi chưa có một chương trình trọn vẹn nào.”
Đồng thời, Đức Hồng y Kurt Koch nhấn mạnh rằng đề nghị một sự hiểu biết mới về quyền tối thượng của Đức Giáo hoàng đối với các Giáo hội Kitô không thể chỉ là một quyền chủ tịch danh dự mà không có thẩm quyền nào. Quyền chủ tịch danh dự như thế chỉ tác dụng tốt khi “phong thuận gió hòa”. Bạn cũng cần có quyền bính để mời gọi những người khác cùng họp nhau và giữ vai trò điều hợp trong trường hợp xảy ra những xung đột. Trong thực tế, Đức Giáo hoàng đã giữ một vai trò đặc biệt ngày nay, như đã chứng tỏ trong những dịp, như Ngày Cầu nguyện cho hòa bình thế giới ở Assisi.
Trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng y Kurt Koch cũng hy vọng nhiều nhân dịp kỷ niệm 1.700 năm Công đồng chung Nicea, mừng vào năm tới, 2025. Công đồng này đã ấn định bản tuyên xưng đức tin vẫn còn có tính cách bó buộc đối với hầu hết các Giáo hội Kitô. Theo Đức Hồng y, một mục tiêu là tổ chức một cuộc gặp chung vào tháng Sáu năm 2025, mặc dù chưa rõ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có thành Nicea xưa kia, có đồng ý cho tổ chức tại địa điểm đó hay không.
(KAP 17/6/2024)