Tòa Thánh lo âu vì phóng xạ và kêu gọi giảm nợ cho các nước nghèo

Đức Tổng giám mục Gabriele Caccia, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở New York, Hoa Kỳ | Vatican News
Đức Tổng giám mục Gabriele Caccia, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, cho biết Tòa Thánh lo âu vì hậu quả của phóng xạ và số phận của các trung tâm năng lượng hạt nhân ở Zaporizhzhia, bên Ucraina, và Kursk, bên Nga, đồng thời Đức Tổng giám mục cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế giảm nợ cho những nước nghèo nhất.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đức Tổng giám mục Caccia đưa ra lời kêu gọi trên đây, tại Đại Hội đồng thứ 79 hiện nay của Liên Hiệp Quốc, trong phiên họp về hậu quả của phóng xạ hạt nhân.

Trung tâm năng lượng hạt nhân Zaporizhzhia đã trở thành mục tiêu cho các cuộc giao tranh giữa Nga và Ucraina, đe dọa sức khỏe và an ninh của các dân tộc sống gần đó. Vì thế, Tòa Thánh mạnh mẽ kêu gọi các nước hãy phê chuẩn Hiệp ước về việc cấm các vũ khí hạt nhân và Hiệp ước hoàn toàn cấm thử nghiệm các loại vũ khí này. Đức Tổng giám mục tái khẳng định sự báo động của Tòa Thánh vì nguy cơ lớn: phóng xạ lan ra từ hai trung tâm năng lượng hạt nhân vừa nói. Đức Tổng giám mục nói: Tình trạng như thế đòi phải cấp tốc làm dịu bớt những rủi ro nguy hiểm từ các lò năng lượng hạt nhân vừa nói đối với các vùng xung đột, đảm bảo an ninh cho con người và căn nhà chung của nhân loại. Các Hiệp ước chống hạt nhân là những dụng cụ thiết yếu để phòng ngừa và giảm bớt ảnh hưởng của phóng xạ độc hại, bảo tồn môi trường và bảo vệ các nạn nhân vô tội khỏi bị ảnh hưởng của phóng xạ.

Cũng trong khuôn khổ Đại hội đồng thứ 79 hiện nay của Liên Hiệp Quốc. Đức Tổng giám mục Caccia cũng nhân danh Tòa Thánh kêu gọi cộng đồng quốc tế có một hành động quyết liệt về giảm nợ cho các nước nghèo nhất, đang ở trong tình cảnh đặc biệt, những nước kém phát triển không có đường ra biển, và các quốc đảo nhỏ đang trên đường phát triển gặp khó khăn trong việc theo đuổi một sự phát triển dài hạn, và đảm bảo một tương lai thịnh vượng cho quốc dân của họ”. Điều này sẽ giúp bảo vệ phẩm giá của mọi người, thăng tiến sự tăng trưởng và kiến tạo khả năng phục hồi, đồng thời bảo đảm rằng không quốc gia nào bị gánh nặng nợ nần cản trở, và thay vào đó có thể đầu tư vào việc xóa bỏ nghèo đói và đầu tư vào các cột trụ cơ bản khác của sự phát triển nhân bản toàn diện”.

(Vatican News 22-10-2024)