Chủ tịch Hội đồng Ngoại vụ Chính thống Nga gặp Đức Tổng giám mục Gallagher

Đức Tổng giám mục Paul Gallagher | AFP or licensors

Hôm 15 tháng Sáu vừa qua, Đức Tổng giám mục Paul Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh, đã gặp gỡ Đức Tổng giám mục Antony, Chủ tịch Hội đồng Ngoại vụ Tòa Thượng phụ Chính thống Nga, nhân cuộc viếng thăm làm việc của Đức Tổng giám mục tại Roma.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Trong chuyến viếng thăm này, Đức Tổng giám mục Anthony cũng gặp gỡ Cộng đồng thánh Egidio ở Roma, một tổ chức bác ái Giáo hội dấn thân cả trong lãnh vực đại kết và làm trung gian hòa giải trong nhiều cuộc xung đột. Cùng ngày 15 tháng Sáu, Đức Tổng giám mục Ngoại trưởng Tòa Thánh đã tham dự một cuộc thảo luận bàn tròn, tại trụ sở Quốc hội Ý và ngài trình bày về những giá trị tích cực của tôn giáo cho hòa bình, đồng thời tái khẳng định cố gắng của Giáo hội Công giáo trong việc tìm kiếm đối thoại và tình huynh đệ giữa các quốc gia, tôn trọng sự sống và dấn thân cho sự bất bạo động, nói và hành động trong chân thành, không lường gạt hoặc lèo lái, đối xử một cách lương thiện và công chính.

Cuộc thảo luận bàn tròn tại trụ sở quốc hội Ý có chủ đề là: “Tôn giáo, xung đột và xây dựng hòa bình trong các cuộc khủng hoảng quốc tế trên hoàn cầu”.

Trong bài tham luận, Đức Tổng giám mục Gallagher, người Anh, khẳng định rằng chính trong kinh nguyện mà các tín hữu, chiếm 85% dân số thế giới, tìm được phương thức ưu tiên để biểu lộ ước muốn hòa bình. Thực vậy, tôn giáo, tự bản chất, là một tương quan giữa Thiên Chúa và con người, và điều này được biểu lộ qua kinh nguyện. Kinh nguyện là một cuộc đối thoại. Và mục đích tối hậu của đối thoại là để “tránh hoặc chấm dứt chiến tranh và đạt tới hòa bình”.

Đức Tổng giám mục Ngoại trưởng Tòa Thánh cũng nói đến một đề tài mà các vị Giáo hoàng đã phải đương đầu là vấn đề “cuộc chiến tranh chính đáng”, hiểu ngậm là có sự biện minh cho việc sử dụng bạo lực. Vẫn luôn có một sự căng thẳng giữa đạo lý này với viễn tượng bất bạo động của Tin mừng, nhưng thực ra đây là hai khía cạnh khác biệt nhau, tuy có thể dung hợp với nhau: một khía cạnh liên quan đến hoạt động của mỗi Kitô hữu, và khía cạnh khác liên hệ giữa các quốc gia và sự diễn tả các nguyên tắc tự nhiên về công lý và công bằng.

Đức Tổng giám mục Gallagher nhấn mạnh rằng: Giáo hội vẫn luôn mạnh mẽ bênh vực sự bất bạo động, năm 1868, Đức Giáo hoàng Piô IX đã phê chuẩn hiệp ước đầu tiên ở Genève, về các nạn nhân xung đột võ trang. Từ đó, Tòa Thánh không từ nan cố gắng nào trong việc thăng tiến hòa bình, không phải như một sự vắng bóng chiến tranh, áp đặt bằng võ lực, nhưng bằng một hành vi công lý được ghi khắc trong thực tại ngày nay. Nền tảng của điều này là chỉ có thể là tình huynh đệ, vì mỗi người, cũng như mỗi quốc gia đều có liên hệ với nhau.

(Vatican News 16-6-2023)