Đức Hồng y Koch: Nhiều tín hữu Tin lành có thành kiến về Công giáo

Cardinale Kurt Koch | Il cardinale Kurt Koch, prefetto del Dicastero per la Promozione dell'Unità dei Cristiani | Daniel Ibanez / ACI Group
Đức Hồng y Kurt Koch, Bộ trưởng Bộ Hiệp nhất các tín hữu Kitô cho biết nhiều tín hữu Tin lành không biết và vẫn còn nuôi những thành kiến về Giáo hội Công giáo; vì thế, điều rất quan trọng là phải đối thoại.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đức Hồng y Koch người Thụy Sĩ, ngài cho biết như trên, trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Tin lành “Idea”, bằng tiếng Đức, bên lề hội nghị lần thứ X, về đại kết các cộng đoàn Tin lành ở Đức, nhóm tại Hofgeismar. Cuộc phỏng vấn được phổ biến liền trước tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô.

Đức Hồng y kể rằng: trong quá khứ khi, còn là một linh mục tuyên úy quân đội, tôi ở chung phòng với một mục sư tuyên úy. Vị này mỗi buổi tối khi cầu nguyện, ông đặt ảnh vợ ông trước mặt mình. Bấy giờ, tôi nói với mục sư: “tôi không có vợ, nhưng giả sử tôi có lập gia đình, thì cũng chẳng bao giờ tôi thờ vợ tôi”.

Mục sư tin lành nói: “Anh có điên không? Tôi không thờ vợ tôi, nhưng tôi đặt ảnh nàng trước mặt, và nàng hiện diện”.

Bấy giờ, tôi nói với mục sư: “Đó cũng là điều chúng tôi vẫn làm với các thánh và Đức Mẹ Maria”.

Đức Hồng y Koch nói thêm rằng: “Nguồn mạch nhiều hiểu lầm là có nhiều người Tin lành không hề biết về Giáo hội Công giáo và họ sống bằng những thành kiến”.

Ký giả tạp chí Tin lành Idea cũng hỏi Đức Hồng y xem Mẹ Maria có được Giáo hội Công giáo tôn thờ hay không, ngài đáp: “Không, vì chúng tôi chỉ thờ lạy Thiên Chúa mà thôi. Các tín hữu Công giáo “tôn kính Mẹ Maria” và đây là một sự khác biệt cơ bản”.

Đức Hồng y Koch nhắc đến những khảo luận về Đức Maria do các thủ lãnh Tin lành cái cách như Martin Luther, Jean Calvin và Ulrich Zwingli và Đức Hồng y yêu cầu hãy đọc Kinh thánh, đồng thời nói thêm rằng trong kinh Magnificat, Mẹ Maria hát rằng mọi thế hệ sẽ ca ngợi Mẹ, và điều này khiến Đức Hồng y thốt lên: “Tôi không hiểu tại sao người ta có thể nói là việc tôn kính Mẹ Maria chẳng liên hệ gì với Kinh thánh”.

Đề cập đến việc đối thoại đại kết, Đức Hồng y Koch cũng nói về vai trò của Đức Giáo hoàng, cả điều này cũng đã được Kinh thánh báo trước trong Tin mừng theo thánh Matthêu, đoạn 16, câu 18, qua đó Chúa Giêsu hứa với thánh Phêrô: “Trên đá này, Thầy sẽ xây dựng Giáo hội của Thầy”.

Rồi Đức Hồng y Koch nhấn mạnh rằng thách đố mà phong trào đại kết gặp phải đến từ sự kiện “chúng ta không đồng thuận thực sự với nhau về mục tiêu của Phong trào đại kết. Sở dĩ như vậy vì mỗi Giáo hội có một quan niệm riêng về Giáo hội và cả ý tưởng hiệp nhất, vì thế họ nỗ lực coi quan niệm của mình về hiệp nhất như một mục tiêu của Phong trào đại kết. Thế nên, chúng ta phải đối thoại khẩn trương với nhau về những đề tài, như: Giáo hội là gì? Ai là Giáo hội? Giáo hội ở đâu”.

Đức Hồng y Koch khẳng định rằng: “Giáo hội Công giáo xác tín rằng sự hiệp nhất phải tìm kiếm trong một đức tin chung, trong sự cử hành chung các bí tích và nhìn nhận các thừa tác vụ. Đây là một cuộc đối thoại chân thành. Chúng ta quan niệm thế nào về gia sản đức tin trong truyền thống? Đâu là những gia sản chung chúng ta có với nhau? Điều gì còn làm cho chúng ta chia cách? Và về những chia cách này, chúng ta phải xem làm thế nào để vượt thắng chúng”.

Mới đây, Giáo hội Tin lành Đức và Hội đồng Giám mục Đức đã công bố văn kiện tựa đề “Hữu hình hơn trong sự hiệp nhất và hòa giải hơn trong sự khác biệt”. Đức Hồng y Koch nhận rằng điều quan trọng là các tín hữu Công giáo và Tin lành “cố gắng có một tiếng nói chung về những vấn đề luân lý đạo đức cơ bản. Hễ tiếng nói của các Giáo hội Kitô ở Âu châu càng khác biệt nhau thì chứng tá đức tin càng yếu ớt”. Tuy nhiên, Đại kết thực hành không thể là một giải pháp khác thay thế cho đại kết thần học nhắm vượt thắng những khác biệt trong sự hiểu biết về đức tin”.

Đức Hồng y Koch cũng nói về sự đại kết của các vị tử đạo: “Hiện nay, các Kitô hữu chúng ta là cộng đồng tôn giáo bị bách hại nhiều nhất: 80% những người bị bách hại vì lý do tôn giáo chính là các Kitô hữu. Ngày nay, chúng ta có nhiều cuộc bách hại Kitô hữu hơn cả những thế kỷ đầu tiên, sau Chúa Kitô. Cuộc bách hại này là đại kết, vì các Kitô hữu bị bách hại không phải vì họ là Tin lành Luther, Cải cách, Công giáo hay Chính thống, nhưng vì họ là Kitô hữu. Các Kitô hữu liên kết chúng ta, họ là những người đã hiến mạng sống vì niềm tin nơi Chúa Kitô. Đó là phong trào đại kết bằng máu, một điều được Đức Giáo hoàng Phanxicô nhắc đến nhiều và theo Đức Hồng y Koch, đây thực sự là quan trọng trong cuộc đối thoại đại kết.

(Acistampa 21-1-2025)

Tags